Thái Nguyên: Quy hoạch cây trồng, mở hướng cho đồng bào vùng cao Võ Nhai

BVR&MT – Với mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng dựa vào thế mạnh của địa phương, hướng tới sản xuất hàng hóa, huyện Võ Nhai đã đẩy mạnh công tác quy hoạch tạo vùng chuyên canh. Trong đó, việc tập trung gắn quy hoạch vùng với xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất đã mở hướng phát triển kinh tế cho bà con nông dân.

Toàn huyện Võ Nhai hiện có 1.300ha chè, trong đó có trên 60% diện tích chè giống mới. Trong ảnh: Nông dân xóm Ba Nhất, xã Phú Thượng, thu hái chè.

Những năm gần đây, một số nông sản của huyện vùng cao Võ Nhai “nức tiếng” trên thị trường, như các loại cây ăn quả đặc sản: Na, nhãn La Hiên; bưởi Tràng Xá; ổi, quýt Phú Thượng… Sản phẩm cây ăn quả của Võ Nhai không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn được ưa chuộng bởi khách hàng tại một số địa phương như: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh…

Võ Nhai hiện có tới gần 1.700ha cây ăn quả, tăng gần 700ha so với năm 2015. Đến nay, toàn huyện đã có trên 1.300ha cây ăn quả cho thu hoạch sản phẩm; diện tích cây ăn quả trồng mới đạt trên 300ha, gồm một số loại chính như: Na, nhãn, bưởi, cam, quýt, ổi… Vùng trồng cây ăn quả tập trung chủ yếu tại các xã: Tràng Xá, La Hiên, Lâu Thượng, Phú Thượng, Dân Tiến…

Ngoài ra, với việc được quy hoạch nằm trong vùng phát triển cây ăn quả của tỉnh, huyện Võ Nhai đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây ăn quả. Huyện đặt mục tiêu đến năm 2025, có 2.500ha cây ăn quả và trở thành vùng sản xuất cây ăn quả trọng điểm của tỉnh.

Xét về giá trị kinh tế, mỗi năm, diện tích cây ăn quả đem về hàng trăm tỷ đồng doanh thu cho bà con nông dân địa phương. Trong đó, chỉ tính riêng cây na (diện tích trên 500ha, tập trung ở các xã: La Hiên, Lâu Thượng, Phú Thượng, Tràng Xá), mỗi năm đem về cho huyện vùng cao Võ Nhai trên 100 tỷ đồng doanh thu, với sản lượng khoảng 5.000 tấn.

Tại Tràng Xá – địa phương có diện tích cây ăn quả lớn thứ hai huyện Võ Nhai, mỗi năm, nông dân trong xã thu về 15-20 tỷ đồng lợi nhuận trên tổng diện tích khoảng 430ha cây ăn quả.

Bà Chu Thị Lệ Hiền, Chủ tịch UBND xã Tràng Xá, cho hay: Việc các hộ dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả trong những năm gần đây đã đóng góp lớn vào kết quả phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và đặc biệt là giúp Tràng Xá “về đích” nông thôn mới năm 2020. Chính vì thế, xã luôn quan tâm hỗ trợ và khuyến khích bà con ở những khu vực có thổ nhưỡng phù hợp phát triển cây ăn quả.

Với trên 0,5ha rừng quế 9 năm tuổi, anh Triệu Tiến Quý, ở xóm Khe Rạc, xã Vũ Chấn, đã khai thác và thu được gần 190 triệu đồng vào năm 2021.

Cùng với phát triển vùng trồng cây ăn quả, cây chè được huyện Võ Nhai khuyến khích phát triển thành vùng chuyên canh, sản xuất tập trung và theo hướng an toàn, cho giá trị cao. Những năm gần đây, huyện đã vận động người dân trồng những giống chè năng suất, chất lượng cao; hình thành các vùng sản xuất tập trung…

Đến nay, toàn huyện Võ Nhai đã phát triển được 1.300ha chè, trong đó có trên 60% diện tích giống mới cho năng suất, chất lượng cao, tập trung ở xã Tràng Xá, Liên Minh, Phú Thượng, Bình Long. Nhờ thực hiện tốt các quy trình chăm sóc giống mới, theo hướng sản xuất hữu cơ, giá trị cây chè đã tăng lên khoảng 30-40% so với những năm từ 2010 về trước.

Ngoài 2 loại cây trồng chủ lực là cây ăn quả và chè, huyện Võ Nhai đã triển khai quy hoạch một số vùng chuyên canh cây trồng khác, như: Vùng sản xuất lúa đặc sản tại các xã: Tràng Xá, Bình Long, Phương Giao; vùng trồng cây dược liệu tại các xã: Vũ Chấn, Nghinh Tường, Sảng Mộc, Thần Sa…; vùng trồng cây đậu tương tại các xã: Bình Long, Dân Tiến, Tràng Xá và Phương Giao; vùng trồng rừng gỗ lớn tập trung tại các xã: Liên Minh, Vũ Chấn, Nghinh Tường, Sảng Mộc, Thần Sa, Cúc Đường, Thượng Nung.

Đối với diện tích đất lâm nghiệp thuộc vùng khí hậu có nhiệt độ thấp, huyện đã quy hoạch phát triển cây quế. Với kết quả thành công khi trồng thí điểm cây quế trên đất đồi rừng vào năm 2019, ông Triệu Tiến Hiện, Chủ tịch UBND xã Vũ Chấn, chia sẻ: Trên cùng diện tích, cây quế có thể cho giá trị kinh tế cao hơn 3-5 lần so với cây keo và một số cây lâm nghiệp khác. Do vậy, chúng tôi đang tiếp tục khuyến khích người dân chuyển đổi một phần diện tích rừng sản xuất sang trồng loại cây này.

Với ưu điểm giá trị cao, cho thu hoạch tỉa thưa trong thời gian ngắn, cây quế được Võ Nhai xây dựng kế hoạch và thiết kế theo quy hoạch. Để thực hiện mục tiêu phát triển cây quế, từ năm 2021, huyện Võ Nhai đã triển khai Dự án phát triển cây cây quế giai đoạn 2021-2025 và Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Nhà nước hỗ trợ bà con về cây giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây quế. Đến nay, huyện đã hỗ trợ người dân trồng mới gần 250ha quế, với kinh phí hỗ trợ 760 triệu đồng. Qua đó nâng diện tích cây quế toàn huyện lên trên 300ha. Võ Nhai đặt mục tiêu đến năm 2025, huyện có trên 500ha quế và đến năm 2030 sẽ có trên 1.000ha rừng quế.

Toàn huyện Võ Nhai có trên 11.000ha đất sản xuất nông nghiệp và gần 24.900ha diện tích đất rừng sản xuất. Theo ông Nông Minh Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Võ Nhai: Việc quy hoạch cây trồng không chỉ giúp bà con có định hướng phát triển kinh tế, mà còn hình thành các vùng chuyên canh nông nghiệp. Đồng thời hỗ trợ bà con đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, tăng khả năng kết nối cung – cầu. Từ đó nâng cao năng suất và chất lượng sản xuất và tạo việc làm ổn định cho người dân vùng cao.