Tê giác châu Phi bị săn trộm nhiều hơn trong dịch virus Covid-19

BVR&MT – Nico Jacobs, người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận cung cấp dịch vụ vận chuyển trực thăng khẩn cấp cho tê giác cần cứu hộ Rhino 911 cho biết ít nhất 9 cá thể tê giác đã bị săn trộm ở tỉnh North West kể từ khi Nam Phi ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc vào ngày 23/3 để hạn chế virus corona lây lan.

Ở Botswana, theo chức phi lợi nhuận Rhino Conservation Botswana, ít nhất 6 cá thể tê giác đã bị săn trộm kể từ khi nước này đóng cửa biên giới để ngăn chặn Covid-19. Mới đây, chính phủ nước này tuyên bố 5 nghi phạm săn trộm đã bị quân đội giết chết trong hai đợt truy quét.

Săn trộm không phải điều gì bất thường ở châu Phi khi thập kỷ trước có tới hơn 9.000 cá thể tê giác bị săn trộm ở châu lục này, nhưng các nhà bảo tồn cho rằng những vụ việc gần đây ở Botswana và Nam Phi là bất thường vì xảy ra tại các điểm nóng du lịch – những nơi xưa nay được coi là tương đối an toàn cho động vật hoang dã.

Ảnh: Nico Jacobs/Rhino 911

Map Ives, Giám đốc Rhino Conservation Botswana chia sẻ: “Có thể chúng ta sẽ thấy không chỉ săn trộm tê giác, voi và các động vật mang tính biểu tượng khác mà nạn săn trộm thú rừng nói chung cũng sẽ gia tăng của trên khắp lục địa. Rất nhiều người không thể kiếm sống nên sẽ hướng sang thế giới tự nhiên. Bạn không thể trách họ. Đây là những người đói khát”.

Với hy vọng làm dịu bớt tình hình, tổ chức môi trường Nature Conservancy gần đây đã bắt đầu quyên tiền cho các vườn quốc gia, khu bảo tồn công và tư nhân ở châu Phi cần tiền trả cho đội ngũ kiểm lâm và bảo vệ.

Catherine Semcer, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu Tài sản và Môi trường ở Bắc Carolina tin rằng cách duy nhất để ngăn chặn điều này tái diễn là đa dạng hóa các nguồn thu hỗ trợ bảo tồn động vật hoang dã.

“Chúng ta không muốn chia tách bảo tồn khỏi du lịch nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta cần mở rộng phạm vi các lĩnh vực hỗ trợ”.

Cho đến khi điều này xảy ra, động vật hoang dã châu Phi vẫn sẽ gặp nguy hiểm và các nhà bảo tồn như ông Jacobs sẽ tiếp tục nhận được các cuộc gọi về tê giác non mồ côi.

Nhật Anh (Lược dịch từ New York Times)