Tạo động lực giúp người dân giữ rừng

BVR&MT  – Giao rừng cho cộng đồng, hộ gia đình quản lý là chủ trương, cách làm hợp lý trước yêu cầu nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng hiện nay. Tuy nhiên, để người dân yên tâm bảo vệ rừng thì các chính sách liên quan, nhất là kinh phí hỗ trợ bảo vệ rừng phải được bảo đảm và kịp thời. Tại Quảng Bình, 2 năm nay, kinh phí hỗ trợ bảo vệ rừng tự nhiên chưa được cấp nên công tác quản lý rừng tại cộng đồng gặp nhiều khó khăn, rừng tự nhiên bị khai thác trái phép.

Lực lượng chức năng huyện Minh Hóa (Quảng Bình) kiểm tra hiện trường vụ phá rừng ở xã Thượng Hóa.

Minh Hóa là địa phương dẫn đầu của tỉnh Quảng Bình về thực hiện mô hình giao rừng cộng đồng. Những năm qua, các cộng đồng có nhiều nỗ lực bảo vệ rừng, hạn chế được nạn phá rừng trái phép. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số nơi trở thành “điểm nóng” về nạn phá rừng do cộng đồng bảo vệ chưa được cấp kinh phí hoạt động, khiến người dân lơ là với nhiệm vụ bảo vệ rừng.

Mất rừng do thiếu kinh phí

Đầu tháng 4/2022, Hạt Kiểm lâm huyện Minh Hóa chỉ đạo Trạm Kiểm lâm xã Thượng Hóa phối hợp UBND xã Thượng Hóa, Đồn Biên phòng Cà Xèng và chủ rừng là các Ban quản lý rừng cộng đồng bản Phú Minh và thôn Phú Nhiêu, xã Thượng Hóa kiểm tra rừng tại một số khu vực, đã phát hiện 21 cây gỗ có đường kính gốc 35-80cm bị chặt hạ trái phép. Lâm sản còn tại hiện trường hơn 6m3 gỗ tròn thông thường. Loại rừng bị khai thác là rừng tự nhiên, chức năng là rừng sản xuất và có một phần là rừng phòng hộ. Tiếp đó, cuối tháng 4, tổ công tác liên ngành huyện Minh Hóa kiểm tra một số khu vực rừng tại Thượng Hóa phát hiện thêm 10 cây gỗ bị chặt hạ trái phép.

Hạt Kiểm lâm huyện Minh Hóa đã trưng cầu giám định tư pháp vụ việc và theo kết luận giám định của Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình thì số lượng lâm sản bị thiệt hại là 31 cây, với khối lượng 82m3 gỗ tròn thông thường từ nhóm II đến nhóm VIII, đa số bị lấy đi. Hiện trường chỉ còn lại gốc, bìa bắp và 39,7m3 trong đó có một số khúc bị sâu bọng, mục ruột lâm tặc bỏ lại.

Theo Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Minh Hóa Nguyễn Công Chung, khu vực rừng bị khai thác trái phép đều do các Ban quản lý rừng cộng đồng thôn, bản quản lý và một số diện tích do UBND xã Thượng Hóa tạm quản lý. Để xảy ra sự việc này chứng tỏ trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp của địa phương chưa cao. UBND huyện Minh Hóa đã chỉ đạo xã Thượng Hóa làm rõ trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến vụ khai thác rừng trái pháp luật xảy ra trên địa bàn quản lý. “Rừng được giao cho cộng đồng bảo vệ, quản lý nhưng hai năm nay chưa được cấp kinh phí cho nên chủ rừng còn lỏng lẻo, lơ là với diện tích rừng được giao, từ đó rừng bị khai thác trái phép mà không hay biết” – Hạt trưởng Nguyễn Công Chung nói.

Đại diện lãnh đạo UBND xã Thượng Hóa cho biết, năm 2014, được sự hỗ trợ của dự án vùng đệm Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, xã thành lập hai ban quản lý rừng cộng đồng, trong đó thôn Phú Nhiêu quản lý 190ha rừng tự nhiên, bản Phú Minh quản lý hơn 800ha rừng và đất lâm nghiệp. Giai đoạn 2014-2019, các ban quản lý rừng cộng đồng hoạt động dựa trên nguồn kinh phí do dự án vùng đệm Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng hỗ trợ.

Đo đạc cây gỗ lớn bị chặt phá ở xã Thượng Hóa.

Sau khi dự án dừng hoạt động, năm 2020, UBND huyện Minh Hóa cấp nguồn kinh phí khoán bảo vệ rừng theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020, với số tiền 300.000 đồng/ha (thấp hơn so với mức tối thiểu theo quy định là 400.000 đồng/ha). Năm 2021 và 2022, các ban quản lý rừng cộng đồng không có nguồn kinh phí hoạt động nên việc huy động các thành viên tham gia tuần tra, bảo vệ rừng gặp khó khăn.

