BVR&MT – Qua hoạt động thả cá tại hồ Ba Bể, Bộ Tài nguyên và Môi trường kêu gọi các bộ, ngành, địa phương cần tích cực đẩy lùi sự suy giảm đa dạng sinh học, cùng xây dựng tương lai “sống hài với thiên nhiên”.
Sáng 20/5, tại Vườn Quốc gia Ba Bể – “lá phổi xanh” nơi rừng đại ngàn Việt Bắc, di sản văn hóa lịch sử Quốc gia, Khu di sản của ASEAN, Khu Ramsar thứ 1938 của thế giới và là khu Ramsar thứ 3 của Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn, đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế đa dạng sinh học (22/5) năm 2023.
Trong khuôn khổ sự kiện, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỉnh Bắc Kạn, cùng đông đảo các đại biểu đến từ các tổ chức bảo tồn trong và ngoài nước, đã cùng nhau thả cá giống xuống hồ Ba Bể để tái tạo nguồn lợi thủy sản tại khu vực Đền An Mạ, cũng như giữ cân bằng sinh thái trong khu vực hồ.
Số lượng cá giống được thả lên tới hơn 10.000 con, chủ yếu cá chép bản địa.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2023, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, nhấn mạnh trong những năm qua, đa dạng sinh học đã trở thành vấn đề toàn cầu, rất nhiều loài động, thực vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do những tác động của con người.
Trong đó, nguyên nhân gây mất đa dạng sinh học được xác định do thay đổi phương thức sử dụng đất và biển, biến đổi khí hậu, các hoạt động như nông nghiệp không bền vững, ô nhiễm và sự xâm lấn của các loài ngoại lai…
Vì vậy, Ngày Quốc tế về Đa dạng sinh học năm 2023 với chủ đề “Từ Thỏa thuận đến hành động: Phục hồi đa dạng sinh học” do Liên Hợp quốc phát động, nhằm kêu gọi chính phủ các nước nhanh chóng biến các cam kết thành hành động để ngăn chặn và đẩy lùi sự suy giảm đa dạng sinh học.
Chủ đề của ngày quốc tế trên cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thực hiện giải pháp sáng tạo đối phó với cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học, đưa vấn đề này lên hàng đầu trong các cuộc thảo luận toàn cầu về phát triển bền vững.
Với ý nghĩa đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các cấp bộ, ngành, địa phương triển khai: Rà soát hoàn thiện hệ thống chính sách, thể chế, chủ trương của Đảng, Nhà nước về quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học; nội luật hóa những nội dung điều ước, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cần có kế hoạch cụ thể từ các để triển khai thực hiện Kế hoạch hành động về đa dạng sinh học để triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tiếp tục triển khai các hoạt động để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam; đẩy mạnh thực hiện các chương trình, kế hoạch phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái như rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển và các vùng đất ngập nước.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đặt ra các nhiệm vụ như: đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế; đẩy mạnh nghiên cứu và áp dụng các giải pháp dựa vào tự nhiên, nhằm giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu, mang lại lợi ích về đa dạng sinh học và phúc lợi cho con người; kiểm soát chặt chẽ tác động của các dự án phát triển đối với các khu vực tự nhiên và hệ sinh thái đa dạng sinh học…
Về phía địa phương, ông Đinh Quang Tuyên – Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn, nhấn mạnh địa phương này có hệ sinh thái rất phong phú và đa dạng với hơn 1.800 loài thực vật, 86 loài thú, hơn 300 loài chim, nhiều loài động vật quý hiếm… Cùng với cảnh quan môi trường độc đáo là nguồn tài nguyên đa dạng sinh học vô cùng quý giá đang được tỉnh nỗ lực bảo tồn gắn với phát triển kinh tế-xã hội.
Do vậy, việc tổ chức Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2023 tại Vườn Quốc gia Ba Bể có ý nghĩa rất lớn, qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, người dân và doanh nghiệp trong công tác bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học trên địa bàn.
Với lợi thế mà thiên nhiên ban tặng, tiềm năng về du lịch kết hợp với các giải pháp bảo vệ môi trường sinh thái, ông Tuyên khẳng đỉnh tỉnh Bắc Kạn cam kết sẽ tiếp tục nâng cao công tác bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn; sử dụng và bảo vệ tài nguyên hợp lý, góp phần phát triển kinh tế-xã hội bền vững, để góp phần giảm thiểu suy thoái môi trường, nhằm đạt mục tiêu của Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050.