Tham nhũng & những lỗ hổng pháp lý về đất đai

BVR&MT – Hàng loạt “lỗ hổng” của pháp luật về lĩnh vực này đã phát lộ khi các cơ quan chức năng đẩy mạnh điều tra và đưa ra xét xử công khai nhiều vụ án kinh tế tham nhũng lớn với thủ đoạn cấu kết tinh vi giữa doanh nghiệp và những quan chức có thẩm quyền gây thất thoát tài sản nhà nước hàng nghìn tỷ đồng. Đây không chỉ là “cảnh báo đỏ” mà còn là nhiệm vụ cấp bách của các cơ quan chức năng trong công tác xây dựng hành lang pháp lý về đất đai.

Khu nhà đất số 8-12 Lê Duẩn có tổng diện tích 4.896,3m2, gồm 2 khu đất tại số 8 và số 12 Lê Duẩn Quận 1 TP Hồ Chí Minh (Ảnh: thanhnien.vn)

Trong vài năm trở lại đây, nhiều vụ án kinh tế tham nhũng lớn với thủ đoạn cấu kết tinh vi giữa doanh nghiệp và những quan chức có thẩm quyền trong việc đấu thầu, chỉ định thầu, mua bán, chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất… gây thất thoát tài sản nhà nước hàng nghìn tỷ đồng đã được điều tra và đưa ra xét xử công khai, minh bạch.

Điều đáng nói, hàng loạt “lỗ hổng” của pháp luật về lĩnh vực này đã phát lộ. Những hệ quả tất yếu từ tình trạng thiếu những quy định về cơ chế giám sát, bất cập trong công tác đấu thầu, chỉ định thầu, quy định thiếu minh bạch trong việc giao đất, cho thuê đất, xác định giá đất không sát giá thị trường… đã tạo kẽ hở phát sinh tiêu cực, tham nhũng, trục lợi. Đây không chỉ là “cảnh báo đỏ” mà còn là nhiệm vụ cấp bách của các cơ quan chức năng trong công tác xây dựng hành lang pháp lý về đất đai.

Chỉ riêng năm 2020, nhiều vụ án trọng điểm được các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, mở rộng điều tra, khởi tố nhiều bị can, làm rõ bản chất hành vi chiếm đoạt, tham nhũng của các bị can, bị cáo để xử lý theo quy định của pháp luật. Điển hình như: Vụ án vi phạm các quy định về quản lý đất đai xảy ra tại Tổng Công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco); Vụ án vi phạm các quy định về quản lý đất đai; lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty Hải Thành, Quân chủng Hải quân liên quan đến đất số 7 – 9 Tôn Đức Thắng (Q.1, TP Hồ Chí Minh); Vụ án vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Công ty gang thép Thái Nguyên; Vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; tham ô tài sản xảy ra tại Tổng Công ty nông nghiệp Sài Gòn (Sagri)…

Bằng việc sử dụng rất nhiều chiêu thức, thủ đoạn rất tinh vi khi cố tình bỏ qua quy định về thẩm định giá, không tổ chức đấu giá tài sản và không đấu thầu dự án… nhiều đối tượng đã thực hiện các hành vi phạm tội của mình hòng biến tài sản công thành tư, làm thất thoát nghiêm trọng tài sản của Nhà nước.

Đơn cử như việc “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” liên quan đến dự án 8-12 Lê Duẩn, Quận 1, TP Hồ Chí Minh (có diện tích rộng gần 5.000 m2). Khu đất “vàng” này đã được Ban chỉ đạo sắp xếp, xử lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước tại TP Hồ Chí Minh giao Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP Hồ Chí Minh lập thủ tục bán đấu giá và chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án. Trong quá trình triển khai thực hiện, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông Nguyễn Thành Tài (cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh), Công ty CP đầu tư Lavenue và Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm đã được giao triển khai Dự án khách sạn cao cấp, thương mại dịch vụ, căn hộ cho thuê với thời hạn sử dụng đất là 50 năm. Điều đáng nói là cả hai đơn vị này đều là “pháp nhân vừa thành lập” hoặc “đơn vị chưa hề tham gia bất cứ dự án nào” và việc giao khu đất “vàng” hoàn toàn không thông qua tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, không thẩm định giá tài sản, không tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất. Sai phạm nghiêm trọng của ông Nguyễn Thành Tài và các đồng phạm đã gây thiệt hại tài sản của Nhà nước với số tiền lên tới 2.554 tỷ đồng.

