Tạo vùng nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến gỗ

BVR&MT – Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030 đặt mục tiêu tỷ lệ che phủ rừng đạt 42-43%, giá trị sản xuất tăng 5-5,5%, đến năm 2030 giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 23-25 tỷ USD.

Khai thác gỗ rừng trồng tại Công ty TNHH Một thành viên U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau. (Ảnh VĂN SINH)

Ngành lâm nghiệp cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 đạt 1 triệu héc-ta rừng trồng gỗ lớn, tạo vùng nguyên liệu bền vững cho ngành công nghiệp chế biến gỗ phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.

Nâng cao chất lượng rừng

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, hiện nay mặc dù nguồn nguyên liệu gỗ đã đáp ứng được hơn 70% nhu cầu chế biến gỗ xuất khẩu, nhưng thực tế tính ổn định và bền vững còn thấp do chất lượng cây trồng chưa cao.

Theo Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các địa phương đang gặp khó khăn trong công tác trồng rừng, nhất là trồng rừng gỗ lớn chất lượng cao do quỹ đất quy hoạch quy mô nhỏ, nhiều nơi manh mún, phân tán, không liền vùng.

Trồng rừng gỗ lớn cần thời gian dài, trong khi người dân thiếu vốn hoặc muốn thu hồi tiền nhanh để phát triển kinh tế nên đây cũng là một trong những rào cản lớn.

Trồng rừng gỗ lớn cũng gặp nhiều rủi ro như gió bão, thiên tai, gây thiệt tại cho nông dân, trong khi việc liên kết giữa các doanh nghiệp với người trồng rừng còn hạn chế, việc huy động tài chính đầu tư cho trồng rừng cũng gặp khó khăn do khó tiếp cận với nguồn tín dụng ưu đãi.

Khan hiếm nguồn cung từ trồng rừng sản xuất dẫn đến việc các doanh nghiệp chế biến gỗ đang gặp nhiều khó khăn trong việc thu mua gỗ nguyên liệu.

Do vậy, để khắc phục tình trạng này, các doanh nghiệp cần sớm xây dựng phương án phát triển hợp tác theo chuỗi giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp; đồng thời, đẩy mạnh các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với người trồng rừng có chứng nhận quản lý rừng bền vững tại các địa phương.

Ðây là những tiền đề quan trọng để thúc đẩy ngành sản xuất gỗ và các sản phẩm gỗ phát triển ổn định, bền vững đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Ðể nhanh chóng bù lấp sự thiếu hụt nguồn nguyên liệu gỗ, không có giải pháp nào tốt hơn là phát triển rừng sản xuất có chất lượng cao, rừng có chứng chỉ bền vững do các tổ chức quốc tế và trong nước có thẩm quyền cấp.

Đến nay, theo thống kê của Cục Lâm nghiệp, diện tích rừng của các địa phương đã tăng lên khá nhanh. Diện tích rừng toàn quốc hiện có khoảng 14,74 triệu héc-ta, trong đó rừng trồng chiếm 4,57 triệu héc-ta (31%), rừng tự nhiên chiếm 10,17 triệu héc-ta (69%). Cùng với tạo ra việc làm cho hàng triệu hộ nông dân, rừng trồng sản xuất đã mang lại nguồn cung cấp chính cho công nghiệp chế biến gỗ và xuất khẩu.

Phó Giám đốc Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam Trần Lâm Đồng cho biết, nước ta là quốc gia tiếp cận chứng chỉ rừng khá sớm, từ năm 2006 đã có những khu rừng đầu tiên được cấp Chứng chỉ rừng bền vững quốc tế (FSC).

Năm 2018, Chính phủ đã phê duyệt Đề án Quản lý rừng bền vững, trong đó giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia của Việt Nam (VFCS). Hệ thống VFCS được xây dựng theo các tiêu chuẩn và yêu cầu của Hệ thống chứng chỉ rừng quốc tế (PEFC), được PEFC công nhận, cho phép sử dụng nhãn mác và vận hành.

Tính đến cuối năm 2023, tổng diện tích rừng của Việt Nam cả 2 loại chứng chỉ VFCS/PEFC và FSC gần 500.000 ha; trong đó có 152.000 ha chứng chỉ rừng VFCS/PEFC. Việc tăng nhanh diện tích rừng sản xuất có chứng chỉ bền vững là cơ sở bảo đảm cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu đạt hiệu quả cao.

Đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn

Muốn có ngành công nghiệp gỗ mạnh, đủ sức cạnh tranh cần phải tập trung phát triển hiệu quả nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, có chứng chỉ quản lý rừng bền vững và chất lượng cao.

