Thái Lan hoãn mua điện từ đập Pak Beng trên sông Mê Công

BVR&MT – Theo tin từ Tổ chức Sông ngòi Quốc tế (IR), tháng trước Công ty Điện lực Quốc gia Thái Lan (EGAT) đã gửi thư tới Nhóm Rak Chiang Khong, một mạng lưới cộng đồng ven sông Mekong, cho biết đã tạm hoãn ký kết hợp đồng mua điện từ Đập Pak Beng của Lào cho tới khi việc rà soát Quy hoạch phát triển năng lượng của Thái Lan (PDP) hoàn tất.

Sông Mê Kông, đoạn gần đập thủy điện Pak Beng (Ảnh: International Rivers)

Dự án thủy điện Pak Beng với tổng công suất 912MW được xây dựng tại tỉnh Oudomxay, Miền Bắc Lào là đập thủy điện thứ ba được triển khai tại dòng chính Hạ Lưu sông Mekong. Nhà thầu chính của dự án là Tập đoàn Datang Trung Quốc cùng với Công ty TNHD Sản xuất Điện Thái Lan (Tập đoàn EGCO) – thuộc EGAT – và Công ty Điện lực Lào (EDL). 90% lượng điện sản xuất được dự định bán cho Thái Lan.

Thông tin từ EGAT khẳng định kế hoạch xây đập Pak Beng cũng bị đình hoãn mặc dù năm 2017 Lào đã tuyên bố xây dựng con đập.

Công nghệ đột phá về năng lượng Thái Lan và vai trò ngày càng tăng của các nguồn năng lượng tái tạo trên thế giới đã thúc đẩy quá trình rà soát lại Quy hoạch Phát triển Năng lượng Thái Lan. Qúa trình này dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 3/2018.

Bà Pianporn Deetes, Giám Đốc Chiến Dịch Thái Lan thuộc Mạng lưới Sông Ngòi quốc tế cho biết: “Việc rà soát lại Quy hoạch Phát triển Năng lượng Thái Lan là cơ hội xem xét lại đầu tư của Thái Lan vào các dự án năng lượng có ảnh hưởng xấu đến môi trường các nước láng giềng, như Đập Pak Beng.”

“Công suất điện dự phòng của Thái Lan rất lớn, thậm chí hơn nửa lượng điện được sản xuất hiện nay. Các chuyên gia cho biết Thái Lan sẽ không cần thêm một nhà máy điện nào trong ít nhất một thập kỷ nữa. Điều cần thiết hiện nay không phải là xây dựng cơ sở hạ tầng hay phần mềm mà là xây dựng một hệ thống quản lý tạo đủ điều kiện để ngành năng lượng phát triển một cách minh bạch và uy tín. Hơn nữa, phải xem xét kỹ lưỡng các sáng kiến thay thế bao gồm những sáng kiến về nguồn năng lượng tái tạo hiệu quả, ít đe dọa đến môi trường hay người dân địa phương.” – Bà Pianporn Deetes phát biểu.

Đập Pak Beng vấp phải nhiều phản đối từ các nhóm xã hội dân sự tại các nước Hạ Lưu sông Mekong vì tác động của nó tới nghề cá, sự di chuyển của trầm tích và chế độ dòng chảy sông Mekong. Người dân địa phương dọc sông Mekong ở Thái Lan đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về tác động xuyên biên giới của dự án.

Đập Pak Beng cũng là chủ đề trong vụ kiện Hành chính của người dân Thái Lan vào tháng 6 năm 2017. Đơn kiện nêu rõ các cơ quan nhà nước Thái Lan bao gồm Ủy ban Quốc gia về Mekong Thái Lan và Vụ Tài nguyên Nước thuộc Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã không làm tròn trách nhiệm cung cấp thông tin, tư vấn cho cộng đồng Thái Lan và truyền tải mối quan tâm của người dân địa phương trong Quy trình Thông Báo, Tham vấn trước và Đồng thuận (PNPCA) năm 1995 của Hiệp định Mekong. Vụ kiện đã bị tòa án sơ thẩm bãi bỏ, và tháng 11 năm 2017 Tòa án Hành chính Tối cao đã đồng ý xem xét bản kháng cáo.

Phạm Huyền 

CHIA SẺ