Thái Nguyên vào vụ trồng rừng mới 2022

BVR&MT – Năm 2022, toàn tỉnh Thái Nguyên phấn đấu trồng 3.700ha rừng tập trung theo Chương trình mục tiêu Phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025, chuyển hoá rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn 860ha, ổn định tỷ lệ che phủ rừng (theo tiêu chí mới) từ 46% trở lên.

Các gia đình có vườn ươm cây giống lâm nghiệp trên địa bàn huyện Định Hóa (Thái Nguyên) tập trung chăm sóc để đảm bảo số lượng cây giống phục vụ cho trồng rừng.

Để bảo đảm nguồn cây giống cũng như chất lượng, năng suất gỗ rừng trồng, Sở NN&PTNT Thái Nguyên đã giao lực lượng Kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp. Đồng thời, hướng dẫn bà con kỹ thuật phát dọn thực bì, cuốc hố để chuẩn bị cho vụ trồng mới. Các giống cây lâm nghiệp chính được đưa vào trồng là keo tai tượng, mỡ, quế, giổi xanh…

Xã Tân Dương là địa phương có diện tích đất lâm nghiệp lớn của huyện Định Hóa, với trên 1.000ha rừng, trong đó có khoảng 500ha rừng sản xuất. Năm nay, xã có kế hoạch trồng mới khoảng 150ha rừng, trong đó có 50ha quế và 100ha các loại cây khác (keo, mỡ, bồ đề…). Để đảm bảo tiến độ theo kế hoạch, Trạm Kiểm lâm Tân Dương cho biết đã tiến hành rà soát diện tích đất đủ điều kiện trồng rừng, từ đó tham mưu cho UBND xã xây dựng phương án, kế hoạch phù hợp với thực tế.

Tương tự, bà con tại các địa phương khác trong tỉnh cũng đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động trồng rừng. Ông Ma Văn Toàn, ở xóm Cây Thị, xã La Hiên (Võ Nhai) chia sẻ: Sau khi hoàn thành việc gieo cấy lúa xuân, chúng tôi nhanh chóng lên rừng để phát dọn, xử lý thực bì và cuốc hố để chuẩn bị hiện trường trồng rừng. Trước đây, do chưa nắm được kỹ thuật nên bà con thường trồng dày khiến keo chậm lớn. Được cán bộ kiểm lâm hướng dẫn, chúng tôi đã cuốc hố theo đúng khoảng cách, tiến hành xé vỏ ny lon ở bầu trước khi trồng và bón phân, tỉa cành cho cây sinh trưởng, phát triển tốt.

Để bảo đảm chất lượng nguồn cây giống, Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo các hạt kiểm lâm phối hợp UBND các xã, thị trấn quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp. Đồng thời, tiến hành kiểm tra định kỳ và đột xuất, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những cơ sở sản xuất giống kém chất lượng. Ngoài ra, lực lượng kiểm lâm cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ các vườn ươm từ khâu chuẩn bị hạt giống, gieo ươm, cho đến lúc xuất vườn. Nhờ vậy, hạn chế được tình trạng sử dụng giống không rõ nguồn gốc đưa vào sản xuất, góp phần cải thiện chất lượng rừng trồng.

Theo thông tin từ Sở NN&PTNT Thái Nguyên, toàn tỉnh hiện có gần 100 cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp, có khả năng cung cấp ra thị trường hơn 27,9 triệu cây giống. Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm nay, giá cây giống không có nhiều biến động. Cụ thể, keo tai tượng giống nội có giá từ 600-700 đồng/cây, keo tai tượng giống nhập ngoại có giá 1.000 đồng/cây; bồ đề 800 đồng/cây; bạch đàn nuôi cấy mô 2.700 đồng/cây… tương đương so với cùng kỳ năm ngoái.

Để công tác trồng rừng đạt kết quả cao, lực lượng kiểm lâm cũng đã bám sát địa bàn để rà soát, thống kê phần diện tích khai thác và hiện trường rừng tập trung, tuyên truyền và hướng dẫn các hộ trồng rừng chuẩn bị đầy đủ về vật tư phân bón, nhân lực, lựa chọn những cây giống lâm nghiệp có chất lượng để đưa vào sản xuất nhằm nâng cao sản lượng gỗ và chất lượng cây rừng.

Cùng với đó, các đơn vị thành lập đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ rừng tại các huyện, thành, thị trong tỉnh. Đồng thời, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, các biện pháp thâm canh rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Hiện nay, cùng với việc tập trung hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng, lực lượng kiểm lâm cũng phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân cách chăm sóc diện tích rừng đã trồng để cây sinh trưởng và phát triển tốt, đạt hiệu quả kinh tế cao.

Hậu Thạch