Thái Nguyên: Gắn sản xuất với bảo vệ môi trường làng nghề

BVR&MT – Hoạt động sản xuất trong các làng nghề tiềm ẩn một số nguy cơ gây ô nhiễm không khí, nguồn nước và tiếng ồn. Vì vậy, bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, công tác bảo vệ môi trường cũng ngày càng được các cơ sở sản xuất quan tâm nhiều hơn, hướng đến phát triển bền vững.

HTX miến Việt Cường (Đồng Hỷ) đã đầu tư máy móc hiện đại, giúp giảm phát sinh chất thải trong quá trình sản xuất.

Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có khoảng 270 làng nghề và làng nghề truyền thống, với hơn 44 nghìn lao động hoạt động thường xuyên. Trong đó có nhiều làng nghề được hình thành, phát triển từ khoảng 40-50 năm trước. Hoạt động của các làng nghề góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người lao động ở các địa phương.

Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, chế biến sản phẩm ở các làng nghề tiềm ẩn một số nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Trước thực trạng trên, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và hộ sản xuất trong các làng nghề đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu, ngăn ngừa tình trạng ô nhiễm không khí, nguồn nước, đất.

Nghề làm mộc mỹ nghệ ở xã Xuân Phương (Phú Bình) đã hình thành cách đây hơn 40 năm. Đến năm 2010, UBND tỉnh chính thức công nhận Làng nghề mộc mỹ nghệ Phương Độ. Trước đây, các cơ sở sản xuất tại Làng nghề phát triển theo hình thức mở rộng quy mô dựa trên hợp đồng, đơn đặt hàng, nên nhà xưởng thường là cơi nới tạm bợ, một số cơ sở lấy vỉa hè, rìa đường làm nơi tập kết, cưa xẻ gỗ hay phun sơn… Việc này gây nên tình trạng bụi, tiếng ồn, mùi sơn phát tán rộng.

Ông Dương Đình Hiệp, Trưởng xóm Tân Sơn 8, Trưởng Ban Quản lý Làng nghề mộc mỹ nghệ Phương Độ, cho biết: Để giảm thiểu ô nhiễm bụi, Ban Quản lý Làng nghề đã vận động 45 hộ xây dựng nhà xưởng và lắp đặt lưới chắn bụi; xây dựng phòng phun sơn và lắp đặt hệ thống ống thoát mùi sơn cao khoảng 10-15m; trang bị máy gom rác, mùn cưa, mạt gỗ thải… Nhờ vậy, tình trạng ô nhiễm môi trường đã giảm mạnh.

Xưởng chế biến gỗ của gia đình ông Dương Đình Tuyến, thuộc Làng nghề mộc mỹ nghệ Phương Độ, xã Xuân Phương (Phú Bình) có phòng phun sơn để giảm thiểu bụi, mùi sơn.

Còn tại Làng nghề miến Việt Cường, thị trấn Hóa Thượng (Đồng Hỷ), trước đây, người dân thường thu mua củ dong riềng về rửa, cạo vỏ rồi nghiền bột. Trong quá trình sản xuất, lượng chất thải, nước thải phát sinh lớn. Tuy nhiên, tình trạng này hiện đã được kiểm soát tốt.

Ông Nguyễn Văn Ba, Giám đốc Hợp tác xã Miến Việt Cường, cho biết: Hiện nay, các hộ đã đầu tư công nghệ hiện đại vào sản xuất. Đồng thời, xây dựng vùng nguyên liệu ở các tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng, nên bà con chỉ nhập bột về để sản xuất, không gây ô nhiễm môi trường. Hợp tác xã đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý chất thải với 3 hồ lắng để xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường. Đối với các hộ liên kết sản xuất, Hợp tác xã cũng yêu cầu rất khắt khe về vấn đề đảm bảo vệ sinh môi trường.

Theo đánh giá của Hiệp hội Làng nghề tỉnh Thái Nguyên, trước đây, công tác bảo vệ môi trường ở các làng nghề hầu như không được quan tâm, các hộ gia đình phát triển sản xuất theo hình thức “mạnh ai nấy làm” nên có tình trạng gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, đến nay, các cơ sở sản xuất trong làng nghề cơ bản đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường, chất lượng nguồn nước.

Mặc dù hoạt động sản xuất tại các làng nghề cơ bản không phát sinh chất thải nguy hại, nhưng trên thực tế, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường vẫn tiềm ẩn. Vì vậy, thời gian qua, chính quyền các địa phương đã tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ các làng nghề trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, như: Xây dựng gần 1.000 bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật đối với các làng nghề sản xuất, chế biến chè; tổ chức hơn 200 buổi tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải hữu cơ, với gần 3.000 lượt người dân tại các làng nghề tham gia…