BVR&MT – Hai chữ “Nguyên đán” là một danh từ chữ Hán, theo sách cổ, sau thời nguyên thủy người ta đã biết định ra thế nào là một năm, thì lấy ngày thứ nhất của một năm gọi là Nguyên đán. “Nguyên” nghĩa là đầu; “đán” nghĩa là buổi sớm; “Nguyên đán” là buổi sớm đầu năm. Tết cố truyền có từ bao giờ và ý nghĩa của Tết nguyên đán?
Nguồn gốc Tết cổ truyền
Tết, khởi đầu của một năm, một tháng, một mùa, một chu kỳ sản xuất nông nghiệp mới. Tết cũng là lễ hội lớn nhất, quan trọng nhất của người Việt trong năm và ai cũng dành những điều tốt đẹp nhất cho Tết.
Trong sử sách, ở mỗi thời, các nhà nghiên cứu đều phân tích và cho thấy những yếu tố gì dẫn đến việc hình thành nên cái Tết cổ truyền như ngày nay.
GS.TS, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyên viết trong tạp chí Indochine số 75 và 75 ngày 12/12/1942, được MaiHaBooks dịch và in lại trong cuốn “Tết Việt Nam xưa” rằng, Tết theo lịch âm ở châu Á là một ngày lễ được người Việt tổ chức long trọng nhất trong năm.
Theo lịch âm dựa trên sự vận động của mặt trăng, mỗi tháng bắt đầu vào một ngày trăng mới. Và năm mới bắt đầu vào ngày trăng xuất hiện sau khi mặt trời ló rạng khỏi chí tuyến nam, dấu hiệu cuối cùng trong ba dấu hiệu mùa đông.
Tết, vì thế mà theo sự diễn biến của cả mặt trăng và mặt trời. Tết mở ra mùa xuân và luôn rơi vào khoảng từ 10 ngày cuối cùng của tháng Một đến ngày thứ ba của tháng Hai.
Tết này gọi là “tiết Nguyên đán”, “thời kỳ rạng đông bắt đầu”. Ngày này là ngày bắt đầu của năm, của tháng và của mùa, vì vậy, đó là buổi sáng thiêng liêng nhất. Nó báo trước những sự kiện tốt lành của mặt trăng sẽ xảy ra sau đó.
Theo một số nguồn tư liệu khác thì ngày Tết của chúng ta có sức chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ văn hóa Trung Quốc trong hơn 1000 năm Bắc thuộc. Tết Nguyên Đán cũng là một trong những nét văn hóa được du nhập trong thời điểm đó. Theo lịch sử Trung Quốc, nguồn gốc Tết Nguyên Đán có từ đời Tam Hoàng Ngũ Đế và thay đổi theo từng thời kỳ. Đời Tam Vương, nhà Hạ chuộng màu đen nên chọn tháng giêng, tức tháng Dần. Nhà Thương thích màu trắng nên lấy tháng Sửu, tức tháng chạp, làm tháng đầu năm. Nhà Chu ưa sắc đỏ nên chọn tháng Tý, tức tháng mười một, làm tháng Tết. Các vua chúa nói trên quan niệm về ngày giờ “tạo thiên lập địa” như sau: giờ Tý thì có trời, giờ Sửu thì có đất, giờ Dần sinh loài người nên đặt ra ngày Tết khác nhau.
Đến thời Đông Chu, Khổng Tử đổi ngày Tết vào một tháng nhất định là tháng Dần. Đời nhà Tần (thế kỷ 3 TCN), Tần Thủy Hoàng lại đổi qua tháng Hợi, tức tháng mười. Đến thời nhà Hán, Hán Vũ Đế (140 TCN) lại đặt ngày Tết vào tháng Dần, tức tháng giêng. Từ đó về sau, không còn triều đại nào thay đổi về tháng Tết nữa.
Đến đời Đông Phương Sóc, ông cho rằng ngày tạo thiên lập địa có thêm giống gà, ngày thứ hai có thêm chó, ngày thứ ba có thêm lợn, ngày thứ tư sinh dê, ngày thứ năm sinh trâu, ngày thứ sáu sinh ngựa, ngày thứ bảy sinh loài người và ngày thứ tám mới sinh ra ngũ cốc. Vì thế, ngày Tết thường được kể từ ngày mồng một cho đến hết ngày mồng bảy.
