Thái Bình: Chú trọng công tác bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn

BVR&MT – Rừng ngập mặn ven biển có chức năng phòng hộ chống xói mòn, duy trì cân bằng hệ sinh thái. Bên cạnh đó, rừng còn có tác dụng bảo vệ tính đa dạng sinh học, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, cung cấp nguồn giống động thực vật và an ninh quốc phòng ven biển. Chính vì thế công tác bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn luôn là một trong những vấn đề được nhà nước đặc biệt quan tâm.

Thái Bình là là một tỉnh ven biển ở đồng bằng sông Hồng, thuộc đồng bằng châu thổ sông Hồng, được bao bọc bởi hệ thống sông, biển khép kín. Với mục tiêu phát triển chủ yếu của Khu Kinh tế ven biển tỉnh Thái Bình là khai thác tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí trong việc kết nối kinh tế, thương mại, dịch vụ với các địa bàn lân cận; kết hợp chặt chẽ giữa thu hút đầu tư, phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy giá trị của hệ sinh thái biển thì việc bảo vệ và phát triển rừng ven biển là rất quan trọng.

Rừng ngập mặn huyện Thái Thụy, Thái Bình.

Diện tích rừng ở tỉnh Thái Bình được phân chia thành 2 vùng chính là rừng trồng ven biển tại huyện Tiền Hải và huyện Thái Thụy. Nhận thức được tầm quan trọng của rừng ngập mặn trong phát triển kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng. Đặc biệt, nằm trong vùng kinh tế ven biển của tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt, công tác quản lý và bảo vệ rừng của tỉnh Thái Bình ngày luôn được chú trọng. Người dân đã có ý thức trong việc bảo vệ, trồng và phát triển rừng xác định đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế ven biển kết hợp với phát triển du lịch sinh thái rừng ngập mặn của địa phương.

Rừng ngập mặn của huyện Thái Thụy cơ bản là rừng trồng bằng các nguồn vốn của các dự án, chương trình trong và ngoài nước đã góp phần phục hồi, phát triển rừng ngập mặn. Góp phần phục hồi diện tích rừng bị suy thoái, gia tăng diện tích rừng, đồng thời tạo công ăn việc làm cho cư dân ven biển (thông qua các hoạt động trồng, chăm sóc bảo vệ rừng, sản xuất cây giống).

Rừng ngập mặn của tỉnh Thái Bình cơ bản là rừng trồng bằng các nguồn vốn của các dự án của nhà nước và nước ngoài.

Cụ thể, trong những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng. Hệ thống rừng ven biển của tỉnh đã khẳng định được vai trò to lớn trong việc phòng hộ, chắn sóng bảo vệ đê biển, tạo sinh kế và tăng thu nhập cho nhân dân. Diện tích rừng và chất lượng rừng ngày càng được cải thiện. Tình trạng phá rừng hầu như không xảy ra, tình trạng lấn chiếm đất rừng trái phép để nuôi trồng thủy sản từng bước được kiểm soát. Nhận thức của các tầng lớp nhân dân về vai trò của rừng ven biển cũng như trách nhiệm của mình đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ven biển cũng như trách nhiệm của mình được nâng cao rõ rệt.

Nằm trong đội trồng rừng, chú Phà – (xã Thụy Xuân, Thái Thụy) chia sẻ với chúng tôi: Rừng ngập mặn không chỉ có tác dụng chắn sóng, bảo vệ đê biển mà còn mang lại nguồn lợi thủy sản đáng quý cho các ngư dân. Thông qua các Dự án, chúng tôi được tuyên truyền cách trồng, bảo vệ rừng, qua đó nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cư dân ven biển về vai trò và tác dụng của rừng phòng hộ ven biển.

Chị Vũ Thanh Hà – Hạt trưởng hạt Kiểm lâm Thái Thuỵ và chú Phà đang kiểm tra sự phát triển của rừng ngập mặn mới trồng.

