Thái Nguyên: Rừng gỗ lớn – Làm ăn lớn

BVR&MT – Chú trọng khuyến khích phát triển rừng cây gỗ lớn để nâng cao giá trị kinh tế, mang lại thu nhập ổn định cho người dân, góp phần bảo vệ môi trường là giải pháp mà ngành Nông nghiệp tập trung thực hiện trong thời gian qua. Song hành với đó, tỉnh Thái Nguyên cũng đưa ra một số cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với các giải pháp về kỹ thuật và có thêm nguồn lực đầu tư trồng rừng.

Nhân viên Công ty Lâm nghiệp Thái Nguyên thường xuyên kiểm tra, phát dọn thực bì diện tích rừng gỗ lớn của đơn vị để cây sinh trưởng, phát triển tốt.

Nếu như năm 2020, diện tích rừng trồng cây gỗ lớn của huyện Đại Từ mới chỉ đạt 20ha thì năm 2021, con số này đã tăng lên 180ha. Có được kết quả trên là do Hạt Kiểm lâm huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động để người dân thấy được lợi ích của việc trồng rừng gỗ lớn.

Bà Nguyễn Thị Hưởng, ở xóm Soi, xã Ký Phú chia sẻ: Nhà tôi có 3ha rừng keo, đã trồng được 8 năm. Trước đây, cứ đến năm thứ 7 là tôi tiến hành khai thác. Nhưng năm nay, sau khi được cán bộ Kiểm lâm vận động, hướng dẫn, gia đình tôi đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng rừng gỗ lớn với chu kỳ khai thác 12 năm. Nếu như khai thác ngay ở năm thứ 7, diện tích này vẫn còn là rừng gỗ nhỏ, chỉ có thể bán làm dăm gỗ, gỗ bóc, giá trị chỉ đạt khoảng 80 triệu đồng/ha, Nhưng đối với rừng gỗ lớn, tôi chỉ cần để cây thêm 4-5 năm nữa, có thể thu trên 200 triệu đồng/ha. Ngoài ra, chúng tôi cũng không mất thêm chi phí trồng mới, cắt tỉa cây.

Cũng ở xóm Soi, gia đình ông Trần Văn Trường có 2ha rừng keo gỗ lớn mới trồng được hơn 1 năm. Ông Trường chia sẻ: Mặc dù chưa đến chu kỳ thu hoạch nhưng sau hơn 1 năm, cây keo gỗ lớn đã cho thấy sự khác biệt rõ rệt. Cụ thể, khi trồng rừng keo gỗ lớn, tôi quan tâm bố trí mật độ cây hợp lý, bón phân đầy đủ, chăm sóc đúng kỹ thuật hơn. Nhờ vậy, cây keo phát triển xanh tốt, cao và mập hơn hẳn so với cây trồng theo chu kỳ 5-7 năm.

Ông Đỗ Đình Trường, Phó Hạt Trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đại Từ đánh giá: Qua kiểm tra và nắm tình hình thực tế, chúng tôi nhận thấy, những năm gần đây, bà con đã dần thay đổi nhận thức trong việc trồng và chăm sóc cây lâm nghiệp. Nếu như trước đây, bà con thường “ăn xổi”, khai thác ngay sau chu kỳ 5-7 năm thì nay, nhiều cánh rừng tiếp tục được chăm sóc, chuyển thành rừng gỗ lớn. Ngoài ra, các giống mới cũng được người dân tích cực đưa vào trồng như: Keo nuôi cấy mô, keo Úc…

Không riêng huyện Đại Từ, năm 2021, nhiều địa phương trong tỉnh như: Định Hóa, Đồng Hỷ, Phú Bình, Võ Nhai… cũng phát triển rừng gỗ lớn, với tổng diện tích đạt gần 1.500ha. Ông Phạm Huy Bình, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Thái Nguyên cho biết: Từ năm 2020 đến nay, chúng tôi đã chuyển 300ha rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn nhằm phục vụ thị trường gỗ nguyên liệu, chế biến. Qua đó, góp phần tăng tỷ lệ che phủ rừng, giảm xói mòn và rửa trôi đất, tăng tính bền vững trong hoạt động sản xuất lâm nghiệp tại địa phương.

Đối với Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên, đơn vị cũng tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng rừng thâm canh gỗ lớn, chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn đối với cây keo lai và keo tai tượng. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế rừng trồng, phát triển nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu gỗ.

Nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng, đặc biệt là rừng gỗ lớn, tỉnh Thái Nguyên cũng đưa ra những cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ thiết thực. Cụ thể, trong năm 2021, tỉnh hỗ trợ trồng rừng sản xuất gỗ lớn bằng cây keo với mức 10 triệu đồng/ha, tổng diện tích hỗ trợ 355ha với các hạng mục: Trồng rừng, thiết kế trồng rừng…

Ngoài ra, tỉnh cũng có nhiều cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư xây dựng công ty, nhà máy chế biến lâm sản với dây chuyền sản xuất tiên tiến và công suất lớn. Hiện nay, đã có đơn vị đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến gỗ MDF tại Khu công nghiệp Sông Công 2 (T.P Sông Công). Nhà máy sẽ là nơi thu mua, chế biến các sản phẩm từ rừng gỗ lớn của bà con trên địa bàn tỉnh nhằm phục vụ thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu, góp phần nâng cao giá trị rừng trồng.

Có thể nói, đây là tín hiệu vui, tạo sự hứng khởi cho người dân trong việc tận dụng tiềm năng, lợi thế về đất lâm nghiệp để tập trung phát triển kinh tế rừng theo hướng bền vững.