Thái Nguyên: Khai mạc Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II

BVR&MT – Tối 6/10, tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp (thành phố Thái Nguyên), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng UBND tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Lễ Khai mạc Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II, năm 2022 với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao – Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển”.

Chương trình văn nghệ mở đầu lễ Khai mạc Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II.

Tham dự lễ khai mạc gồm có, đại biểu Trung ương Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cùng đại diện lãnh đạo bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo 14 tỉnh tham gia Ngày hội.

Về phía tỉnh Thái Nguyên có bà Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo Sở, huyện, thành phố, các nghệ nhân ưu tú, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Dao và đông đảo nhân dân các dân tộc trong tỉnh…

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Ngày hội.

Phát biểu tại Lễ Khai mạc, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẳng định: “Văn hóa các dân tộc thiểu số là di sản quý giá, góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng và thống nhất của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc nói chung và đồng bào dân tộc Dao nói riêng là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng. Bởi vậy, đồng bào dân tộc Dao cần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và Kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị nhằm xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân thiện mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc nhân văn, dân chủ và khoa học, giữ gìn bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc nói chung và dân tộc Dao nói riêng”. 

Không những vậy, Ông Chiến còn mong muốn đồng bào dân tộc trong cả nước cùng nhau thực hiện tốt phương châm người đi trước truyền lại cho người đi sau, ông bà cha mẹ truyền dạy cho con cháu, cộng đồng truyền dạy lẫn nhau với nhiều cách làm sáng tạo, bền bỉ để giữ gìn và phát huy được nét đẹp của dân tộc mình.

Ngày hội thu hút đông đảo người dân tham gia.

Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II là dịp để đồng bào dân tộc Dao cả nước được gặp gỡ giao lưu, trình diễn những nét văn hóa đặc trưng, mang bản sắc truyền thống tinh tế, tốt đẹp, kết hợp với quảng bá tiềm năng du lịch của mỗi địa phương. Từ đó góp phần củng cố và nâng cao tính thống nhất trong sự đa dạng của văn hóa Việt Nam, làm phong phú thêm nền văn hóa dân tộc, phát triển và hội nhập với văn hóa chung của nhân loại.

Điểm nhấn trong Lễ khai mạc là chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Giấc mơ Mặt trời”, gồm 3 chương, 12 cảnh, nêu đậm lịch sử kiến tạo từ xa xưa của địa bàn vùng núi cao nơi có đồng bào dân tộc Dao cư trú. Ôn lại truyền thống anh hùng của Nhân dân các dân tộc miền núi trong công cuộc bảo vệ chủ quyền xây dựng đất nước, trong đó có đồng bào dân tộc Dao. Từ đó, nâng cao niềm tự hào, ý thức tự lực, tự cường, tình yêu đối với quê hương, đất nước của đồng bào dân tộc Dao các tỉnh miền núi nói chung và đồng bào dân tộc Dao ở Thái Nguyên nói riêng.

Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II diễn ra từ ngày 6-8/10 với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, giàu bản sắc dân tộc. Nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc và có tính nghệ thuật cao, như: Trưng bày giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống địa phương; liên hoan Văn nghệ quần chúng; trình diễn Trang phục dân tộc truyền thống; trưng bày, chế biến và giới thiệu ẩm thực; trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hoá truyền thống; hoạt động thể thao quần chúng; trưng bày giới thiệu các ấn phẩm du lịch, các chương trình tour tham quan giới thiệu điểm đến của địa phương; triển lãm Đặc trưng văn hóa dân tộc Dao; giới thiệu, quảng bá du lịch Thái Nguyên và tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá sản phẩm văn hóa và du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái vùng đồng bào dân tộc Dao; tổ chức đoàn Farmtrip khảo sát du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại tỉnh Thái Nguyên.

Mỗi một gian hàng trưng bày trong sự kiện đều thể hiện nét đặc trưng riêng biệt trong từ trang phục đến văn hóa tập quán của người Dao đến từ các tỉnh khác nhau.
Người phụ nữ Dao đang cần mẫn khâu từng chi tiết. Bà cho biết, vị trí và họa tiết trên trang phục người Dao khác nhau. Đường kim, mũi chỉ phải cẩn thận không sẽ làm mất đi sự đặc sắc của trang phục.
Các cô gái đại diện cho 3 nhóm người Dao đỏ, Dao Tuyển và Dao đầu bằng sinh sống chủ yếu tại Lai Châu.
Khu vực tái hiện không gian văn hóa dân tộc Dao.

Quỳnh Anh – Đức Long