Thái Nguyên: Xây dựng nông thôn mới trên đất khó

BVR&MT – Nằm ở vị trí xa trung tâm huyện, xa các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ; tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 60%; nguồn thu ngân sách hạn chế… là những khó khăn ở xã Na Mao (Đại Từ) khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM). Song, vượt qua những trở ngại đó, đến thời điểm này, địa phương đã đạt 15/19 tiêu chí và tự tin sẽ về đích vào cuối năm 2022.

Tuyến đường vào trung tâm xã Na Mao đã được trải nhựa, thuận lợi cho việc đi lại và giao thương của người dân.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Na Mao, cho biết: Với điều kiện, vị trí địa lý không mấy thuận lợi cho phát triển thương mại – dịch vụ, địa phương xác định sản xuất nông nghiệp là hướng đi chính trong phát triển kinh tế. Theo đó, chúng tôi tích cực vận động bà con khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, tập trung vào một số cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao để đầu tư, thâm canh, tăng diện tích. Cụ thể là trồng chè và chăn nuôi lợn, trâu, bò.

Chè được xác định là cây trồng mũi nhọn kinh tế của Na Mao. Do vậy, những năm qua, xã đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuyển đổi những diện tích chè giống cũ, cằn cỗi sang trồng chè giống mới. Đồng thời, mở rộng diện tích canh tác ở những khu vực đất còn trống, chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng chè. Đến nay, diện tích chè toàn xã đã đạt gần 100ha, cho năng suất bình quân 110 tạ/ha.

Ở Na Mao, hầu như nhà nào cũng có chè. Hộ ít thì khoảng 2 sào, nhiều thì 10-15 sào chè. Các giống chè được đưa vào trồng chủ yếu là: LDP1, TRI777, Long Vân… Khi cây chè đã bao phủ toàn bộ các diện tích đất phù hợp, những năm gần đây, người dân Na Mao tiếp tục tập trung vào nâng cao chất lượng, sản xuất chè theo các tiêu chuẩn an toàn.

Mới đây, 35ha chè kinh doanh của xã đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Với vùng nguyên liệu tập trung ở các xóm: Trung Tâm, Đoàn Kết…, xã Na Mao đang có kế hoạch xây dựng mã số vùng trồng trên tổng diện tích 30ha. Bên cạnh đó, hiện, xã đã thành lập được 1 hợp tác xã và 6 tổ hợp tác trồng, chế biến, kinh doanh chè. Hướng tới chuyên môn hóa trong sản xuất, địa phương đang có kế hoạch thành lập tổ hợp tác chuyên về chế biến chè, với 11 hộ tham gia.

Nhờ định hướng phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế, mức thu nhập bình quân của người dân trong xã tăng trưởng theo từng năm. Kết quả rà soát thu nhập bình quân của xã năm 2021 là 36 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 10 triệu đồng so với năm 2016. Tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm từ 67% (năm 2016) xuống còn gần 8%.

Đồng bào các dân tộc xã Na Mao luôn có ý thức gìn giữ những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp. Trong ảnh: Bà con Sán Chay ở xóm Khuôn U luyện tập hát Sấng Cọ.

Là xã miền núi, giao thông khó khăn do dân cư sống phân tán, xen kẹp giữa các triền đồi, địa hình phức tạp… nên việc đầu tư hạ tầng giao thông ở Na Mao rất khó khăn. Khi thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, vấn đề đầu tư phát triển giao thông được xã xác định là tiêu chí khó nhất. Tuy nhiên, nếu không tập trung đầu tư phát triển giao thông thì các hoạt động giao thương, đầu tư khác sẽ khó phát triển, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.

Từ thực tế này, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Na Mao đã quyết tâm dồn sức, ưu tiên các nguồn lực để đầu tư mạng lưới giao thông. Khi có chủ trương mở đường đến đâu, bà con sẵn sàng hiến đất, đóng góp ngày công để thực hiện. Từ khi bắt tay vào xây dựng NTM đến nay, nhân dân trong xã đã hiến 13.000m2 đất ở, đất sản xuất để thi công các tuyến đường khai thông, kết nối liên xóm, liên xã, liên vùng. Những hộ gia đình ông Trần Đoàn Công, ở xóm Thái Hà; ông Hoàng Văn Thành, ông Mã Đình Quyền, bà Trần Thị Đa, ở xóm Ao Soi… đã tình nguyện hiến hàng nghìn m2 đất canh tác và đất ở để mở rộng lòng đường, thông tuyến giao thông. Giờ đây, Na Mao đã có 100% đường liên xã, đường trục xã và trên 90% đường ngõ xóm, liên xóm được cứng hóa, đổ bê tông. Trong vòng gần 6 năm (từ 2016 đến năm 2021), tiêu chí giao thông trọng Bộ tiêu chí NTM của toàn xã đã được hoàn thành.

Hạ tầng giao thông sớm hoàn thiện là cơ sở thuận lợi để Na Mao tập trung nguồn lực cho các tiêu chí còn lại. Đến nay, xã còn 4 tiêu chí đang tiến dần về đích NTM, đó là: Cơ sở vật chất văn hoá; thông tin và truyền thông; thu nhập; tổ chức sản xuất. Theo địa phương tự đánh giá, các tiêu chí này hiện đã hoàn thành ở mức trên 80%.

Trên cơ sở quy hoạch chi tiết trung tâm xã, địa phương đang tích cực phối hợp với đơn vị tư vấn triển khai và dự kiến trong tháng 8-2022 sẽ có mặt bằng 11.000m2 để xây dựng sân thể thao của xã tại xóm Khuôn U. Đối với tiêu chí thông tin và truyền thông, để hoàn thiện yêu cầu có trạm truyền thanh và hệ thống loa đến các xóm, xã đang hoàn thiện hồ sơ pháp lý và thủ tục đấu thầu, lựa chọn nhà thầu cung cấp thiết bị để lắp đặt, vận hành hệ thống vào tháng 10-2022.

Với một xã miền núi còn nhiều khó khăn như Na Mao, để hoàn thành 19 tiêu chí NTM đòi hỏi nỗ lực rất lớn của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong việc lựa chọn tiêu chí để ưu tiên đầu tư, cơ chế huy động nguồn lực và khâu tổ chức thực hiện. 15/19 tiêu chí NTM hoàn thành đã đem lại sự thay đổi trong nhận thức của người dân về xây dựng quê hương, cải thiện môi trường sống ở khu vực nông thôn. Từ đó, nâng cao chất lượng cuộc sống. Với tiến độ như hiện tại, đích đến NTM của Na Mao không còn xa…