Thái Bình: Những dòng sông “hấp hối”! – Tình trạng ô nhiễm môi trường các dòng sông ở huyện Vũ Thư.

BVR&MT – Nhiều năm qua, một số dòng sông tiêu nước dài hàng vài km ở huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình, luôn trong tình trạng đen ngòm, bốc mùi xú uế bởi hậu quả của các trang trại lợn trực tiếp xả ra dòng sông nồng nặc. Điều này đẩy sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây bức xúc, bất bình trong dư luận, và vô tình khiến những dòng sông này rơi vào tình trạng “hấp hối”.

Tạp chí Bảo vệ Rừng và Môi trường nhận được nhiều thông tin phản ánh từ phía người dân thuộc 2 xã Bách Thuận và Tân Lập, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình về tình trạng ô nhiễm môi trường đang hủy hoại các con sông nơi đây. Theo phản ánh thì người dân cho rằng, hoạt động xả thải của các trang trại, gia trại xung quanh đây đang góp phần “bức tử” môi trường, đẩy dòng sông Đồn, sông chảy ra cống Tân Lập và đổ vào sông Kiến Giang (còn gọi là sông Pa Ri) đến “cái chết chậm”. Thế nhưng, dường như cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nơi đây vẫn không thể có được những biện pháp nào để dứt điểm các tình trạng này (?!).

Ghi nhận thực tế tại địa phương, những gì lọt vào ống kính máy quay của chúng tôi về dòng sông Đồn dẫn nước từ phía thôn Thượng Xuân đến thôn Thuận Nghiệp xã Bách Thuận về hướng cống Tân Lập thuộc xã Tân Lập và sau cùng là đổ ra dòng sông Kiến Giang (còn gọi là sông Pa Ri) xuôi về Thành Phố Thái Bình khiến cho nhóm phóng viên không khỏi xót xa, chạnh lòng và lo lắng.

Nước sông đen ngòm, lềnh phềnh những mảng chất thải từ các trang trại, gia trại chăn nuôi lợn xả trực tiếp ra dòng sông từ nhiều vị trí đang đổ dồn về phía sông Kiến Giang. Nhất là vào thời điểm này khi thời tiết nắng nóng, không khí xung quanh đặc quánh, gây cho con người cảm giác rất khó chịu, nao nao, tức ngực….

Nước sông đen ngòm, lềnh phềnh những mảng chất thải chảy ra cống Tân Lập và đổ vào sông Kiến Giang.

Anh Nguyễn Văn Sơn một người dân sống ở xã Tân Lập (bên cạnh dòng sông này) cho biết: Người dân nơi đây rất bức xúc, cứ mỗi khi nước xả thải trôi từ phía đầu nguồn về thì nhà dân đều phải vội vàng đóng kín cửa. Thậm chí người dân nơi này còn phải vừa ăn cơm vừa chịu mùi phảng phất của chất thải nuôi lợn (mặc dù đã đóng kín cửa), ám ảnh người dân cả vào trong giấc ngủ. Vào những ngày nắng nóng, có khi cá chết còn nổi trắng một đoạn sông…

Mang những phản ánh bức xúc của người dân, trao đổi trực tiếp với đồng chí chủ tịch UBND xã Bách Thuận, ông Nguyễn Kim Sáu cho biết rằng: xã Bách Thuận có tổng đàn lợn chiếm 10 -12 % toàn huyện Vũ Thư, thời điểm hiện tại các trang trại, gia trại trong toàn xã khoảng 8.000 – 10.000 con, thời gian cao điểm toàn xã nuôi khoảng 12.000 con lợn các loại.

Nước sông trở nên ô nhiễm, môi sinh bị đe dọa bởi hệ lụy từ chất thải của các trại lợn.

Hiện tại xã Bách Thuận có khoảng trên 300 trang trại, gia trại chăn nuôi lợn, năm 2018 là thời đỉnh điểm của việc chăn nuôi lợn, khi đó có khoảng 1.300 trang trại và gia trại. Cũng theo vị chủ tịch này thì quan điểm của địa phương là rất tâm huyết phát triển kinh tế cũng đồng nghĩa phải đi kèm với việc bảo vệ môi trường thì mới có tính bền vững. Thế nhưng, lãnh đạo và chính quyền địa phương xã Bách Thuận cũng mong mỏi rằng phía cơ quan có thẩm quyền giúp đỡ địa phương, tìm ra giải pháp để vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường, giúp cho môi sinh xanh – sạch – đẹp và phát triển bền vững.

