BVR&MT – Xã vùng cao Liên Minh (Võ Nhai) có tới gần 2,3 nghìn ha đất rừng sản xuất, trong tổng số hơn 7,3 nghìn ha đất tự nhiên. Những năm gần đây, nhờ có nhận thức đúng đắn về lợi ích thiết thực từ rừng trồng mang lại, bà con nhân dân nơi đây đã quan tâm phát triển rừng. Qua đó, hàng trăm hộ dân trong xã đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Xóm Nác có thế mạnh bậc nhất xã Liên Minh về phát triển rừng sản xuất. Xóm có tới trên 1,5 nghìn ha rừng trồng cây keo, mỡ, bồ đề, chiếm 3/4 diện tích tự nhiên. Trong đó, một số hộ dân đã phát triển được 10-20ha rừng sản xuất, đem về doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm, như gia đình các ông: Phan Sinh Ngọc, Triệu Long Thọ, Triệu Hữu Lý, Nông Văn An…
Ông Triệu Văn Lưu, Bí thư Chi bộ xóm Nác, chia sẻ: Những năm trước, người dân trong xóm không mấy quan tâm phát triển rừng, bởi chưa nhận thấy giá trị kinh tế từ rừng. Đến khoảng trên 10 năm trở lại đây, khi địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, đồng thời triển khai các dự án hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật, người dân xóm Nác đã tích cực trồng rừng thay thế cho diện tích hoang hóa hoặc diện tích rừng tái sinh giá trị thấp.
Cả xóm Nác có trên 190 hộ, thì có tới hơn 170 hộ trồng rừng sản xuất, chủ yếu là cây keo và một phần nhỏ diện tích trồng cây mỡ, bồ đề. Mỗi năm, có hàng trăm ha rừng trên địa bàn xóm đến tuổi khai thác, đem về hàng tỷ đồng, giúp cho nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững hoặc làm giàu. Bên cạnh đó, từ rừng, người dân xóm Nác phát triển được gần 40 mô hình nuôi ong lấy mật, cho thu nhập khá. Qua đó, xóm Nác đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 70% (năm 2016) xuống còn 21% (năm 2023). Riêng năm 2022, xóm giảm tới 38 hộ nghèo đa chiều.
Tương tự xóm Nác, nhờ trồng rừng nên xóm Nhâu cũng có hàng chục hộ dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu, như các hộ: Nguyễn Văn Luyến, Nguyễn Hữu Tuyến… có thu nhập lên tới 120-150 triệu đồng mỗi năm.
Ông Nguyễn Hữu Xanh, Trưởng xóm Nhâu, cho hay: Xóm có 150/175 hộ phát triển kinh tế rừng, với tổng diện tích rừng trồng khoảng 300ha. Với sự hỗ trợ của Nhà nước về kỹ thuật, giống, vốn… bà con trong xóm phát triển trồng rừng sản xuất đem lại hiệu quả cao, góp phần giảm 5-10 hộ nghèo mỗi năm.
Hộ ông Nguyễn Hữu Cao, 59 tuổi, là một trong những gia đình thoát nghèo nhờ trồng rừng ở xóm Nhâu. Với gần 5ha đất rừng sản xuất, trước đây, ông Cao bỏ hoang hóa và chỉ khai thác được cây tái sinh. Sau này, gia đình ông đã đầu tư để dần chuyển sang trồng keo. Những năm gần đây, mỗi năm ông thu về khoảng 80 triệu đồng.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Cao nói: Trước đây, gia đình tôi làm ruộng, trồng màu chỉ đủ ăn. Nhưng từ khi phát triển trồng rừng, gia đình đã có nguồn thu đáng kể. Hiện nay, gia đình tôi đã thoát nghèo và xây được nhà mới.
Liên Minh là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Võ Nhai, với 9 xóm, gần 1,2 nghìn hộ và trên 5 nghìn nhân khẩu. Trung bình mỗi năm, toàn xã trồng được 90-180ha rừng, chủ yếu là keo, mỡ, bồ đề, xoan; đồng thời thu hoạch khoảng 5 nghìn m3 gỗ, trị giá hàng tỷ đồng. Riêng 9 tháng năm 2023, toàn xã đã trồng được trên 100ha rừng keo, mỡ, bồ đề; khai thác được gần 2 nghìn m3 gỗ.
Đặc biệt, nhằm nâng cao giá trị từ rừng sản xuất, xã Liên Minh đã bước đầu triển khai trồng rừng dược liệu với cây quế và đã trồng được 14ha. Ông Nguyễn Hữu Trong, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Minh, cho biết: Đến nay, tình trạng để đất trống, cây mọc tự nhiên hoặc trồng cây manh mún, tự phát gần như không còn ở Liên Minh.
Những kết quả trên đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn trong 5 năm trở lại đây bình quân khoảng 8% mỗi năm. Riêng từ năm 2021 đến nay, Liên Minh đã giảm được gần 260 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 33,96% (đầu năm 2021) xuống còn 11,81% (năm 2023). Trung bình mỗi năm, xã giảm được trên 11% hộ nghèo, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch giảm trung bình 2% hộ nghèo/năm trong giai đoạn 2021-2025…