Thái Nguyên: Về nơi đất đồng không ngủ

BVR&MT – “Cán đích” từ năm 2015, xã Thanh Ninh (Phú Bình) trở thành một trong những địa phương đầu tiên của tỉnh bước lên “đài vinh danh” về xây dựng nông thôn mới. Không tự mãn, cán bộ, nhân dân Thanh Ninh tiếp tục trên hành trình phát huy nội lực, tạo dựng nên diện mạo nông thôn mới bằng kết quả phát triển kinh tế – xã hội. Cũng bởi thế, nhiều người làm công tác chuyên môn ngành Nông nghiệp ví Thanh Ninh là “nơi đất đồng không ngủ”.

Nhờ đầu tư, chăm bón đúng quy trình kỹ thuật, năng suất lúa của xã Thanh Ninh (Phú Bình) đạt bình quân hơn 55 tạ/ha.

Đầu thành 11 là thời điểm để người người dễ dàng nhận ra sự luân chuyển mùa vụ ở đồng đất Thanh Ninh. Lúc ban mai, trên nhiều khu đồng còn rộn ràng tiếng máy thu hoạch lúa mùa, đến chiều muộn đã gặp không khí nhộn nhịp xuống giống cây trồng vụ đông.

Bên đám ruộng ngô mới đặt bầu, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Ninh Nguyễn Văn Thời chia sẻ: Từ nhiều năm gần đây, Thanh Ninh đã xây dựng được những cánh đồng một giống. Nhiều cây trồng mang lại thu nhập cao được nông dân đưa vào gieo trồng trên diện rộng như ớt, dưa chuột và cây dược liệu.

Sải chân trên những con đường nội đồng, qua các vạt lúa mùa muộn vừa độ chín đang uốn bông, khoe hạt, tôi cảm nhận trong từng hạt thóc trĩu nặng giọt mồ hôi cùng mùi đất hăng nồng quen thuộc. Tất cả là thành quả lao động, nhiều khi còn là sự “giành giật” của nông dân với thiên tai, với sâu bệnh hại cây trồng. Nhưng nhờ làm chủ khoa học – kỹ thuật, chủ động được vốn đầu tư cho phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cùng kinh nghiệm truyền thống, nông dân xã Thanh Ninh liên tục giành thắng lợi trong các mùa vụ.

Xã Thanh Ninh có 14 xóm, gần 1.400 hộ, chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Với tổng diện tích đất canh tác 285ha, chủ yếu gieo cấy lúa và rau màu các loại. Do chủ động trong các khâu sản xuất, như thủy lợi, giống, khung thời vụ và quá trình sản xuất bảo đảm quy trình kỹ thuật, nên năng suất lúa đạt cao, hơn 55 tạ/ha, năng suất ngô đạt 44 tạ/ha. Sản lượng lương thực cây có hạt hàng năm ổn định hơn 2.800 tấn.

Từ 20ha đất trồng ớt, nông dân xã Thanh Ninh (Phú Bình) “thu hái” hơn 16 tỷ đồng/năm.

Đất đồng Thanh Ninh không ngơi nghỉ, luân chuyển theo vòng quay bốn mùa để những tảo tần của người nông dân kết tinh nên những mùa vàng bội thu. Trên những cánh đồng Cần Cá, Phú Thanh 2… nông dân dồn điền, đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng một giống, tạo vùng sản xuất tập trung theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp. Các giống lúa lai chất lượng cao như: TH3-7, B-TE1, GS9… và các giống ngô lai cho năng suất cao như: QT55, QT35, T8… được nông dân gieo, cấy đại trà.

Cùng lương thực và cây màu các loại, nông dân Thanh Ninh coi trọng phát triển chăn nuôi, sản lượng thịt lợn hơi xuất bán ra thị trường đạt từ 1.700 đến 1.900 tấn mỗi năm. Để thống nhất cao trong sản xuất, tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung, thuận lợi cho bao tiêu sản phẩm, nông dân các xóm Hòa Bình 1, Hòa Bình 2 thành lập hợp tác xã chăn nuôi trâu, bò; xóm Tiền Phong thành lập hợp tác xã may mặc. Tại các xóm Đồng Trong và Phú Yên thành lập tổ liên kết trồng ớt và nuôi chim bồ câu…

Đi trên trục đường bê tông còn tươi màu xi măng từ Nam Hương sang Đồng Phú, rồi tiếp từ Đồng Phú sang xóm Lang Tạ, xã Lương Phú, chúng tôi còn được biết thêm: Giai đoạn 2015-2020, nông dân Thanh Ninh đã hiến gần 28.000m2 đất, đóng góp hàng nghìn ngày công lao động để xây dựng các công trình công cộng phục vụ đời sống dân sinh.

Ông Phó Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: Thanh Ninh có được diện mạo tươi mới như hôm nay, là bởi địa phương sử dụng hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và huy động được sự đóng góp đối ứng từ nhân dân. Tất cả cùng đồng thuận, phát huy nội lực để tạo bước đột phá, thúc đẩy kinh tế – xã hội, xây dựng nông thôn phát triển theo hướng hiện đại, văn minh.

Kết quả trong 5 năm gần đây, Thanh Ninh thu hút được gần 48 tỷ đồng cho xây dựng hạ tầng cơ sở, trong đó ngân sách Nhà nước gần 42 tỷ đồng, nhân dân đóng góp gần 5,9 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, trên địa bàn xã có thêm những công trình mới là cầu Nam Hương, cầu Phú Yên, chợ cho nhân dân hội họp giao thương; sửa chữa, thay thế mới 19km đường dây hạ thế và trung thế, lắp đặt mới 3 trạm biến áp… Đến nay 100% đường trục xã đã được trải nhựa và đổ bê tông, 90% đường trục xóm, 80% đường giao ngõ xóm, 50% đường trục nội đồng được bê tông hóa.

Bên đồng màu vụ đông sớm nay, nhớ chiều qua thửa ruộng ấy còn vàng rộm bông thóc xếp nếp khoe hạt, tôi nghe thấy tiếng nước mát lành theo từng dòng mương dẫn thủy nhập điền. Cũng khi ấy, tôi nhận ra lý do đất đồng Thanh Ninh không ngủ, bởi đất không phụ công người.