Trong địa bàn xã Bách Thuận và xã Tân Lập có nhiều trang trại, gia trại có số lượng lợn nuôi nhiều.

Với nội dung trên, Phóng viên đã có buổi làm việc với ông Trần Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Tân Lập. Ông Tâm cho biết: nhiều năm qua, dọc theo bờ sông tiêu nước từ xã Bách Thuận chảy về phía xã Tân Lập đã có ý kiến rất nhiều về việc dòng sông và môi trường bị ô nhiễm rất nặng nề, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe của người dân. Nắm bắt được điều đó, xã đã cho nạo vét, khơi thông dòng chảy, tuy nhiên phía đầu nguồn – xã Bách Thuận có nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi lợn xả thải trực tiếp ra dòng sông nên hiện tại chưa thể có cách khắc phục sao cho hiệu quả. Bên cạnh đó tại địa bàn xã có trang trại “Rừng Đồng Bằng” của ông Đỗ Văn Trưởng với quy mô từ 500 – 1.000 con lợn các loại, với diện tích là 5.683 m2, diện tích biogas  là 350m2, diện tích ao sinh thái chứa nước thải là 1.800m2 có ngấm ra dòng chảy của sông.

Chỉ với những ghi nhận ban đầu này có thể thấy: tổng đàn lợn chăn nuôi trên toàn xã Bách Thuận là quá lớn (chiếm 10 – 12 % tổng đàn lợn trên toàn huyện Vũ Thư), hệ thống xử lý thải của các trang trại, gia trại đa phần không đáp ứng được tổng đàn nuôi, vì lẽ đó thường xuyên xả thải trực tiếp ra dòng sông, lưu cữu trong thời gian dài, dẫn tới việc nước sông thường xuyên đen ngòm, mùi xú uế của vật nuôi bốc ra nồng nặc, cá và các loài sinh vật dưới sông gần như không thể sống nổi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống cũng như sức khỏe của người dân. Phía chính quyền địa phương dường như chưa thể tìm ra giải pháp cụ thể và triệt để nhằm chấm dứt được tình trạng này.

Cơ quan chức năng hữu quan của huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình cần quan ngại về những gì đang diễn ra đối với môi trường sống nơi đây.

Những dòng sông ở huyện Vũ Thư đang hấp hối, cụ thể là dòng sông Kiến Giang đang bị những dòng sông ô nhiễm đổ ra trực tiếp, môi sinh đang bị phá hủy, cuộc sống của người dân hai bên dòng sông đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đã đến lúc UBND tỉnh Thái Bình, Sở Nông nghiệp, Sở Tài nguyên Môi trường cùng các cơ quan hữu quan của tỉnh Thái Bình phải thực sự quan ngại và nhanh chóng tìm ra các nguyên nhân và giải pháp trước khi những dòng sông này có thể phải “chết”. Có một vấn đề nữa mà nhiều người dân đang cho rằng chính là nguyên nhân mấu chốt của vấn đề này chính là hoạt động nuôi lợn số lượng lớn của các trang trại, gia trại trên địa bàn. Hiệu quả từ mô hình kinh tế này có lẽ cũng phần nào giúp người chăn nuôi phát triển hơn, thế nhưng liệu có khi nào có một hậu quả ngược là khi có hiệu quả kinh tế thì mất đi môi trường sống hay không? Trước đó, tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương diễn ra sáng ngày 30.12.2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ không đánh đổi chất lượng tăng trưởng kinh tế để lấy tốc độ tăng trưởng nhanh mà thiếu bền vững. Vậy liệu những gì đang diễn ra ở huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình có đang vô tình đánh đổi môi trường sống của người dân và những dòng sông hay không?

(Còn nữa…)
Tiểu Khê – Hoàng Long – Xuân Quỳnh.