BVR&MT – Thời tiết đang trong giai đoạn hanh khô, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy rừng. Trước tình hình trên, ngành chức năng của tỉnh, các địa phương và người dân đã chủ động triển khai nhiều giải pháp bảo vệ rừng.
Kinh tế của gia đình ông Đặng Văn Đào ở xóm Chè, xã Phúc Trìu (TP.Thái Nguyên), chủ yếu phụ thuộc vào 4ha rừng. Do vậy, ngoài việc tập trung chăm sóc cây keo, ông đặc biệt quan tâm phòng, chống cháy rừng, bởi nếu không may xảy ra cháy thì sẽ ảnh không nhỏ tới nguồn thu nhập của gia đình.
Ông Đào cho hay: Từ khi bắt đầu trồng rừng, tôi đã chia diện tích rừng của gia đình ra thành 3 lô, giữa các lô đều có các đường ngăn cách. Tôi cũng thường xuyên chặt, tỉa cành khô, dọn dẹp thực bì. Ngoài ra, tôi còn tích cực tham gia các buổi diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng do cơ quan chức năng và địa phương tổ chức.
Văn Hán là một trong những xã có diện tích rừng sản xuất lớn trên địa bàn huyện Đồng Hỷ với gần 4.000ha, chủ yếu là trồng cây keo. Xác định công tác phòng, chống cháy rừng là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua, chính quyền xã chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.
Ông Nguyễn Xuân Hiền, Chủ tịch UBND xã Văn Hán, cho biết: Xã thường xuyên phát các bản tin trên loa truyền thanh về tình hình thời tiết, những nguy cơ cháy rừng; trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ rừng và một số hành vi nghiêm bị cấm trong lĩnh vực bảo vệ rừng. Đồng thời chỉ đạo các tổ bảo vệ rừng tăng cường tuyên truyền người dân không vào rừng đốt lửa lấy mật ong, đốt lửa sưởi ấm, hay cắm trại có sử dụng lửa trong rừng…
Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 183.000ha rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt hơn 47%. Với phương châm “phòng là chính, chữa cháy phải kịp thời và hiệu quả”, hạn chế tối đa các vụ cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra, Chi cục Kiểm lâm tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các địa phương cắm biển báo, biển cấm lửa tại những vị trí theo quy định, khu vực có nguy cơ cháy cao; trang bị phương tiện, dụng cụ phòng, chống cháy rừng; tổ chức diễn tập về phòng cháy, chữa cháy rừng tại các xã, thị trấn có diện tích rừng lớn; xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng theo nguyên tắc 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ)…
Ông Lê Cẩm Long, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết: Vào mùa khô hằng năm, để hạn chế thấp nhất tình trạng cháy rừng xảy ra, lực lượng Kiểm lâm tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên tuần tra, xử lý các vi phạm Luật Lâm nghiệp; chuẩn bị các phương án ứng phó và khắc phục khi xảy ra cháy rừng; làm tốt công tác dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng, phân công cán bộ trực 24/24 giờ trong những ngày nắng nóng, khô hanh có nguy cơ cháy rừng từ cấp III trở lên; rà soát những điểm có nguy cơ cháy cao để cảnh báo, tuyên truyền cho người dân biết và phòng tránh…
9 tháng năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 vụ cháy rừng (giảm 1 vụ so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó có 1 vụ cháy xảy ra tháng 1-2023 tại xóm Đồng Tiến, xã Yên Lạc (Phú Lương), với diện tích cháy bị thiệt hại 0,8ha; 1 vụ cháy xảy ra vào tháng 5-2023 tại khu vực hồ Suối Diễu, giáp ranh giữa xã Hoàng Nông và xã Khôi Kỳ, huyện Đại Từ, diện tích bị thiệt hại 4,15ha. |