Thái Nguyên: Lực lượng nòng cốt trong bảo vệ và phát triển rừng

BVR&MT – Diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng được quản lý, bảo vệ theo quy định; tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm; tỷ lệ che phủ rừng ổn định; giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng… Đó là những kết quả nổi bật Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên đạt được thời gian qua. Trải qua 50 năm hình thành và phát triển, Kiểm lâm Thái Nguyên đã khẳng định vai trò là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.

Đồng chí Lê Cẩm Long, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên, cùng cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Đại Từ kiểm tra rừng phòng hộ.

Ngày 21/5/1973, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 101/CP quy định về hệ thống tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Kiểm lâm nhân dân. Kể từ đó, ngày này được lấy làm Ngày kỷ niệm thành lập lực lượng Kiểm lâm Việt Nam.

Đối với lực lượng Kiểm lâm Thái Nguyên, quá trình xây dựng và phát triển đã có nhiều thay đổi. Từ năm 2020 đến nay, Chi cục Kiểm lâm được tổ chức lại theo Quyết định số 1836/QĐ-UBND ngày 25/6/2020 của UBND tỉnh, với 3 phòng nghiệp vụ, 1 đội Kiểm lâm cơ động – Phòng cháy chữa cháy rừng; Ban Quản lý rừng ATK Định Hóa và 8 hạt kiểm lâm cấp huyện, thành phố; tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có 165 người.

Tỉnh Thái Nguyên có diện tích rừng là 183.812ha, tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2022 đạt 47,06%. Bên cạnh đó, đời sống nhân dân, đặc biệt là người dân miền núi còn khó khăn, sống phụ thuộc vào rừng; địa hình hiểm trở, địa bàn rộng, lực lượng mỏng, cộng với thời tiết những năm gần đây diễn biến phức tạp khiến nguy cơ cháy rừng luôn tiềm ẩn… Đây là những khó khăn mà lực lượng kiểm lâm Thái Nguyên phải đối mặt trong khi thực hiện nhiệm vụ.

Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành có liên quan, sự đồng tình ủng hộ của quần chúng nhân dân, công tác quản lý, bảo vệ rừng đã đạt được những kết quả quan trọng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh trên địa bàn.

Cụ thể, nhận thức của các tổ chức và nhân dân về công tác bảo vệ rừng ngày càng được nâng lên; bộ máy thực hiện công tác quản lý Nhà nước về lâm nghiệp được kiện toàn và hoạt động hiệu quả. Tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm, số vụ vi phạm từ 364 vụ (năm 2017) giảm còn 57 vụ (năm 2022). Công tác trồng rừng, khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh phục hồi rừng hằng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch; ổn định tỷ lệ che phủ rừng trên 46%; giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng bình quân 7%/năm.

Công tác tuần tra bảo vệ rừng luôn được chú trọng. Ảnh: T.L

Thực hiện công tác lập quy hoạch tỉnh, quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, Thái Nguyên đã rà soát quy hoạch 3 loại rừng, điều chỉnh diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất đảm bảo tiêu chí theo quy định, phù hợp với chỉ tiêu sử dụng đất rừng theo Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 9/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Để nâng cao chất lượng, năng suất rừng trồng, thực hiện Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, ngành Lâm nghiệp đã tập trung trồng rừng gỗ lớn, phát triển cây quế và hỗ trợ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Kết quả, từ năm 2020 đến năm 2022, toàn tỉnh đã trồng được hơn 1.080ha rừng gỗ lớn; phát triển trồng cây quế trên địa bàn huyện Định Hóa và Võ Nhai. Qua đó, nâng diện tích cây quế trên địa bàn tỉnh hiện nay là 3.950ha, đạt 60,8% kế hoạch đến năm 2025; thực hiện cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC được 1.331ha/1.400ha, đạt 95,13% kế hoạch đến năm 2025.

Triển khai thực hiện Chương trình “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” của Chính phủ, toàn tỉnh đã trồng được hơn 5,2 triệu cây; cập nhật dữ liệu trên phần mềm quản lý cây xanh THAINGUYEN SMARTTREES đối với 6,2 triệu cây.

Trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã thực hiện 16 chương trình, đề án, dự án trọng điểm về công tác lâm nghiệp; giai đoạn 2021-2025, có 10 chương trình, đề án, dự án. Ngoài chính sách của Trung ương, HĐND tỉnh cũng đã ban hành các cơ chế, chính sách để hỗ trợ cho công tác bảo vệ và phát triển rừng. Qua đó, góp phần hỗ trợ sinh kế, phát triển sản xuất lâm nghiệp và nâng cao đời sống cho người dân miền núi.

Nhìn lại chặng đường 50 năm xây dựng và trưởng thành, lực lượng Kiểm lâm Thái Nguyên tự hào về truyền thống vẻ vang và những kết quả đã đạt được. Trong đó, có một phần đóng góp không nhỏ của tập thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Với những thành tích đạt được, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập lực lượng Kiểm lâm Việt Nam (21/5/1973 – 21/5/2023), tập thể Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên và 2 cá nhân vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT; 2 tập thể, 3 cá nhân được tặng Giấy khen của Tổng cục Lâm nghiệp.

Trao đổi với chúng tôi về những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, đồng chí Lê Cẩm Long, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên, cho biết: Chi cục sẽ tiếp tục quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có; tăng cường công tác kiểm tra, truy quét nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp.

Đồng thời, đơn vị đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ viễn thám, công nghệ thông tin trong quản lý, bảo vệ, kiểm kê, điều tra rừng; sử dụng phần mềm cảnh báo nguy cơ cháy rừng, cơ sở dữ liệu theo dõi diễn biến rừng, phần mềm quản lý cây xanh. Cùng với đó, thực hiện chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chế biến lâm sản nhằm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm gỗ Thái Nguyên. Đơn vị cũng sẽ chú trọng xây dựng lực lượng Kiểm lâm Thái Nguyên ngày càng vững mạnh, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong tình hình mới…