Phát huy tiềm năng, lợi thế đất đai, loài cây phù hợp với điều kiện sinh thái, hiện nhiều địa phương đã tập trung phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn, nâng cao năng suất, chất lượng rừng gắn với quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng; cung cấp nguyên liệu hợp pháp có chất lượng cho chế biến, tăng thu nhập cho người trồng rừng.

Rừng đã được sử dụng hiệu quả kinh phí hỗ trợ của ngân sách nhà nước; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư vào phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn theo các cơ chế, chính sách về lâm nghiệp, đất đai, tín dụng, thuế, thị trường, hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Kế hoạch phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn giai đoạn 2024-2030.

Theo đó, đến năm 2030, tổng diện tích rừng trồng sản xuất gỗ lớn đạt khoảng 1 triệu héc-ta, trong đó duy trì diện tích rừng trồng gỗ lớn hiện có là 500.000 ha và phát triển mới giai đoạn 2024-2030 khoảng 450.000-550.000 ha.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cho biết, theo kế hoạch, ngành lâm nghiệp và các địa phương sẽ nâng cao năng suất rừng trồng thâm canh cây keo, bạch đàn và các loài cây lâm nghiệp khác trung bình đạt 20m3/ha/năm vào năm 2025 và 22m3/ha/năm vào năm 2030; giá trị thu nhập từ rừng trồng sản xuất tăng bình quân khoảng 1,5-2 lần/đơn vị diện tích so với năm 2020; nâng cao chuỗi giá trị sản xuất lâm nghiệp.

Cùng với đó, tập trung rà soát quỹ đất và rừng trồng kinh doanh gỗ nhỏ hiện có đủ điều kiện để trồng mới, trồng lại rừng sản xuất gỗ lớn.

Rà soát diện tích rừng trồng sản xuất hiện có theo loài cây, tuổi cây, loại đất để chuyển hóa từ rừng trồng sản xuất gỗ nhỏ sang rừng trồng kinh doanh gỗ lớn. Duy trì khoảng 500.000 ha rừng trồng gỗ lớn hiện có, phát triển mới khoảng 450.000-550.000 ha rừng trồng sản xuất gỗ lớn tại 6 vùng kinh tế xã hội.

Ngành lâm nghiệp cùng các địa phương hiện đang tập trung rà soát, đánh giá diện tích đất trống và rừng trồng sản xuất hiện có để xác định diện tích đất có điều kiện phù hợp để trồng mới, trồng lại rừng theo hướng thâm canh để kinh doanh gỗ lớn; rà soát, đánh giá diện tích rừng trồng sản xuất, kinh doanh gỗ nhỏ hiện có để xác định diện tích rừng có thể chuyển hóa để kinh doanh gỗ lớn; chăm sóc, nuôi dưỡng, trồng lại (sau khai thác) để duy trì 500.000 ha rừng trồng gỗ lớn hiện có; xây dựng vùng nguyên liệu gỗ gắn với các cơ sở chế biến để thực hiện chuyển hóa rừng trồng và trồng rừng thâm canh gỗ lớn.

Đồng thời, tổ chức thực hiện trồng và chuyển hóa rừng trồng sản xuất gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn hằng năm trong giai đoạn 2024-2030, xác định rõ địa điểm trồng và loài cây trồng.

Cùng với việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về lâm nghiệp, quản lý rừng bền vững, chuỗi giá trị lâm sản, các sản phẩm gỗ phải đáp ứng yêu cầu phát triển lâm nghiệp bền vững, thương mại lâm sản đáp ứng các cam kết quốc tế.

Để xây dựng các vùng trồng rừng sản xuất gỗ lớn, chất lượng cao, các địa phương, doanh nghiệp phải tổ chức sản xuất liên kết gắn với quản lý rừng bền vững.

Phát triển kinh tế lâm nghiệp theo chuỗi, đồng bộ, từ trồng rừng, khai thác, chế biến đến tiêu thụ phù hợp quy mô, trình độ sản xuất và đặc điểm, lợi thế của từng ngành hàng, từng vùng; gắn với phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung.

Phát triển các hình thức hợp tác giữa các thành phần kinh tế trong lâm nghiệp, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp và người trồng rừng; kết nối các hội, hiệp hội ngành hàng, nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và người làm nghề rừng.

Tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh đa dạng, gắn trồng rừng sản xuất gỗ lớn với công nghiệp chế biến và thương mại lâm sản theo chuỗi giá trị để phát triển hiệu quả, bền vững các vùng nguyên liệu gỗ chất lượng cao để phục vụ ngành công nghiệp chế biến gỗ đang ngày càng phải cạnh tranh gay gắt với thị trường…

Tags:
CHIA SẺ