Tập trung phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

BVR&MT – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có Chỉ thị số 8711/CT-BNN-TY gửi các địa phương về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm vụ đông xuân.

Cán bộ thôn Lũng Vài, xã Côn Lôn, huyện Na Hang (Tuyên Quang) hướng dẫn người dân phòng, chống rét cho trâu, bò.

Theo đó, dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến phức tạp, các địa phương cần hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học; vệ sinh, sát trùng chuồng trại bằng vôi bột, hóa chất; tổ chức Tháng tổng vệ sinh, sát trùng từ ngày 20/12/2020 đến 20/1/2021. Tiêm phòng cho đàn vật nuôi, bảo đảm ít nhất hơn 80% tổng đàn thuộc diện tiêm phòng được tiêm vắc-xin… Tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép…

* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn quốc gia, hôm nay (15/12), Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ xảy ra đợt rét đậm, rét hại với nhiệt độ thấp nhất từ 11ºC đến 14ºC, vùng núi từ 8ºC đến 11ºC, vùng núi cao dưới 5ºC và có khả năng xảy ra băng giá. Trọng tâm rét hại tập trung ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai. Trên biển, gió chuyển hướng đông bắc, trong đất liền cấp 3, vùng ven biển cấp 4 đến cấp 5. Vịnh Bắc Bộ gió chuyển hướng đông bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, biển động mạnh, sóng biển cao từ hai đến ba mét. Khu vực bắc Biển Đông gió đông bắc mạnh cấp 6 đến 7, giật cấp 9, biển động mạnh; sóng biển cao từ ba đến năm mét. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.

Cũng theo Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn quốc gia, mực nước vùng ven biển Đông Nam Bộ đang lên theo thủy triều. Hôm nay và ngày mai, đỉnh triều tại các vùng ven biển Nam Bộ tăng. Đến ngày 17/12 sẽ giảm dần. Đỉnh triều cao nhất tại Vũng Tàu có thể đạt 4,35 m vào rạng sáng 16/12. Nguy cơ ngập úng cao có thể xảy ra tại các vùng trũng thấp ven biển các tỉnh Đông Nam Bộ.

* Hiện nay, tổng đàn gia súc toàn xã Hồng Thái, huyện Na Hang (Tuyên Quang) có 770 con. Ngay từ đầu mùa đông, xã đã tuyên truyền cho người dân tích trữ rơm rạ và thức ăn tươi như cỏ, ngô; hướng dẫn cách bổ sung cám gạo, bột ngô, chuối, nước ấm, nước muối để tăng sức đề kháng cho đàn gia súc khi nhiệt độ giảm sâu. Tại tỉnh Lai Châu, các địa phương hướng dẫn người dân thu gom, dự trữ thức ăn; xây dựng, tu sửa, củng cố, che chắn chuồng trại; chuẩn bị các nguồn nhiệt (than, củi, trấu…) để sưởi ấm cho trâu, bò khi thời tiết rét đậm; đưa trâu, bò về nhốt khi thời tiết giá rét kéo dài; che phủ ni-lông cho mạ, không gieo cấy lúa khi nhiệt độ dưới 15oC.

Tỉnh Bắc Kạn yêu cầu các huyện, thành phố cần tuyên truyền người dân thực hiện biện pháp phòng, chống rét cho cây trồng; chống đói, rét và dịch bệnh cho vật nuôi, thủy sản. Chuẩn bị nhân lực, vật tư sản xuất, thức ăn, chuồng trại, cây giống, con giống; kịp thời ứng phó khi thiên tai xảy ra.

* Tỉnh Quảng Ninh phân công cán bộ về từng thôn, bản để hướng dẫn, đôn đốc cơ sở và người dân thực hiện chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống rét cho vật nuôi, cây trồng, thủy sản. Tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm nếu để gia súc, gia cầm, thủy sản, diện tích mạ đã gieo bị chết do nguyên nhân chủ quan, thiếu trách nhiệm trong việc phòng, chống rét.

* Tỉnh Thanh Hóa khuyến cáo các hộ chăn nuôi không cho trâu, bò làm việc, chăn thả tự do ngoài trời khi thời tiết rét đậm, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt các biện pháp chống rét cho mạ.

* Theo UBND thị xã Cửa Lò (Nghệ An), bão số 7 đã làm kè chắn sóng đường dạo bộ bị hư hỏng và sụt lún khoảng 300 m, phần thân đường bị sụt lún, sập khoảng 500 m2.

Tại tỉnh Quảng Nam, gần 2 km bờ biển Cửa Lở (xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành) bị sạt lở, xâm thực vào đất liền gần 50 m đe dọa hàng trăm hộ dân. Hiện, chính quyền các địa phương khuyến khích các hộ di dời đến nơi khác nhằm bảo đảm an toàn.

* Vụ đông xuân 2020 – 2021, Quảng Ngãi có kế hoạch gieo sạ khoảng 38 nghìn héc-ta lúa, 18 nghìn héc-ta mì, 8.100 héc-ta rau màu các loại, 4.600 héc-ta bắp và 4.200 héc-ta đậu phụng… Tuy nhiên, một lượng lớn giống, phân bón, người dân dự trữ bị nước lũ làm hư hỏng, hoặc cuốn trôi. Vì vậy, ngành nông nghiệp tỉnh tích cực triển khai các biện pháp bình ổn, bảo đảm để không xảy ra tình trạng thiếu giống, hoặc tăng giá.

* Theo Ban điều phối Dự án Thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH) vùng đồng bằng sông Cửu Long tỉnh Trà Vinh (Dự án AMD Trà Vinh), sau sáu năm thực hiện, dự án đã giải ngân tổng số tiền hơn 500 tỷ đồng hỗ trợ người dân trong tỉnh sản xuất thích ứng BĐKH, với hơn 88 nghìn hộ dân được tiếp cận.

* Trong mùa khô 2020 – 2021, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang đã lên phương án vận hành hệ thống cống đập trong dự án thủy lợi Bảo Định nhằm bảo đảm nguồn nước tưới tiêu, phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn cho hơn 47 nghìn héc-ta đất sản xuất thuộc các huyện Chợ Gạo, Châu Thành, Tân Phước (Tiền Giang) và một phần tỉnh Long An.

* Chiều 14/12, Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP Hồ Chí Minh trao số tiền 200 triệu đồng ủng hộ người dân Quảng Nam bị thiệt hại do thiên tai gây ra.