Trưởng Ban quản lý rừng cộng đồng bản Phú Minh, xã Thượng Hóa Thái Xuân Hồng cho rằng, những năm có nguồn kinh phí hỗ trợ bảo vệ rừng, Ban tổ chức, phân công tuần tra, kiểm tra rừng thường xuyên, do đó kịp thời phát hiện các vụ khai thác rừng trái phép trên lâm phận quản lý. Từ năm 2021 đến nay, do không được cấp kinh phí nên việc huy động các thành viên đi tuần tra rừng khó khăn và thiếu thường xuyên.

Gỡ khó để chung tay bảo vệ rừng

Năm 2014, dự án vùng đệm Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng đã hỗ trợ huyện Minh Hóa thành lập 11 cộng đồng dân cư tại bốn xã là Thượng Hóa, Dân Hóa, Trọng Hóa và Trung Hóa để bảo vệ hơn 4.100ha rừng cộng đồng. Mỗi ban quản lý rừng cộng đồng có 5-10 người và 2-3 tổ chuyên trách với 25-30 hộ chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương tham gia bảo vệ rừng. Ngoài các cộng đồng dân cư ở trên, trên địa bàn còn có các cộng đồng dân cư khác đã được UBND huyện Minh Hóa giao đất, giao rừng để quản lý, bảo vệ với diện tích hơn 7.000ha. Sau khi dự án khu vực vùng đệm Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng kết thúc, các cộng đồng này được Nhà nước hỗ trợ kinh phí bảo vệ rừng theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 9/9/2015 của Chính phủ và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Minh Hóa Nguyễn Công Chung cho biết, thời gian qua, các cộng đồng dân cư đã phối hợp với lực lượng chức năng và chính quyền địa phương bảo vệ tốt diện tích rừng trên địa bàn. Các nguồn kinh phí hỗ trợ bảo vệ rừng tự nhiên hằng năm đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng của các cộng đồng dân cư, hạn chế được tình trạng xâm hại rừng cộng đồng. Tính riêng năm 2020, các nguồn kinh phí hỗ trợ cho các cộng đồng dân cư gần 4 tỷ đồng phục vụ công tác bảo vệ rừng. Nhờ các nguồn kinh phí này, cộng đồng dân cư ở bốn xã của huyện Minh Hóa đã chủ động bố trí lực lượng tham gia tuần tra, kiểm tra rừng, cũng như chi cho các hoạt động liên quan đến bảo vệ rừng. Nhiều vụ phá rừng đã được chủ rừng chủ động ngăn chặn, hoặc báo chính quyền địa phương, kiểm lâm địa bàn ngăn chặn kịp thời.

Tuy nhiên, trong hai năm nay, các nguồn kinh phí trên chưa được các bộ, ngành Trung ương bố trí kịp thời nên công tác quản lý, bảo vệ rừng của các ban quản lý rừng cộng đồng gặp nhiều khó khăn. Lợi dụng thực tế này, một số đối tượng lén lút vào rừng khai thác gỗ trái phép. Mặt khác, đại dịch Covid-19 khiến nhiều người dân địa phương đi làm ăn xa phải trở về quê, từ đó gây áp lực không nhỏ cho công tác quản lý, bảo vệ rừng. Bên cạnh nguồn kinh phí hoạt động cho các ban quản lý rừng cộng đồng thiếu thường xuyên, đầy đủ, thì việc tạo ra các mô hình sinh kế cho người dân nâng cao thu nhập từ nghề rừng chưa được chính quyền các cấp quan tâm, hỗ trợ đã dẫn đến các chủ rừng chưa tập trung cao độ cho công tác quản lý, bảo vệ diện tích rừng được giao.

Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình Nguyễn Văn Long cho biết thêm, Quảng Bình là địa phương có độ che phủ rừng đứng thứ hai toàn quốc song hiện nay, nguồn kinh phí bảo vệ rừng tự nhiên chưa được Trung ương cấp nên ảnh hưởng trực tiếp đến công tác quản lý, bảo vệ rừng. Không chỉ là số tiền chi trả cho các cộng đồng giữ rừng mà kinh phí bảo vệ rừng của các ban quản lý rừng phòng hộ năm 2022 của tỉnh Quảng Bình cũng chưa được chuyển về. Trong khi đó, ngân sách địa phương hạn hẹp nên chưa đáp ứng được yêu cầu cho công tác này. Đây là bài toán khó trong việc giữ bình yên những cánh rừng tự nhiên ở Quảng Bình hiện nay