Ý nghĩa của Tết nguyên đán
Tết Nguyên đán (hay còn được gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền hay đơn giản là Tết) – Tết lớn nhất trong năm, diễn ra vào mùa xuân, thời điểm kết thúc một chu kỳ bốn mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông để bước vào một chu kỳ mới, một khởi đầu mới, nên luôn được gửi gắm nhiều ước vọng.
Nhà sử học Trần Văn Giáp trong bài viết “Nguồn gốc Tết Nguyên đán ở Việt Nam” năm 1963 (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I giới thiệu) cũng phân tích, “Tết” hiểu theo gốc chữ Hán là chữ “Tiết”, nghĩa là “thời tiết” tức là “Bát tiết” và “khí tiết”.
“Bát tiết” theo chữ Hán là Tám ngày thay đổi khí hậu (khí tiết) trong bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông, gồm: Lập Xuân, Lập Hạ, Lập Thu, Lập Đông, Xuân phân, Thu phân, Hạ chí và Đông chí.
Trong tiếng Việt, Tết hay tiết là dịp hội hè, cũng là dịp lễ vui vẻ, bát tiết của Việt Nam không phải là Lập xuân, Xuân phân… mà là những ngày Tết có cúng lễ, gồm: Nguyên đán, Thượng nguyên, Hàn thực, Đoan ngọ, Trung nguyên, Trung thu, Thường tân, Đông chí.
Trong tám ngày Tết ấy, Nguyên đán là ngày tết đầu năm, cho nên gọi là Tết Cả, cùng với các tết khác, ở các đình, chùa, đền, miếu đều có cúng lễ linh đình, ở các nhà thờ họ, các nhà riêng đều có làm cỗ bàn cúng lễ và hội họp vui vẻ.
Theo tín ngưỡng dân gian bắt nguồn từ quan niệm “Ơn trời mưa nắng phải thì”, người nông dân còn cho đây là dịp để tưởng nhớ đến các vị thần linh có liên quan đến sự được, mất của mùa màng như thần Đất, thần Mưa, thần Sấm, thần Nước, thần Mặt Trời… người nông dân cũng không quên ơn những loài vật, cây cối đã giúp đỡ, nuôi sống họ, từ hạt lúa đến trâu bò, gia súc, gia cầm trong những ngày này.
Người Việt Nam có tục hằng năm mỗi khi Tết đến, dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu đều mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình trong 3 ngày Tết, thời khắc đầu năm mới mọi người thường đi khấn vái trước bàn thờ tổ tiên, thăm lại ngôi nhà thờ, ngôi mộ, giếng nước, mảnh sân nhà.
Theo quan niệm của người Việt Nam, ngày Tết đầu xuân là ngày đoàn tụ, đoàn viên, mối quan hệ họ hàng làng xóm được mở rộng ra, ràng buộc lẫn nhau thành đạo lý chung cho cả xã hội: tình cảm gia đình, tình cảm thầy trò, bệnh nhân với thầy thuốc, ông mai bà mối đã từng tác thành đôi lứa, bè bạn cố tri…
Người Việt Nam cho rằng tết Nguyên Đán là ngày vui vẻ đầu năm báo hiệu một năm mới tốt đẹp vì thế từ người lớn cho đến trẻ con đều xúng xính quần áo mới, cuối năm lo lau chùi, dọn dẹp nhà cửa, thay mới những đồ vật cũ kĩ, sơn sửa lại tường nhà, bàn ghế cho sạch sẽ, mới mẻ để chào đón một năm mới tốt đẹp hơn. Hòa vào đó là bầu không khí nô nức, tinh thần thoải mái, tươi vui hơn của từng cá thể háo hức những ngày đầu năm.
* Trong bài viết có sử dụng nhiều thông tin từ các nguồn tư liệu, tài liệu tổng hợp khác nhau. Nội dung mang tính chất tham khảo.
Xuân Thời