Còn trong vụ án “vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Sabeco liên qua đến dự án Sài Gòn Mê Linh Tower trên khu đất “vàng” ở địa chỉ 2-4-6 Hai Bà Trưng (Quận 1, TP Hồ Chí Minh), được sự tiếp sức của ông Nguyễn Hữu Tín (cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh), Sabeco đã xây dựng thành công kịch bản: Góp vốn thành lập Công ty CP Đầu tư Sabeco Pearl để làm chủ đầu tư dự án và hưởng ưu đãi thuê đất tới 50 năm trả tiền một lần để thực hiện dự án mà không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất. Đến giữa năm 2016, khi có chủ trương thoái vốn của Nhà nước, Sabeco đã lập tức thoái vốn bán toàn bộ số cổ phần đang nắm giữ cho các cổ đông sáng lập khác… Và sau 1 năm, kể từ khi bỏ ra 92 tỷ đồng tiền mặt và quyền sử dụng đất khu đất “vàng” có giá trị ghi sổ tới 1.237 tỷ đồng để đảm bảo tỷ lệ góp vốn (26%) vào Sabeco Pearl, Sabeco đã thu về được số tiền… 195 tỷ đồng!

Tương tự, ông Trần Vĩnh Tuyến (cũng là cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh) đã vào vòng lao lý vì những sai phạm tại một khu đất “vàng” khác trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Từ những vụ đại án nêu trên cho thấy, những chiêu thức thủ đoạn mà các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội trót lọt, gây thất thoát rất lớn về đất đai công sản đều chỉ ra điểm chung “nhờ” những bất cập, lỗ hổng pháp lý của Luật Đất đai và các văn bản pháp luật liên quan là những lỗ hỗng rất lớn đang ngày ngày, giờ giờ tiếp tay cho các nhóm lợi ích lợi dụng, thao túng, tự tung tự tác. Đơn cử, Luật Đất đai 2013 quy định, nhà nước trao quyền sử dụng đất bằng quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Như vậy việc quyết định quyền sử dụng đất bằng một quyết định hành chính, do một người là đại diện cơ quan hành chính nhà nước ban hành. Quy định như vậy có thể tạo ra cơ chế “xin – cho” – một môi trường và điều kiện của thuận lợi để nảy sinh lòng tham và các hành vi tham nhũng.

Bên cạnh đó, Luật Đất đai chỉ quy định việc đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất chứ chưa quy định chặt chẽ, bắt buộc phải đấu giá đối với đất do doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng khi chuyển mục đích sử dụng đất. Vì thế, rất nhiều địa phương tìm cách lách luật bằng cách cho thuê đất, lập dự án cho hoạt động thương mại dịch vụ, có thời hạn sử dụng đất là 50 năm, sau một hai năm cho phép sử dụng lâu dài, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, để tránh phải đấu giá đất. Đồng thời, quy định về đối tượng được giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá còn khá rộng, chưa cụ thể. Chính những lỗ hỗng nêu trên đã tiếp tay cho các đối tượng liều lĩnh giao khu đất “vàng” tại 2-4-6 Hai Bà Trưng (Q1, TP Hồ Chí Minh) cho Sabeco Pearl và được hưởng ưu đãi thuê đất tới 50 năm trả tiền một lần…

