BVR&MT – Là địa phương có 54,4% số dân là người dân tộc thiểu số (DTTS), huyện Đồng Hỷ luôn ưu tiên, tập trung nguồn lực và thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc, chương trình mục tiêu quốc gia, qua đó từng bước giúp đồng bào ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bà Lê Thị Thu Hà, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Đồng Hỷ, thông tin: Chúng tôi chủ động tham mưu cho UBND huyện, phối hợp với phòng, đơn vị liên quan và các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch, triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc theo từng năm, từng giai đoạn; tiếp nhận và sử dụng hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước; thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chính sách trợ giúp xã hội.
Phòng cũng phối hợp với các ngành, địa phương tuyên truyền đến từng xóm, hộ gia đình, qua đó khuyến khích người dân đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Các chính sách giảm nghèo như: Đào tạo nghề, giới thiệu thiệu việc làm, hỗ trợ làm nhà ở, cấp thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi phí học tập… được giải quyết kịp thời.
Gia đình chị Lý Thị Sinh từng là hộ nghèo ở Lân Quan – xóm đặc biệt khó khăn của xã Tân Long với trên 90% là đồng bào người Mông. Năm 2023, gia đình chị đã thoát nghèo nhờ được hỗ trợ kinh phí xây nhà và phát triển sản xuất. Chị Sinh cho biết: Ngôi nhà 50m2 trước đây của gia đình đã cũ nát, chỉ lo bị sập mỗi khi mưa to, gió lớn. Nhà nước hỗ trợ gần 50 triệu đồng và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đồng Hỷ cho vay 50 triệu đồng, chúng tôi đã xây căn nhà mới kiên cố, chồng tôi yên tâm đi làm công nhân ở huyện Phú Bình.
Còn gia đình chị Lý Thị Du, dân tộc Nùng ở xóm Vân Khánh, xã Văn Lăng, được hưởng các chính sách dân tộc như: hỗ trợ gần 50 triệu đồng kinh phí xây nhà, téc nước đảm bảo vệ sinh môi trường và 1 con bò nái sinh sản. Chị Du chia sẻ: Nhờ sự quan tâm của các cấp, ngành mà gia đình có nhà ở an toàn, chúng tôi sẽ cố gắng chăn nuôi, lao động sản xuất thật tốt để không tái nghèo.
Ngoài triển khai các chương trình hỗ trợ làm nhà, cây, con giống phát triển sản xuất thì công tác dạy nghề, tạo việc làm cũng được huyện Đồng Hỷ chú trọng đối với lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo là người DTTS. Sau khi học nghề, lao động được giới thiệu việc làm hoặc có khả năng tự tạo việc làm để có thu nhập ổn định, nâng cao đời sống.
Tính riêng từ năm 2022 đến nay, UBND huyện Đồng Hỷ đã phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức 2 ngày hội việc làm, kết nối 36 đơn vị doanh nghiệp đến tư vấn, tuyển dụng cho gần 2.000 lao động là người DTTS tham gia tiếp nhận thông tin thị trường lao động, tư vấn giới thiệu việc làm, định hướng nghề nghiệp.
Huyện cũng tổ chức 17 lớp đào tạo nghề cho trên 500 lao động nông thôn, kết thúc lớp đào tạo 100% học viên được cấp chứng chỉ nghề và 80% học viên có việc làm…
Việc lồng ghép hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia kết hợp với công tác giải quyết việc làm đã giúp bà con nông dân, trong đó có đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Đồng Hỷ có điều kiện thoát nghèo và vươn lên phát triển kinh tế.
Theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2022-2025, huyện Đồng Hỷ có 2.814 hộ nghèo người DTTS/12.644 hộ DTTS (chiếm 22,24%); đến nay đã giảm còn 1.816 hộ/11.560 (chiếm 15,71%). Tính riêng trong 2 năm qua, trên địa bàn huyện giảm 998 hộ nghèo là người DTTS, tương ứng với 8,38% (vượt 5,3% kế hoạch)…
Bà Lê Thị Thu Hà cho biết thêm: Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, đơn vị, địa phương triển khai hiệu quả các chương trình, dự án, ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS nhằm nâng cao mức sống cả về vật chất và tinh thần cho người dân.