Thái Nguyên: Tăng cường giải pháp quản lý, bảo vệ và trồng rừng

BVR&MT – Trong năm 2017 vừa qua, được sự quan tâm của các cấp ủy, đảng, chính quyền công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả khả quan.

Diện tích rừng và độ che phủ rừng liên tục tăng; việc sắp xếp lại ba loại rừng cơ bản phù hợp yêu cầu thực tiễn; công tác giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng được chú trọng, bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật.

Thái Nguyễn cần đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Theo đó, diện tích trồng rừng mới tập trung đạt 7.391ha, vượt 11,9% kế hoạch; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định trên 50%, đạt 100% kế hoạch; giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 437 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2016. Trong năm, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện, xử lý 364 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, giảm 30,6% so với năm 2016; tịch thu 581m3 gỗ quy tròn các loại, giảm 8%; thu nộp ngân sách Nhà nước trên 2,2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các giải pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững gắn với phát triển kinh tế – xã hội đã được thực hiện kịp thời, có hiệu quả. Nhận thức của người dân về công tác bảo vệ và phát triển rừng đã từng bước được nâng lên..

Tuy nhiên, bên cạnh đó công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng còn nhiều hạn chế. Công tác quy hoạch, bảo vệ, phát triển rừng thiếu đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội. Chưa chú trọng đến bảo vệ, phát triển rừng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, làm suy giảm chất lượng rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên.

Có thể một số những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên đó là chưa có sự đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng chưa được quan tâm đúng mức; chưa thật sự khuyến khích được người dân, cộng đồng, các thành phần kinh tế tham gia. Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Bảo vệ Rừng và Môi trường, một cán bộ Kiểm Lâm tại Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa – Phượng Hoàng cho biết:Kinh phí hỗ trợ, chi trả cho cán bộ cũng như khoán cho người dân bảo vệ rừng còn thấp khoảng 200.000 đồng/năm. Do đó chưa khuyến khích được đông đảo người dân tham gia vào công tác quản lý và bảo vệ rừng.

Ngoài ra, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách còn có sự chồng chéo, chưa rõ ràng, hiệu quả chưa cao, còn có những kẽ hở cho các đối tượng xấu lợi dụng để trục lợi; việc xử lý các vi phạm pháp luật trong quản lý, bảo vệ, phát triển rừng chưa nghiêm, thiếu triệt để, không đủ sức răn đe. Để khắc phục những hạn chế, yếu kém trên, đồng thời tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, có thể áp dụng những biện pháp sau:

1- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và mọi người dân đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng.

2- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, xây dựng lực lượng kiểm lâm đủ mạnh để thực thi hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

3- Tổ chức rà soát, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế, xã hội có tác động tiêu cực đến diện tích, chất lượng rừng, đặc biệt là đối với rừng tự nhiên, rừng phòng hộ; có cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.

4- Đẩy mạnh trồng rừng đầu nguồn; trồng rừng mới, trồng lại rừng sau khai thác; khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh phục hồi, bổ sung rừng, nâng cao giá trị đa dạng sinh học, khả năng cung cấp lâm sản, khả năng phòng hộ và các giá trị khác của rừng. Bảo vệ và quản lý nghiêm, kết hợp với tăng cường các biện pháp trồng mới, phục hồi, tái sinh rừng tự nhiên.

5- Chủ động hợp tác, hội nhập quốc tế về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Đẩy mạnh hợp tác song phương với các nước có chung đường biên giới nhằm tăng cường trao đổi thông tin, bảo đảm công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và quản lý lâm sản hiệu quả, chặt chẽ.

Năm 2018, ngành Nông nghiệp Thái Nguyên đã đề ra mục tiêu bảo vệ và phát triển bền vững đối với 177.491ha rừng hiện có; trồng mới 3.074ha rừng; phấn đấu duy trì ổn định độ che phủ rừng mức trên 50%… Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh Thái Nguyên cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản; kiên quyết xử lý nghiêm các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.

Thạch Thảo