Thái Nguyên: Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ được giao

BVR&MT – Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thái Nguyên được thành lập năm 2013, với nhiệm vụ thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2015 đến nay, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thái Nguyên đã tiếp nhận tiền ủy thác của các tổ chức sử dụng dịch vụ môi trường rừng để chi trả cho các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư cung ứng dịch vụ môi trường rừng với số tiền 10.392 triệu đồng, diện tích rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng 23.283ha.

Mô hình trồng rừng tại Hồ Núi Cốc – Thái Nguyên.

Theo đó, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần tạo thêm thu nhập cho người dân, từ đó người dân có ý thức, trách nhiệm cao trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, góp phần tích cực bảo vệ vốn rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế thiên tai,dự trữ nguồn nước, tạo cảnh quan để phát triển du lịch Hồ Núi Cốc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Qua 08 năm hoạt động (2013 – 2021), Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, tất cả vì mục tiêu nhằm nâng cao đời sống cho nhân dân được chi trả dịch vụ môi trường rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo, hiện thực hóa nghề rừng trở thành nghề kinh tế ổn định đối với nhân dân tại khu vực có đất rừng. Trong 9 tháng đầu năm số tiền thu quỹ bảo vệ phát triển rừng là hơn 1 tỉ đồng (tăng 2,9%) so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó thu từ cơ sở thủy điện hơn 212.912.000 đồng; thu từ cơ sở sản xuất nước sạch 875.114.000 đồng; thu từ cơ sở du lịch 4.905.000 đồng. Tổng số tiền chi trả cho chủ rừng cung cấp DVMTR tính đến thời điểm hiện tại là 1.879.200.000 đồng (tăng 11,37%) so với cùng kỳ năm 2019. Diện tích rừng cung ứng DVMTR đã chi trả tính đến thời điểm hiện tại là 4705,42 ha. Xác định quản lý, bảo vệ rừng là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao đời sống của người dân, những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các tổ chức, cá nhân tích cực trồng mới cũng như bảo vệ diện tích rừng tự nhiên, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Thông qua đó, người dân đã nhận thức được ý nghĩa, lợi ích kinh tế thiết thực từ rừng mang lại. Năm 2021, Thực hiện Quyết định số 3170/QĐ-UBND ngày 11/10/2021 của UBND tỉnh Thái Nguyên, Quỹ đã triển khai đến các đơn vị lập danh sách các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư cung ứng dịch vụ môi trường rừng thuộc lưu vực Hồ Núi Cốc với diện tích khoảng 15.000 ha, số tiền dự kiến chi trả là 2.599.110.460 đồng, nguồn kinh phí do các công ty nước sạch, thuỷ điện ủy thác cho Quỹ thực hiện.

Lực lượng kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên đi kiểm tra rừng trồng mô hình cây Quế.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp tỉnh đã giải ngân, thanh toán gần 2.230 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2020 (đạt 93% kế hoạch được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt) chủ yếu bằng hình thức qua tài khoản ngân hàng, kho bạc, giao dịch điện tử và bưu chính cho 223 Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, 88 công ty lâm nghiệp, 1.564 UBND xã được giao trách nhiệm quản lý rừng, 325 chủ rừng khác và hơn 233.000 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng với tổng diện tích được hưởng là 6,7 triệu ha (chiếm 45% tổng diện tích rừng toàn quốc). Tiền dịch vụ môi trường rừng đã góp phần hỗ trợ công ty lâm nghiệp, Ban quản lý rừng chủ rừng có kinh phí quản lý bảo vệ rừng trong bối cảnh dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên và giúp cải thiện thêm thu nhập cho đồng bào nghèo, miền núi gắn bó, bảo vệ rừng trong bối cảnh ngân sách nhà nước đang khó khăn.

Để phát huy hiệu quả của chính sách trong thời gian tới, Quỹ BV&PTR Trung ương, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp tỉnh tập trung thực hiện một số việc: Tiếp tục thực hiện tốt, hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo quy định tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP, đảm bảo thu đúng, thu đủ; chi đúng, chi đủ, kịp thời, linh hoạt, công khai, minh bạch; nghiên cứu, áp dụng chuyển đổi số trong công tác thu, chi, xác định diện tích rừng, hệ số K, xây dựng bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng; phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan đôn đốc, có phương án giải quyết, xử lý tình trạng chậm nộp tiền dịch vụ môi trường rừng.

Đức Long