Tây Nguyên có 123 xã đạt chuẩn nông thôn mới

BVR&MT – Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện các tỉnh Tây Nguyên đã có 1 huyện và 123 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Lâm Đồng là địa phương thực hiện tốt nhất Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới so với các địa phương khác ở khu vực Tây Nguyên.

Giờ học thực hành trên máy tính của học sinh lớp 8, trường Trung học cơ sở Ch’Ré, xã Đa Quyn, huyện Đức Trọng. Xã đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2015. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã có huyện Đơn Dương được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và có 59 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 50,4% trong tổng số xã trên địa bàn tỉnh.

Trong điều kiện ngân sách Trung ương phân bổ cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới còn hạn chế, các tỉnh Tây Nguyên đã nỗ lực huy động kinh phí bằng nhiều nguồn khác nhau như vốn lồng ghép các chương trình, vốn tín dụng, vốn huy động từ các doanh nghiệp, vốn huy động đóng góp của nhân dân…để thực hiện có hiệu quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Chỉ riêng tỉnh Lâm Đồng, giai đoạn từ 2010 – 2015 đã huy động được 33.581 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới; trong đó, vốn ngân sách chiếm 10,66%, vốn đóng góp của người dân chiếm 27%, số vốn còn lại là huy động từ các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, tín dụng…

Chăm sóc vườn dâu tây tại trang trại của gia đình anh Hoàng Trọng Phú, xã Đa Quyn, huyện Đức Trọng. Xã đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2015. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Các tỉnh Tây Nguyên cũng đã xây dựng trên 1.100 mô hình sản xuất có hiệu quả, chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Cũng thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các tỉnh Tây Nguyên đã đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn (điện, đường, trường, trạm, thủy lợi…) phục vụ tốt yêu cầu sản xuất và đời sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn mới chỉ theo chiều rộng, chưa thực chất đi vào chiều sâu, các tiêu chí đạt được còn thấp, các văn bản hướng dẫn thực hiện và bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới còn nhiều bất cập…

Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên kiến nghị Trung ương sớm có văn bản quy định thêm nhiệm vụ cho Văn phòng Điều phối nông thôn mới các cấp để có cơ sở triển khai thực hiện nhiệm vụ (vì giai đoạn 2016 – 2020 có thêm 8 nhiệm vụ của các chương trình, dự án khác của chương trình mục tiêu quốc gia nhập vào Chương trình nông thôn mới).

Các bộ, ngành Trung ương tiếp tục hoàn thiện, sớm ban hành các cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016- 2020, hướng dẫn, giám sát và đánh giá thực hiện các tiêu chí ở các địa phương…

Quang Huy