Ngoài ra, những bất cập về thiếu minh bạch, thiếu quy định giám sát, kiểm tra quy trình thực hiện thẩm định, định giá không sát giá thị trường… là kẽ hở cho tiêu cực, gây thất thoát ngân sách nhà nước khi chuyển quyền sử dụng đất từ doanh nghiệp Nhà nước sang doanh nghiệp tư nhân thông qua cổ phần hoá, đấu thầu, đấu giá, mua sắm công… Những lỗ hổng này có thể thấy rõ qua vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Sabeco khi đơn vị này đã hợp thức hóa bởi bảng giá trị thẩm định của doanh nghiệp thẩm định giá Cushman&Wakefield – một trong số 03 đơn vị được thuê có chức năng thẩm định giá, đã đưa ra giá trị thẩm định cao nhất để chuyển khu đất “vàng” có giá trị hơn 1.300 tỷ (tính cả tiền góp vốn và giá trị định giá đất) về tay tư nhân mà chỉ thu về số tiền thu 195 tỷ đồng.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng trong các vụ án trong điểm về tham những đất đai, ngoài nguyên nhân chủ quan, từ sự tha hóa từ lòng tham của chính những cán bộ, lãnh đạo, thì nguyên nhân chính là hệ quả những kẽ hở, lỗ hổng trong các quy định hiện hành của pháp luật hiện hành.

Thí dụ điển hình, trong vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” liên quan đến dự án 8-12 Lê Duẩn, Quận 1, TP Hồ Chí Minh nêu trên, Công ty CP đầu tư Lavenue và Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm – những “pháp nhân vừa thành lập” hoặc “đơn vị chưa hề tham gia bất cứ dự án nào” có thể làm chủ khu đất “vàng” tại Q.1, TP Hồ Chí Minh mà không gặp trở ngại gì là do các đối tượng đã cố tình bỏ qua, lợi dụng kẽ hở quy định của Luật Đấu thầu và các bộ luật liên quan.

Thực tế, chỉ định thầu là một trong sáu hình thức lựa chọn nhà thầu theo quy định tại khoản 1 Điều 22 của Luật Đấu thầu 2013. Do thủ tục lựa chọn nhà thầu đơn giản, thời gian thực hiện ngắn nên đây là hình thức được áp dụng tương đối phổ biến. Tuy nhiên, chỉ trong một số trường hợp nhất định mới được phép chỉ định thầu. Từ những sự việc trên cho thấy công tác tổ chức đấu thầu đang có những lỗ hổng tạo cơ hội cho các tổ chức, cá nhân lợi dụng.

Trước đây chúng ta chỉ chú ý đến việc giám sát tổ chức, cá nhân thực hiện thầu mà chưa tính đến việc phải giám sát cả chính cơ quan quản lý thầu. Khiến chính những người đại diện cho cơ quan có thẩm quyền lại rất dễ dàng bị thao túng, lợi dụng chức vụ quyền hạn để thực hiện những hành vi vi phạm hoạt động đấu thầu. Từ thực tế những sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động đấu thầu, yêu cầu đặt ra hiện nay là cần phải “bịt kín” lại những kẽ hở pháp luật, đồng thời tăng cường hơn nữa các biện pháp về tổ chức đấu thầu, quản lý việc chọn lựa đơn vị trúng thầu và công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với các cơ quan quản lý thầu trong việc tổ chức đấu thầu để kịp thời phát hiện, ngăn chặn sai phạm.

Vấn đề là dù các sai phạm chủ yếu tập trung vào yếu tố con người, nhưng để có giải pháp ngăn chặn hữu hiệu thì cần phải chú trọng hoàn thiện chính sách pháp luật về đầu tư, xây dựng, đấu thầu, đất đai, pháp luật chi tiêu mua sắm công và các quy định pháp luật về kinh tế khác có liên quan… để lấp đi những lỗ hổng mà các đối tượng có thể lợi dụng để trục lợi.

Theo đó, cơ quan chức năng, bên cạnh việc hoành thiện hành lang pháp lý về đất đai, cần sớm phải ban hành cơ chế kiểm soát quyền lực của quan chức, đặc biệt kiểm soát cho được quyền lực của những quan chức có quyền quyết định trong chi tiêu ngân sách, quản lý đất đai công sản, để chấm dứt tình trạng quan chức cấu kết với doanh nghiệp “sân sau”, doanh nghiệp “thân hữu” tư lợi, chiếm đoạt tài sản của nhà nước, nhân dân.