Thái Bình: Xưởng sản xuất nhựa tái chế xây dựng trái phép trên hành lang thoát lũ của sông Trà Lý?

BVR&MT – Tạp chí Bảo vệ Rừng và Môi trường nhận được phản ánh của bạn đọc về việc có một xưởng sản xuất nhựa tái chế đang hoạt động, được xây dựng từ nhiều năm trước, vi phạm nghiêm trọng hành lang thoát lũ, xả thải trực tiếp ra sông. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì mà những dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng này vẫn tồn tại trong thời gian dài.

Theo ghi nhận của phóng viên xưởng sản xuất này nằm trên hành lang thoát lũ của sông Trà Lý, được che chắn bởi những hàng tre dày đặc phía trước, sát chân đê. Còn phía mặt sông Trà Lý được khuất lấp bởi một hàng chuối rậm um tùm. Có thể, đó là lý do mà hàng trăm m2 nhà xưởng mọc lên san sát, cũng như việc xả thải trực tiếp ra môi trường nhưng chỉ có chủ cơ sở, chính quyền và người dân địa phương lân phụ cận mới biết, người lạ đi trên đê hoặc tàu bè chạy dưới sông rất khó có thể nhận ra. Thế nhưng, nếu đây là một hoạt động đang vi phạm quy định của pháp luật thì dư luận chắc chắn sẽ thắc mắc rằng tại sao chính quyền địa phương không biết hoặc biết mà không xử lý? Theo lời kể của người dân thì xưởng sản xuất nhựa tái chế này được cho là của ông Bùi Văn Tùy (hay còn gọi là Tùng) – ở thôn Mễ Sơn 2 – xã Tân Phong của huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.

Có mặt tại đê sông Trà Lý đoạn giáp danh giữa xã Phúc Thành và xã Tân Phong thuộc huyện Vũ Thư (Thái Bình) Phóng viên ghi nhận những tiếng ồn lớn phát ra từ xưởng sản xuất nhựa tái chế nói trên. Bằng mắt thường, bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy xưởng này đã xả thải trực tiếp ra môi trường. Những xác vụn bao bì nổi lềnh phềnh trên mặt nước, từng đám bọt trắng xóa trôi xuôi về phía hạ nguồn và quyện vào khu vực trạm bơm  của xã Tân Phong.

Trao đổi với Phóng viên, một người dân địa phương hiện đang làm hoa màu gần khu vực xưởng này cho biết: “Xưởng sản xuất này trước kia nằm trên xã Phúc Thành nhưng đã bị chính quyền bên đó đình chỉ hoạt động nên chuyển về đây. Mỗi khi hoạt động, xưởng này xả thải trực tiếp ra môi trường, nước thải có màu trắng đục như nước gạo, nhìn rất sợ. Chúng tôi khi múc nước tưới cho hoa màu về bị dị ứng nổi nhiều vết ngứa trên cơ thể. Ngay gần khu vực xả thải, cách chừng vài cây số là nhà máy nước sạch Thái Bình, tôi không biết có ảnh hưởng đến hoạt động của nhà máy này không”.

Trao đổi qua điện thoại, một cán bộ thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vũ Thư cho hay: hiện cơ quan này chưa nắm được các phản ánh trên cũng như hoạt động của xưởng sản xuất này. Vị này cũng cho biết sẽ đề xuất và chỉ đạo cho UBND xã Tân Phong kiểm tra, đình chỉ hoạt động của xưởng này.

Để tìm hiểu về những phản ánh bức xúc của người dân , chúng tôi đã có buổi làm việc trực tiếp với ông Nguyễn Hữu Ngạn – Chủ tịch UBND xã Tân Phong. Ông Ngạn cho biết:: “xưởng sản xuất trên nằm trên đất của 2 xã Tân Phong với Phúc Thành, diện tích đất của xã Tân Phong quản lý là 2294,1m2, xưởng lấn chiếm hành lang thoát lũ, có hoạt động xả thải ra môi trường và từ trước đến nay không có hợp đồng thuê khoán đất… Hàng năm xã có ra kiểm tra, làm công văn, lập báo cáo tuy nhiên không lập biên bản xử phạt”. Đồng thời, đại diện lãnh đạo xã Tân Phong cũng cung cấp cho phóng viên một biên bản làm việc ngày 22 tháng 9 năm 2021 giữa UBND xã Tân Phong với ông Bùi Văn Tùy có nội dung như sau: “ Căn cứ vào công văn số 26A/CV-UBND xã ngày 16 tháng 8 năm 2021 về việc ông Bùi Văn Tùy, thôn Mễ Sơn 2 dừng ngay việc tái chế rác thải nhựa tại khu vực đất trên”, “có kế hoạch bố trí di chuyển toàn bộ việc vi phạm trên phần đất trên. Nếu không nghiêm túc thực hiện việc dừng sản xuất tại cơ sở trên gia đình ông chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc vi phạm.”

Như thế có thể thấy, vi phạm của xưởng sản xuất nhựa tái chế nêu trên rõ ràng về vi phạm và chính quyền địa phương cũng đã lên tiếng về vấn đề này.

Trực tiếp ghi nhận tại xưởng sản xuất này cùng sự có mặt của đại diện cán bộ xã Tân Phong, là hàng loạt phế phẩm tái chế được chất thành từng đống, bẩn thỉu, nằm ngổn ngang, ra tận sát bờ sông. Cùng với đó là cơ số ống dẫn, có đường kính lớn được đấu nối từ nhà xưởng nấu nhựa tái chế tạo hạt nhựa, cũng như loang nổ dầu máy xả trực tiếp ra khúc sông Trà Lý.

Như vậy có thể thấy, xưởng sản xuất nhựa tái chế này đang có nhiều những vi phạm. Đơn cử như vấn đề về việc tự ý lấn chiếm trái phép trên phần đất của xã với diện tích lớn, sẽ là dấu hỏi lớn cho việc tiền thuế đất nếu có đã đi đâu?

Vấn đề thứ 2, một xưởng sản xuất tái chế nhựa của hộ gia đình được xây dựng trên hành lang thoát lũ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới an toàn hành lang đê điều mùa mưa lũ và thường xuyên xả thải, gây nguy hại nguyên cả một khúc sông Trà Lý, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của nhiều hộ canh tác lân phụ cận xưởng sản xuất. Thì ai sẽ chịu trách nhiệm về vấn đề này trước các quy định của Luật Đê điều và Luật Bảo vệ Môi trường?

Và vấn đề cuối cùng và cũng là câu hỏi lớn, đó là việc cơ quan chức năng và chính quyền địa phương của xã Tân Phong, huyện Vũ Thư và UBND tỉnh Thái Bình đã làm gì đối với trách nhiệm của mình, tại sao để xảy ra vi phạm và vi phạm kéo dài?.

Tạp chí Bảo vệ Rừng và Môi trường xin gửi câu hỏi này tới UBND xã Tân Phong, phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vũ Thư, Chi cục Phòng chống lụt bão và quản lý đê điều tỉnh Thái Bình, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình để kịp thời trả lại môi trường sống an toàn cho người dân; đồng thời trả lại sự an toàn cho hành lang thoát lũ sông Trà Lý đang bị xâm phạm trái pháp luật.

Xuân Kiên