Tập trung nhân rộng mô hình khuyến nông ở Nghệ An

BVR&MT – Kết thúc quý III năm 2017, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả những mô hình khuyến nông đạt hiệu quả kinh tế cao, được nông dân áp dụng vào sản xuất.

Theo số liệu của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An, trong 9 tháng đầu năm nay, các trạm khuyến nông đã xây dựng được 32 mô hình tiến bộ. Trong số các mô hình sản xuất mới, một số mô hình cho hiệu quả cao như: mô hình chăn nuôi bò kết hợp trồng cỏ cao sản ở huyện Quỳnh Lưu; mô hình trồng lúa Japonica ở huyện miền núi cao Kỳ Sơn; canh tác ngô trên đất dốc ở Tương Dương; trồng rau sạch theo hướng VietGAP ở TX Thái Hòa; và nhiều mô hình chăn nuôi lợn, gà trên đệm lót sinh học… Ngoài ra, mô hình chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả do ảnh hưởng của hoạt động khai thác khoáng sản sang trồng ngô tại Quỳ Hợp; Kết quả cho thấy năng suất ngô đạt 6 tấn/ha, thu nhập 36 triệu đồng/ha, cao gấp 2 lần so với trồng lúa, mô hình được nông dân và lãnh đạo huyện, xã đánh giá cao.

Mô hình Chăn nuôi gà an toàn sinh học cua anh Đậu Bá Hiệp tại xã Thanh Nho (Thanh Chương).

Bên cạnh đó, nhiều mô hình khác cũng mang lại hiệu quả đáng ghi nhận như mô hình trồng cây dài ngày như trồng cam kết hợp tưới nhỏ giọt, triển khai tại thị xã Thái Hòa; trồng bưởi Hồng Quang Tiến theo hướng VietGAP triển khai tại các huyện Đô Lương, Thanh Chương; trồng ổi xen cam theo hướng VietGAP tại huyện Con Cuông bước đầu cho kết quả rất khả quan; tỷ lệ sống đạt trên 95%, cây sinh trưởng phát triển tốt. 

Mô hình mang lại năng suất sao như mô hình trồng dưa lê Nông Hữu siêu ngọt, triển khai tại huyện Nghi Lộc, cho thu hoạch 2 lứa chính đạt năng suất 18 tấn/ha, tổng thu đạt 234 triệu đồng/ha/vụ. Mô hình trồng bí đỏ an toàn theo hướng VietGAP tại thị xã Thái Hòa, kết quả thu được 6 lứa quả và tận thu được ngọn, năng suất quả đạt 36 tấn quả/ha, lãi thuần đạt trên 86 triệu đồng/ha/5tháng. Mô hình sản xuất nấm sò tại Nam Đàn với 8 tấn nguyên liệu cho thu hoạch được 800 kg, bán với giá 45.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí còn lãi 24 triệu đồng, mô hình đang được nhân rộng trên địa bàn… 

Đối với công tác khuyến lâm, khuyến ngư, nổi bật như mô hình trồng lát xen keo tai tượng ngoại tại Con Cuông. Mô hình trồng thâm canh lùng tại Quỳ Châu cho tỷ lệ sống đạt trên 95%, cây sinh trưởng phát triển tốt. Mô hình trồng nghệ dưới tán rừng, tại TX. Hoàng Mai năng suất đạt 15,52 tấn/ha, thu nhập từ mô hình (0,5 ha) đạt 93 triệu đồng, lãi thuần 40 triệu đồng; mô hình chăm sóc cây lát xen xoan triển khai tại huyện Tương Dương sinh trưởng phát triển rất tốt. Mô hình chăm sóc cây bo bo tại các huyện Quế Phong và Quỳ Châu cho kết quả, cây sinh trưởng phát triển tốt, không bị sâu bệnh.

Một số mô hình nuôi thủy sản đạt kết quả cao như: nuôi cá leo trong ao đất triển khai ở Nghi Lộc. Đây là đối tượng lần đầu tiên được đưa vào nuôi trong ao đất tại Nghệ An với những thuận lợi về nguồn nước và cá tạp làm thức ăn cho cá, ngoài thức ăn công nghiệp. Chỉ trong vòng 5 tháng nuôi, mô hình đã cho khoản lợi nhuận sau khi trừ chi phí đạt 70 triệu đồng/ha ao. Đây là nguồn thu lớn gấp nhiều lần so với nuôi các đối tượng cá truyền thống (mè, trôi, trắm …) và trên 10 lần so với trồng lúa. Thành công của mô hình có thể khẳng định đối tượng cá leo rất phù hợp với điều kiện thời tiết Nghệ An, mô hình rất cần được nhân ra diện rộng ở các địa phương chủ động nguồn nước ngọt.

Cùng với việc xây dựng mô hình trình diễn, các trạm khuyến nông còn tích cực tổ chức hội thảo đầu bờ, đầu chuồng và mở hàng trăm lớp tập huấn khuyến nông, khuyến cáo bà con nông dân nhân rộng các mô hình tiên tiến áp dụng vào sản xuất.

Mô hình trồng dưa hấu ở xã Diễn Thành (Diễn Châu). Ảnh: XH

Hiệu quả trong các mô hình mà các trạm khuyến nông thực hiện thực sự đã đem đến hiệu quả thiết thực cho nông dân. Từ các mô hình, đến nay nhiều huyện, nhiều xã đã nhân rộng. Điển hình như mô hình chăn nuôi dê ở Quỳ Hợp; gà ở Tân Kỳ, Quế Phong; cây rễ hương ở Quỳ Châu…

Bên cạnh những mô hình đã mang lại hiệu ích thiết thực thì công tác khuyến nông cũng bộc lộ một số hạn chế, như mô hình chưa phù hợp với vùng miền, chưa sát thực với điều kiện phát triển kinh tế của địa phương. Tồn tại lớn nhất là các mô hình tuy có hiệu ích kinh tế cao, nhưng chỉ dừng lại ở công tác tuyên truyền chứ chưa được nhân ra trên diện rộng. Một số xã khi khuyến cáo nông dân nhân rộng mô hình thì gặp phải thời tiết khắc nghiệt, thiên tai, dịch bệnh khiến bà con nhụt chí quay lại sanr xuất theo tập quán cũ. Nhiều nơi nông dân cũng muốn thực hiện theo mô hình tiến bộ, nhưng lại trông chờ vào nguồn kinh phí của Nhà nước. Hạn chế lớn khi nông dân thực hiện mô hình là cây, con giống không biết mua ở đâu cho đạt tiêu chuẩn. Và, sản phẩm hàng hóa khi làm ra có tiêu thụ hết hay không?.

Đình Nguyên – Ngọc Thăng

Tags: , ,
CHIA SẺ