Thái Bình chọn rừng

BVR&MT – Thái Bình từng gây xôn xao khi ban hành quyết định thu hẹp diện tích Khu Bảo tồn Thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải từ 12.500 ha xuống còn 1.320 ha để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 – 2023, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt đã đảo ngược định hướng này, đánh dấu chiến thắng hiếm hoi của mục tiêu bảo tồn trước phát triển kinh tế.

Cò quăm đầu đen, một trong những loài chim sắp bị đe dọa có thể tìm thấy ở Khu Bảo tồn Thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải (Ảnh: Thangaraj Kumaravel/Flickr)

Thái Bình có ý định thu hẹp gần 90% diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải để xây Khu đô thị, du lịch, nghỉ dưỡng, sân golf Cồn Vành – Cồn Thủ. Địa phương cho rằng khu vực này thực tế chỉ là khu rừng đặc dụng, được tỉnh thành lập theo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng nên không chịu ràng buộc bởi Luật Đa dạng sinh học. Việc thay đổi diện tích nằm trong thẩm quyền của tỉnh và không cần xin ý kiến Bộ TN&MT. Tuy nhiên, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ TN&MT) và Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) đều cho rằng Thái Bình áp dụng Luật Bảo vệ và Phát triển rừng không đúng quy định, cần tiến hành rà soát và quy hoạch lại khu vực này.

Ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) cho biết câu chuyện Khu Bảo tồn Thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận, các bộ ngành và chuyên gia bảo tồn. Hầu hết các ý kiến đều phản đối việc thu hẹp rừng để phát triển kinh tế. Ông Nguyên cho rằng quyết định giữ nguyên diện tích khu bảo tồn của Chính phủ rất sáng suốt, tạo động lực cho công tác bảo tồn các hệ sinh thái của Việt Nam, nhất là các hệ sinh thái ít được biết đến như vùng đất ngập nước vốn thường bị xem là vùng đất hoang.

Ngư dân đánh bắt ở gần rừng ngập mặn thuộc đồng bằng sông Hồng. (Ảnh: CIF Action/Flickr).

Theo Quyết định số 1735/2023/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Khu Bảo tồn Thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải có diện tích dự kiến khoảng 12.500 ha nằm ở vùng ngoài đê biển số 5, đê biển số 6 và trong vùng rừng ngập mặn, bãi bồi ven biển, vùng biển huyện Tiền Hải.

Về phương án bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, hệ sinh thái tự nhiên, tỉnh Thái Bình sẽ lập kế hoạch xây dựng đề án nghiên cứu thảm thực vật ven cửa sông và quần xã chủ yếu trong hệ sinh thái rừng ngập mặn nhằm phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên của tỉnh Thái Bình nói riêng và khu vực châu thổ sông Hồng nói chung.

Về phương án phát triển khu bảo tồn thiên nhiên, Thái Bình cần bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng trong Khu Bảo tồn Thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải và cả Khu Bảo tồn Thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy, đồng thời quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả vùng đất ngập nước, bảo đảm việc phát triển kinh tế gắn với việc bảo vệ môi trường và phát huy sự đa dạng của các hệ sinh thái trong các khu bảo tồn thiên nhiên.

Về phương án bảo vệ và phát triển rừng, Thái Bình cần kiểm soát chặt chẽ chuyển đổi đất rừng ngặp mặn ven biển sang mục đích khác; thu hồi diện tích nuôi trồng hải sản kém hiệu quả để cải tạo mặt bằng tái trồng rừng nhằm khép kín đai rừng; giữ ổn định diện tích đất rừng đã được quy hoạch.

Về phương án phân vùng bảo vệ môi trường, Khu Bảo tồn Thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải được phân theo vùng bảo vệ nghiêm ngặt và vùng hạn chế phát thải.

Nhằm lan tỏa thông điệp về khôi phục, quản lý, bảo vệ và sử dụng rừng bền vững, Ngày Quốc tế Rừng năm nay (21/3/2024) chọn chủ đề “Rừng và đổi mới sáng tạo: Giải pháp mới vì một thế giới tốt đẹp hơn”. Ngày Quốc tế Rừng là ngày hành động quốc tế được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 28/11/2012. Năm ngoái, chủ đề cho Ngày Quốc tế Rừng là “Rừng và Sức khỏe” với thông điệp “Hãy cho đi, đừng chỉ nhận lại vì bảo vệ rừng cũng chính là bảo vệ sức khỏe của bạn!”.

PV (Nguồn: Mongabay)

CHIA SẺ