Thái Bình: Nâng cao hiệu quả hoạt động lĩnh vực tài nguyên và môi trường

BVR&MT – Những năm qua, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh dần đi vào nền nếp và có nhiều chuyển biến tích cực. Thông qua công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, những hạn chế, yếu kém trong quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này sớm được khắc phục.

Người dân xã An Thái (Quỳnh Phụ) tự nguyện tháo dỡ công trình bàn giao mặt bằng thi công tuyến đường.

Qua đó, các cấp, ngành, mỗi người dân đã nâng cao ý thức, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, khoáng sản và bảo vệ môi trường, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nhằm quản lý hiệu quả, đồng bộ lĩnh vực tài nguyên và môi trường, thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ động tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các văn bản, chỉ đạo, điều hành, bảo đảm đúng quy định pháp luật, phù hợp với tình hình thực tiễn, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh tới cơ sở. Năm 2021, đã thẩm định, trình UBND tỉnh 156 hồ sơ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, điều chỉnh, gia hạn sử dụng đất, thu hồi đất với diện tích 333ha; 121 hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, diện tích 137,38ha. UBND tỉnh đã ký 135 hồ sơ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, điều chỉnh, gia hạn sử dụng đất, thu hồi đất với diện tích 318,92ha; 117 hồ sơ cấp giấy chứng nhận, diện tích 131,75ha.

Tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2021 của 8 huyện, thành phố. Tham mưu UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với phương án phân bổ quy hoạch sử dụng đất của tỉnh trong quy hoạch tỉnh. Hoàn thiện thông báo thẩm định quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030 huyện Tiền Hải, Quỳnh Phụ, Kiến Xương. Tổ chức họp hội đồng thẩm định quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030 huyện Đông Hưng, Thái Thụy, Hưng Hà. Hướng dẫn UBND huyện, thành phố triển khai lập kế hoạch sử dụng đất năm 2022 trình thẩm định phê duyệt theo quy định. Cùng với đó, Sở tích cực triển khai các nhiệm vụ đo đạc, lập bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, lập hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính sử dụng kinh phí sự nghiệp năm 2021, tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị thực hiện giám sát kiểm tra nghiệm thu. Thẩm định 382 bản vẽ trích lục bản đồ địa chính, trích đo địa chính phục vụ thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thẩm định 43 dự toán kinh phí trích lục, trích đo bản đồ địa chính sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước. Ban hành văn bản thu hồi thêm diện tích đất nông nghiệp còn lại do ảnh hưởng của dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Liên Hà Thái, dự án tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình, dự án tuyến đường bộ từ thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn.

Đẩy nhanh tiến độ thi công cầu Hồng nối liền 2 huyện Tiền Hải (Thái Bình) và Giao Thủy (Nam Định).

Một trong những lĩnh vực được ngành đặc biệt quan tâm đó là bảo vệ môi trường. Hàng năm, Sở thường xuyên tổ chức các hoạt động nhân tháng hành động vì môi trường hưởng ứng ngày môi trường thế giới; chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn. Hướng dẫn, thẩm định tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm đối với các xã sau sáp nhập; tiêu chí môi trường đối với các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tổ chức hội nghị trao đổi, thảo luận, giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong xử lý rác thải sinh hoạt và điểm nóng về môi trường trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với MTTQ tỉnh, Ban Dân vận Tỉnh ủy và các thành viên tổ chức các hội nghị truyền thông bảo vệ môi trường, phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn. Triển khai thực hiện kiểm soát ô nhiễm môi trường nước các tuyến sông thành phố, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh và trả lời kiến nghị của nhân dân, cử tri, báo chí; triển khai thực hiện lấy mẫu các khu vực có khả năng ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh; theo dõi giám sát hoạt động nhập khẩu phế liệu, thu gom, xử lý chất thải nguy hại, chất thải rắn của các doanh nghiệp; theo dõi giám sát hoạt động tiêu hủy phế liệu, phế phẩm sau hợp đồng gia công của các doanh nghiệp có phương án tiêu hủy; tổ chức kiểm tra hiện trạng hoạt động của các lò đốt rác thải sinh hoạt làm cơ sở tham mưu hỗ trợ kinh phí thu gom, xử lý.

Năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phát huy tối đa các nguồn lực của ngành để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội; tăng cường quản lý khai thác, sử dụng tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên. Chú trọng tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về đất đai, môi trường xuống cơ sở, đặc biệt là Luật Đất đai năm 2013. Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính thông qua việc cắt giảm thời gian thực hiện và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính nhằm tạo môi trường thuận lợi, phục vụ tốt nhất cho nhu cầu của người dân và doanh nghiệp