Sau khi rừng mới được trồng, những vạt đất ngập mặn thường được bồi đắp, nâng cao, có tác dụng phòng hộ tích cực, trực tiếp bảo vệ đê điều, cản sóng biển, bão gió, chống xói mòn sập lở dải cát ven biển, bảo vệ sản xuất nông lâm nghiệp và nuôi trồng hải sản. Đến nay, nhờ có vành đai rừng ngập mặn che chở, các đầm nuôi tôm và các đê chắn sóng ở các xã Thụy Hải, Thụy Xuân, Thụy Trường được bảo vệ tốt khi có bão.

Tuy nhiên, hệ thống rừng ngập mặn ven biển hiện có tại tỉnh Thái Bình luôn chịu sức ép rất lớn từ tác động của điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, sự thay đổi của dòng chảy thường xuyên làm mất các diện tích rừng mới trồng gây khó khăn cho việc trồng rừng mới của các dự án, Ngoài ra, tình trạng lấn đất quy hoạch Lâm nghiệp để nuôi ngao tự phát còn xuất hiện trở lại khi lợi nhuận hoạt đông nuôi ngao tăng cao gây khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng để triển khai hoạt đông trồng và chăm sóc rừng.

Đánh giá về công tác trồng và phát triển rừng ngập mặn ven biển trong những năm qua, ông Phạm Quan Tân – Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Thái Bình cho biết: Công tác trồng và phát triển, bảo vệ rừng trồng ven biển tương đối tốt. Ngoài những mặt tích cực thì vẫn còn tồn tại những hạn chế như: một số vụ xâm hại rừng xảy ra cũng đã được Chi cục Kiểm Lâm hai huyện Thái Thụy và Tiền Hải tham mưu xử lý kịp thời. Trong công tác phát triển rừng, do lập địa rừng trồng ngày càng đẩy ra xa gây khó khăn cho công tác trồng rừng (xã Đông Long – huyện Tiền Hải). Bên cạnh đó, những sinh vật Hà phát triển gây hại đến diện tích rừng non mới trồng. Một số bộ phận người dân còn chưa có ý thức bảo vệ rừng, thường xuyên đánh bắt thủy hải sản như đào don, đun te, bơm cát cải tạo bãi ngao gây ảnh hưởng đến diện tích rừng mới trồng (xã Thụy Trường, Nam Thịnh – huyện Thái Thụy).

Ông Phạm Quang Tân – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thái Bình.

Trao đổi với PV Bảo vệ Rừng và môi trường, ông Phạm Thanh Bình – Phó giám đốc Ban Quản lý Dự án ĐTXD các công trình NN&PTNT cho biết: Thông qua các Dự án trồng rừng tỉnh đã đạt được nhiệt kết quả quan trọng như các diện tích rừng trồng đều đã phát triển thành rừng, cây sinh trưởng và phát triển tốt. Đồng thời, phát huy được vai trò phòng hộ ven biển, tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, việc trồng rừng còn gặp nhiều khó khăn về địa hình, phụ thuộc vào thời gian nước rút mới tiến hành trồng cây, có khi phải trồng vào ban đêm hoặc sáng sớm. Ngoài ra, cây sau trồng chịu nhiều ảnh hưởng từ sóng biển, sinh vật Hà, bèo, rác quấn lên ngọn cây. Cùng với đó là diện tích trồng rộng, dẫn đến việc đi lại tuần tra còn gặp khó khăn, trong khi đó, các hoạt động đánh bắt hải sản của người dân, tàu thuyền diễn ra cả ngày lẫn đêm nên rất khó kiểm soát. Hơn nữa, mùa vụ trồng cây chính là mùa mưa bão nên tỷ lệ cây chết là khó tránh khỏi.

Không thể phủ nhận tầm quan trọng của rừng ngập mặn chính là lá chắn bảo vệ vùng ven biển, cửa sông; giảm thiểu sự tàn phá của bão biển, triều dâng, hạn chế xói lở, giảm xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường và đẩy nhanh quá trình bồi tụ phù sa, là nơi bảo tồn đa dạng sinh học, cân bằng sinh thái… do đó chính quyền địa phương phải cùng các sở, ngành triển khai các giải pháp để tiếp tục bảo vệ và nhân rộng diện tích rừng ngập mặn. Trong đó làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, vị trí của rừng ngập mặn từ đó có trách nhiệm trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ là rất cần thiết.

Thạch Thảo