Tăng thu nhập từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng

BVR&MT –  Xác định nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích là chìa khoá cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó, việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng đang là một trong những giải pháp hiệu quả để nâng cao giá trị sản xuất trên một diện tích.

Các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt hiệu quả kinh tế cao ngày càng được nhân rộng, góp phần tăng thu nhập và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân…

Mô hình chuyển đổi trồng mít Thái thay cây cam sành của gia đình anh Nông Quốc Doanh tại thôn Mường, xã Phù Lưu (Hàm Yên, Tuyên Quang) cho thu nhập 300 triệu đồng/năm.

Từ lâu xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang nổi tiếng là vùng chuyên canh sản xuất cam sành. Sau nhiều năm khai thác, một số diện tích cam sành ở xã Phù Lưu đã già cỗi, năng suất thấp ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Trước thực tế đó, nhiều hộ trồng cam ở Phù Lưu đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tăng thu nhập.

Gia đình anh Nông Quốc Doanh, thôn Mường, xã Phù Lưu là một trong những hộ tiên phong chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại xã. Nhận thấy cây mít Thái phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, năm 2019 anh Doanh đã quyết định trồng mít Thái thay thế những cây cam sành già cỗi, năng suất thấp trên diện tích 12ha của gia đình. Sau hơn 3 năm trồng và chăm sóc, cây mít Thái của gia đình anh đã cho thu hoạch và mang lại thu nhập ổn định.

Anh Nông Quốc Doanh, thôn Mường, xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên chia sẻ, so với cây cam, mít Thái dễ trồng, dễ chăm sóc, chịu hạn tốt hơn, chủ yếu dùng phân hữu cơ, được thị trường ưa chuộng. Cây trồng từ 12 – 18 tháng đã bói quả, từ 24 tháng trở lên chất lượng quả tốt nhất, trọng lượng trên 10 kg/ quả. Khi cây được 3 năm tuổi trở lên, trung bình mỗi cây có thể cho năng suất 70 kg quả/ năm. Dự kiến năm nay, gia đình anh

Doanh sẽ thu hoạch từ 45 – 50 tấn quả, trừ hết chi phí thu lãi khoảng 300 triệu đồng.

Đầu năm 2022, gia đình chị Ma Thị Nguyên, thôn Lăng Đán, xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên đã mạnh dạn đưa cây măng tây về trồng thay thế cho cây chanh trên diện tích 8 sào đất vườn của gia đình. Để cây măng tây sinh trưởng và phát triển tốt, giảm thiểu công chăm sóc, chị đã đầu tư hệ thống tưới nước tự động và áp dụng sản xuất theo hướng hữu cơ để nâng cao giá trị. Sau 6 tháng trồng, cây măng tây đã cho thu hoạch.

Mô hình trồng cây măng tây thay thế cây chanh của gia đình chị Ma Thị Nguyên tại thôn Lăng Đán, xã Phù Lưu (Hàm Yên, Tuyên Quang) cho thu nhập gần 400 triệu đồng/năm.

Chị Nguyên cho biết, trung bình, mỗi sào măng tây chi phí đầu tư khoảng 8 triệu đồng, gồm tiền giống, phân bón, dây buộc, cây chống… nhưng trồng một lần có thể cho thu hoạch từ 5 năm đến 7 năm. Khi cây măng tây đã trưởng thành sẽ cho thu hoạch rất đều. Với giá bán 100 nghìn đồng/1kg măng tây như hiện nay, mỗi tháng chị Nguyên thu về khoảng 45 triệu đồng từ bán măng. So với trồng chanh, cây măng tây cho thu nhập cao gấp khoảng 20 lần.

Ông Đỗ Đình Quý, Phó Chủ tịch UBND xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang cho biết, hiện nay trên địa bàn xã có một số mô hình kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế cao, UBND xã cũng đã khuyến khích các thôn bản, các hộ gia đình đến tham quan học tập, từ đó nhân rộng ra các mô hình, trồng các loại cây phù hợp có giá trị kinh tế cao nhằm nâng cao thu nhập cho người dân trên diện tích đất vườn tạp, đất bạc màu, đất lúa kém hiệu quả.

Ông Trần Hải Tuyên, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang cho biết, năm 2023 Sở đang tham mưu trình UBND tỉnh kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa sang các loại cây trồng khác với tổng diện tích trên 649 ha; trong đó, chuyển đổi sang trồng cây hằng năm hơn 203 ha; chuyển đổi sang trồng cây lâu năm trên 340 ha; chuyển đổi sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản hơn 105ha.

Để nâng cao giá trị kinh tế trên một diện tích, hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang đang tổ chức rà soát, đánh giá những diện tích đất đai thích hợp trồng các cây trồng chủ lực, cây trồng đặc sản của địa phương để hướng dẫn nhân dân lựa chọn trồng các cây trồng phù hợp với từng vùng chuyển đổi, từng chất đất, tập quán sản xuất cũng như nhu cầu của thị trường.

Từ năm 2019 đến nay Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang đã tham mưu với Uỷ ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng Nhân dân tỉnh ban hành 4 Nghị quyết quy định các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, như: Cải tạo giống cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ phát triển hợp tác xã, trang trại; hỗ trợ áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; hỗ trợ áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, hỗ trợ xây dựng hạ tầng sản xuất …

Cùng với đó, đơn vị đẩy mạnh áp dụng các giống cây trồng mới có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu với sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, luân canh, xen canh… để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hoá hiệu quả và bền vững.

Bên cạnh đó, đơn vị cũng tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan và các địa phương giới thiệu, quảng bá những lợi thế, tiềm năng về đất đai, khí hậu của địa phương để thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tìm hiểu đầu tư liên kết sản xuất. Đồng thời, tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ để nhân dân áp dụng vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm; phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức quảng bá, giới thiệu nông sản hàng hoá của tỉnh để nhanh chóng mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

NGUỒNbaotintuc.vn
Tags:
CHIA SẺ