BVR&MT – Huyện M’Drắk là địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn của tỉnh Đắk Lắk được thụ hưởng chính sách của Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững của Chính phủ.
Trong những năm qua, từ nguồn vốn của chương trình, địa phương đã triển khai xây dựng, sửa chữa nhiều dự án hạ tầng giao thông. Hệ thống giao thông dần hoàn thiện đã góp phần tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội và đánh thức tiềm năng, thế mạnh của huyện nghèo M’Drắk.
Đường thông, nông dân phấn khởi
Từ năm 2018 đến nay, xã Ea Lai, huyện M’Drắk được bố trí hơn 60 tỷ đồng vốn từ chương trình 30a để xây dựng hạ tầng giao thông. Những con đường liên xã, liên thôn, buôn được hình thành đã giúp “mạch máu” kinh tế được thông suốt. Nông dân vùng hưởng lợi vô cùng phấn khởi khi nông sản làm ra được thu mua, vận chuyển thuận lợi, việc tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục… cũng tốt hơn giúp đời sống các dân tộc anh em ngày càng được cải thiện.
Phấn khởi trước sự đổi thay của buôn làng, ông Y Gió Byă, buôn Chư Prao, xã Ea Lai, huyện M’Drắk, tỉnh Đắk Lắk cho biết, những năm trước đây, đường xá đi lại rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa các tuyến đường lầy lội khó lưu thông, hoạt động giao thương trì trệ nên kinh tế chậm phát triển, kéo theo đời sống nhân dân ít chuyển biến. Thế nhưng, trong những năm gần đây, nhờ thụ hưởng các chính sách ưu đãi của Trung ương và tỉnh, các tuyến đường liên xã, liên thôn, buôn được đầu tư bê tông hóa không chỉ làm thay đổi diện mạo nông thôn mà còn giúp bà còn lưu thông nông sản, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, từng bước ổn định đời sống.
Cũng chung niềm vui trên, chị Nguyễn Thị Mỹ, thôn 3, xã Ea Lai, huyện M’Drắk, tỉnh Đắk Lắk chia sẻ, trước đây, hệ thống giao thông chưa được đầu tư, kết nối thì nông sản làm ra luôn bị thương lái ép giá vì chi phí thu mua, vận chuyển tăng cao, thậm chí có những vụ mùa làm ra nông sản nhưng không thể đem bán cho thương lái do khó khăn trong di chuyển. Tuy nhiên, từ năm 2019 hệ thống giao thông được đầu tư mạnh, nhất là nối xã đến trung tâm huyện và đến các tỉnh khác đã giúp sản xuất, tiêu thụ nông sản của nông dân được thuận lợi. Thương lái vào tận rẫy để thu mua hoặc người dân có thể vận chuyển nông sản đến các điểm thuận lợi để giao dịch. Điều này góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương khiến nông dân vô cùng phấn khởi.
Chủ tịch UBND xã Ea Lai Vũ Đức Nhân cho biết, toàn xã có 11 thôn và 1 buôn đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế chủ lực là nông, lâm nghiệp, do đó việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông có ý nghĩa quan trọng trong lưu thông hàng hóa và gia tăng giá trị nông sản. Từ năm 2018 đến nay, triển khai thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững của Chính phủ địa phương đã được thụ hưởng nguồn vốn từ chương trình để đầu tư hình thành các tuyến giao thông chính nhằm phục vụ lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế – xã hội của nhân dân xã nhà.
Hiện địa phương đang được tiếp tục đầu tư các tuyến đường giao thông liên thôn, buôn và vào tận vùng sản xuất để tăng sự kết nối giao thông nhằm “đánh thức” tiềm năng, thế mạnh là sản xuất nông nghiệp với các vùng trồng cây ăn trái, trồng rừng và chăn nuôi quy mô lớn. Hy vọng, trong thời gian tới hạ tầng giao thông tiếp tục được hoàn thiện sẽ tạo động lực cho địa phương phát triển kinh tế – xã hội, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững, phấn đấu đến năm 2025 thoát nghèo theo kế hoạch đã đề ra. Ông Vũ Đức Nhân cho hay.
Tạo động lực thoát nghèo
Giai đoạn 2018-2020 huyện M’Drắk được đầu tư gần 130 tỷ đồng; trong đó, vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông là 49 công trình với hơn 100 tỷ đồng từ Chương trình 30a của Chính phủ; giai đoạn 2021-2025 huyện tiếp tục được đầu tư hơn 1.241 tỷ đồng để hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững; trong đó, tiếp tục đầu tư 6 tuyến đường giao thông trên địa bàn để hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông nhằm kết nối các thôn, buôn vùng sâu, vùng xa và kết nối với các vùng, miền tạo “đòn bẩy” để bức phá trong phát triển kinh tế – xã hội với mục tiêu đưa huyện M’Drắk thoát nghèo vào năm 2025.
Ông Lê Văn Thao, Phó chủ tịch UBND huyện M’Drắk, tỉnh Đắk Lắk đánh giá, từ khi được thụ hưởng chương trình 30a của Chính phủ, địa phương đã quyết liệt trong triển khai thực hiện với mục tiêu phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn từ chương trình để chính sách thật sự đi vào cuộc sống và góp phần xóa đói, giảm nghèo cho huyện đặc biệt khó khăn, nhất là ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện.
“Từ nguồn vốn của chương trình, địa phương đã triển khai các dự án phát triển kinh tế với nhiều mô hình kinh tế nông, lâm nghiệp hiện nay đã đem lại hiệu quả và có thể nhân rộng ra nhiều khu vực. Đặc biệt, từ nguồn vốn của chương trình 30a hệ thống giao thông của huyện dần được hoàn thiện theo hướng tăng cường sự kết nối từ các vùng sâu, vùng xa, các thôn, buôn và xã khó khăn đến trung tâm huyện và liên kết với các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam trung bộ. Từ đó, tạo động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục lồng ghép có hiệu quả các dự án từ chương trình 30a và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm góp phần phát huy hiệu quả nguồn vốn để từng bước đưa địa phương thoát nghèo vào năm 2025”. Ông Lê Văn Thao nhấn mạnh.
Để góp phần hỗ trợ huyện M’Drắk thoát nghèo, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đề ra Kế hoạch số 54/KH-UBND, ngày 3/4/2023 về hỗ trợ huyện M’Drắk thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022 – 2025; trong đó, mục tiêu chung là giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; giảm dần khoảng cách giàu nghèo giữa các địa phương; hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới; phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 4-5%/năm; tỷ lệ nghèo đa chiều giảm bình quân từ 6-7%/năm; thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đến năm 2025 phấn đấu đạt từ 40-45 triệu đồng/người/năm; phấn đấu giảm tỷ lệ xã đặc biệt khó khăn trong tổng số đơn vị hành chính cấp xã còn 7/13 xã, chiếm tỷ lệ 53,85%.
Tỉnh Đắk Lắk cũng yêu cầu huyện M’Drắk và các đơn vị liên quan tiếp tục ưu tiên bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương để xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu; bổ sung thêm chính sách giảm nghèo đặc thù của địa phương nhằm hỗ trợ cho người nghèo, đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống tại các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn; kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm liên quan đến việc thực hiện các chính sách, chương trình; tập trung phối hợp thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án, hỗ trợ sinh kế, phát triển sản xuất và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn và chính sách định hướng nghề nghiệp cho người dân trên địa bàn các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn…