Thái Nguyên: Võ Nhai bảo vệ rừng từ gốc

BVR&MT – Huyện vùng cao Võ Nhai có diện tích rừng lớn nhất tỉnh Thái Nguyên với hơn 60.000 ha; trong đó đất rừng đặc dụng trên 17.700 ha, đất rừng phòng hộ hơn 14.500 ha và đất rừng sản xuất trên 27.800 ha.

Cán bộ Hạt kiểm lâm Võ Nhai kiểm đếm tang vật vi phạm. Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN

Hiện tỷ lệ che phủ rừng của huyện Võ Nhai là hơn 70%, cao nhất trong số các huyện, thành của tỉnh. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện không xảy ra cháy rừng, không còn các “điểm nóng” về khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép…

Với phương châm bảo vệ rừng tận gốc, từ đầu năm đến nay, lực lượng kiểm lâm trên địa bàn hợp với chính quyền địa phương tăng cường bảo vệ, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 14 vụ, chủ yếu là các hành vi: phá rừng phòng hộ, tàng trữ, cất giấu, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép, vận chuyển gỗ rừng trồng không chấp hành trình tự thủ tục quản lý…

Lực lượng kiểm lâm và chính quyền các xã, thị trấn thực hiện nghiêm túc công tác trực phòng cháy, chữa cháy rừng, đảm bảo 24/24 giờ khi cấp dự báo cháy rừng từ cấp III trở lên. Ban chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng từ cấp huyện đến cấp cơ sở được kiện toàn, đồng thời xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng phù hợp với điều kiện của từng cơ quan, đơn vị.

Các xã trên địa bàn, kiểm tra chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác của các chủ đầu tư… Tổ Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng cùng các Trạm Kiểm lâm trực thuộc tăng cường kiểm tra, truy quét chống chặt phá rừng trái phép, phát hiện và xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm, phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh làm rõ các vụ việc có dấu hiệu vi phạm trên địa bàn. Hạt Kiểm lâm Võ Nhai phối hợp với Hạt Kiểm lâm các huyện: Bình Gia, Bắc Sơn (tỉnh Lạng Sơn), Na Rì, Chợ Mới (tỉnh Bắc Kạn) thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng vùng giáp ranh…

Ông Nguyễn Đức Quế, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Võ Nhai cho biết: Nhìn chung, việc quản lý, bảo vệ rừng ở Võ Nhai thời gian qua đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể của huyện quan tâm thực hiện. Sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn trong việc thực hiện kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các vụ vi phạm góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Các vụ việc vi phạm được lực lượng kiểm lâm, các ngành chức năng phát hiện lập hồ sơ xử lý kịp thời.

Tuy vậy, ở một số xã trong huyện tình trạng khai thác rừng trái phép nhỏ lẻ, lấn chiếm đất rừng còn xảy ra. Một số vụ vi phạm đã ra quyết định xử lý vi phạm hành chính nhưng chưa thu được tiền phạt. Trong thời điểm đang đóng cửa rừng tự nhiên, người dân được giao đất có rừng tự nhiên nhưng chỉ được khai thác, sử dụng lâm sản ngoài gỗ, vì vậy đời sống của người dân sống ở gần rừng, phụ thuộc vào rừng rất khó khăn. Do đó, nhiều người dân không có đất canh tác nông nghiệp đã tự ý bất chấp quy định pháp luật phát phá rừng tự nhiên để lấy đất sản xuất, phát triển kinh tế gây rất nhiều khó khăn cho quản lý rừng tự nhiên…

Trước thực tế này, trong thời gian tới, lực lượng kiểm lâm trên địa bàn huyện tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm tra, bảo vệ rừng. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thực của người dân trong quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, bảo vệ động vật hoang dã, tăng cường các hoạt động kiểm tra, truy quét, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.

Các cơ quan: Công an, Quân sự, Kiểm lâm, Kiểm sát tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp trong đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp. UBND các xã, thị trấn chủ động thực hiện các giải pháp chống chặt phá rừng, bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên, duy trì hiệu quả hoạt động của các Tổ kiểm tra, tuần tra bảo vệ rừng…

Cùng với Hạt kiểm lâm Võ Nhai, để quản lý, bảo vệ, phát triển rừng bền vững, Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên – đơn vị được giao quản lý diện tích rừng đặc dụng nằm trong Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa – Phượng Hoàng hiện đã thành lập 2 trạm bảo vệ diện tích rừng đặc dụng, thực hiện quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng tại 7 xã, thị trấn trong huyện thuộc Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa – Phượng Hoàng, hoàn thiện hồ sơ thiết kế khoán bảo vệ 2.600 ha rừng đặc dụng trên địa bàn. Ông Nguyễn Văn Tuyên, Phó giám đốc Ban chia sẻ: Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên đang thực hiện dự án hỗ trợ cộng đồng dân cư vùng đệm với tổng kinh phí thực hiện hơn 800 triệu đồng.

Theo đó, các thôn bản quản lý, bảo vệ rừng tốt, không để xảy ra vụ việc nghiêm trọng sẽ được hỗ trợ cây giống, con giống, hỗ trợ vật liệu xây dựng công trình công cộng như: nhà văn hoá, nhà vệ sinh, đường điện chiếu sáng nông thôn… Từ nay đến cuối năm, Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên tiếp tục tập trung thực hiện bảo vệ rừng tận gốc, các trạm, chốt bảo vệ rừng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của huyện, các xã vùng giáp ranh, lực lượng Kiểm lâm huyện, Kiểm lâm vùng giáp ranh 3 tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lạng Sơn tuần tra bảo vệ rừng, phối hợp bảo vệ rừng đặc dụng, phòng hộ tại các tiểu khu, lô, khoảnh; ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm xâm hại đến rừng và đất rừng đang quản lý.

Ban thực hiện có hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, tiến hành điều tra hiện trạng và đề xuất giải pháp bảo tồn, phát triển các loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm tại Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa – Phượng Hoàng, tham mưu cho chính quyền địa phương làm tốt việc quản lý, bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm Luật Lâm nghiệp…