Thái Nguyên: Nâng cao ý thức phân loại rác thải sinh hoạt

BVR&MT – Từ ngày 01/01/2022, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chính thức có hiệu lực với nhiều quy định mới liên quan đến phân loại rác thải tại nguồn. Theo đó, phân loại chất thải rắn sinh hoạt là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình. Người thu gom rác có quyền từ chối vận chuyển nếu rác không được phân loại và việc xả rác nhiều sẽ đóng phí cao hơn thay vì cách tính bình quân theo đầu người như trước. Quy định thì đã rõ, nhưng việc triển khai thực hiện cần phải có lộ trình, nhất là việc thay đổi, nâng cao ý thức của người dân.

Ảnh minh họa.

Theo thống kê, trung bình mỗi ngày toàn quốc phát sinh hơn 60 nghìn tấn rác thải rắn sinh hoạt. Đối với Thái Nguyên, lượng rác thải rắn sinh hoạt cũng có chiều hướng tăng, nhất là ở địa bàn có tốc độ đô thị hoá nhanh như: T.P Thái Nguyên và T.X Phổ Yên…

Điều đáng nói là do không được phân loại từ nguồn; rác vô cơ, hữu cơ, rác thải, rác tái chế trộn lẫn nên có đến 80% lượng rác buộc phải xử lý theo hình thức chôn lấp. Các điểm xử lý rác theo kiểu thủ công này luôn tiềm ẩn tạo bức xúc cho người dân sinh sống quanh khu vực do rỉ nước gây ô nhiễm.

Theo quy định, chất thải rắn sinh hoạt phải được phân thành 3 loại: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn khác. Trong đó, hộ gia đình, cá nhân ở đô thị phải chứa, đựng rác thải rắn sinh hoạt sau khi thực hiện phân loại vào các bao bì để chuyển giao cho các đơn vị phù hợp.

Hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn được khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi. Trường hợp không phân loại có thể bị xử phạt từ 15 đến 20 triệu đồng.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, trách nhiệm trong việc phân loại, thu gom rác thải của mỗi cá nhân, hộ gia đình và các cơ sở thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải… từ đó góp phần thúc đẩy hoạt động tái chế rác thải, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu những hệ lụy do rác thải gây ra. Song, việc áp dụng các quy định của Luật là không dễ.

Cụ thể, đến thời điểm này, các cơ quan chức năng vẫn chưa ban hành được thông tư hướng dẫn cụ thể. Nhất là quy định cụ thể vai trò của từng đối tượng có liên quan như: Người dân, đơn vị thu gom, vận chuyển, tái chế; cơ chế hỗ trợ, xử phạt đối với các đơn vị không thực hiện nghiêm các quy định đề ra. Cùng với đó là việc đầu tư về quy trình, công nghệ xử lý rác thải phù hợp, đồng bộ.

Do vậy, để triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cần phải có lộ trình hoàn thiện các văn bản hướng dẫn; đầu tư nguồn lực và cơ sở vật chất để đáp ứng việc phân loại chất thải…