Thái Bình xây dựng nhiều “Tuyến đê kiểu mẫu”

BVR&MT – Hệ thống đê điều có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác phòng, chống thiên tai, bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân cũng như những thành quả phát triển kinh tế-xã hội. Nhận thức ý nghĩa to lớn này, tỉnh Thái Bình đã tập trung xây dựng những “Tuyến đê kiểu mẫu” bằng nhiều mô hình, cách làm hay.

Các “Tuyến đê kiểu mẫu” ở tỉnh Thái Bình vừa bảo đảm an toàn thoát lũ, vừa phục vụ đời sống dân sinh.

Theo Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh Thái Bình, phong trào thi đua xây dựng “Tuyến đê kiểu mẫu” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động được các địa phương ở tỉnh Thái Bình tích cực hưởng ứng.

Riêng trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã có 14 tuyến đê với tổng chiều dài gần 40 km đạt tiêu chí “Tuyến đê kiểu mẫu” và 7/8 Hạt quản lý đê đạt tiêu chí “Hạt quản lý đê điển hình”.

Với sự tham gia nhiệt tình của nhân dân địa phương, các “Tuyến đê kiểu mẫu” ở đê tả sông Trà Lý (phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình), hay tuyến đê tại xã Vũ Tiến và xã Duy Nhất (huyện Vũ Thư) được chỉnh trang, đầu tư, bảo đảm yêu cầu về phòng, chống thiên tai và đáp ứng tiêu chí môi trường xanh, sạch đẹp.

Phần lớn các “Tuyến đê kiểu mẫu” đều được đổ bê-tông hoặc thảm nhựa phẳng phiu, có nền đường rộng rãi phục vụ giao thương. Hai bên tuyến đê được trồng cây cảnh, cây bóng mát và nhiều loại hoa theo chủ điểm 4 mùa trong năm.

Các “Tuyến đê kiểu mẫu” được hình thành đã góp phần nâng cao ý thức của người dân sở tại trong việc bảo vệ đê vững chắc, phục vụ an toàn chống lũ và hạn chế dần các vụ việc vi phạm đê điều.

Ông Nguyễn Mạnh Khương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình cho biết: Từ nay đến năm 2025, tỉnh Thái Bình phấn đấu xây dựng thêm tối thiểu 120 km “Tuyến đê kiểu mẫu”; xây dựng tối thiểu 70 km đường hành lang chân đê và cơ bản xử lý xong các vụ vi phạm pháp luật về đê điều và phòng, chống thiên tai tồn đọng.

Để đạt mục tiêu trên, UBND tỉnh Thái Bình đã yêu cầu các địa phương tập trung huy động nguồn lực để đầu tư, nâng cấp, chỉnh trang các tuyến đê đạt tiêu chí kiểu mẫu. Mô hình này sẽ được lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao.