Tăng lương tối thiểu từ 1/7/2022 là phương án tối ưu?

BVR&MT – 8 hiệp hội đã có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ lùi thời điểm tăng lương tối thiểu vùng (LTTV) đến ngày 1/1/2023; trong khi đó phía đại diện người sử dụng lao động và người lao động (NLĐ) cho rằng không thể kéo dài sự chậm trễ này bởi NLĐ đang rất khó khăn.

Tăng 6%, từ 1/7/2022 là rất chia sẻ với doanh nghiệp

Trong công văn hỏa tốc gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc kiến nghị áp dụng tăng LTTV từ 1/1/2023, 8 hiệp hội cho rằng, ngày 12/4/2022, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp và chốt tăng LTTV từ ngày 1/7/2022, mức 6%. Nhận thấy thời điểm áp dụng tăng LTTV từ ngày 1/7/2022 sẽ khiến các DN gặp rất nhiều khó khăn nên các hiệp hội đề nghị Thủ tướng xem xét và cân nhắc lùi thời điểm tăng LTTV, áp dụng từ ngày 1/1/2023 nhằm tạo điều kiện cho các DN có thời gian chuẩn bị tốt nhất.

8 hiệp hội kiến nghị Thủ tướng xem xét và cân nhắc lùi thời điểm tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1/2023 nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị tốt nhất. Ảnh: Phạm Hùng.

Trao đổi với Kinh tế và Đô thị về kiến nghị của 8 hiệp hội đề nghị lùi thời điểm tăng LTTV từ ngày 1/1/2023, Phó Trưởng Ban Chính sách – Pháp luật, Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam Lê Đình Quảng cho rằng: Khi Hội đồng Tiền lương quốc gia họp 2 phiên năm 2022, những lý do của các hiệp hội đưa ra đều đã được Hội đồng thảo luận và phân tích, đánh giá tất cả các mặt tác động tích cực và tiêu cực khi tăng LTTV và thấy đúng là có những áp lực cho DN. Nhưng khi tăng LTTV thì DN thuận lợi hơn; bởi thực tế trong bối cảnh hiện nay, không chỉ ở Việt Nam mà hầu hết các nước trên thế giới, càng dịch bệnh khó khăn thì càng phải tăng lương tối thiểu, đó là bài học để giải quyết khó khăn cho DN. Nhất là trong bối cảnh chúng ta đang thu hút NLĐ quay trở lại thị trường lao động. “Chúng tôi biết là có những mặt tác động khó khăn cho DN như các hiệp hội nói nhưng mình phải tính phương án tối ưu, cái gì thuận lợi nhất trong bối cảnh này thì cân nhắc” – ông Lê Đình Quảng nhấn mạnh.

Trong khi đó, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng LĐLĐ Việt Nam Vũ Minh Tiến đặt vấn đề: Nếu từ 1/7/2022 thực hiện tăng LTTV thì sau 18 tháng chúng ta mới điều chỉnh tiền lương tối thiểu 6% cho 18 tháng tiếp theo. Tôi cho rằng, đây là sự rất chia sẻ của NLĐ và Nhà nước đối với DN, không còn lý do gì để kéo dài sự chậm trễ này được nữa. Điều tra của Viện Công nhân và Công đoàn trong đầu năm 2022 có 81,4% DN nói rằng hoàn toàn có thể điều chỉnh được tiền LTTV từ ngày 1/7/2022. Với các nguy cơ rủi ro mà Hội đồng Tiền lương quốc gia tính toán, 17 thành viên đã đồng thuận rất cao về điều chỉnh LTTV. Cụ thể 17/17 phiếu (100% thành viên của Hội đồng) đồng ý tăng LTTV mức 6% và 15/17 phiếu nhất trí tăng LTTV từ ngày 1/7/2022.

Nếu kéo dài không tăng lương, có thể gây ra nguy cơ bất ổn

Ngay khi biết thông tin Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất tăng LTTV 6% từ ngày 1/7/2022, rất nhiều NLĐ phấn khởi, dù rằng mức tăng chưa được như nguyện vọng của họ. Nhưng NLĐ chấp nhận sự chia sẻ bởi trong bối cảnh hiện nay đại dịch Covid-19, NLĐ đang rất khó khăn. “Khoảng thời gian vừa rồi, công nhân cực kỳ khó khăn, DN cũng khó khăn. Nhiều công nhân bị Covid-19 ở nhà điều trị, chi phí điều trị khi bị bệnh và hậu Covid-19 là không nhỏ. Bản thân gia đình tôi cũng rất khó khăn, gần như lĩnh lương để trang trải những khoản trước đó đã chi tiêu, không có tích lũy” – Chủ tịch Công đoàn Công ty May liên doanh Plummy Hà Thị Phương Anh cho hay.

Là cán bộ Công đoàn công ty nên chị Phương Anh hiểu DN cũng có cái khó khi tăng LTTV. Nhưng, DN muốn phát triển, yếu tố nòng cốt đó là NLĐ có sức khỏe tốt, tâm thế tốt thì hoạt động sản xuất, kinh doanh mới có hiệu quả. Để có nguồn tiền tăng LTTV, các DN có thể khắc phục bằng cách: Thay vì tăng ca nhiều, chủ sử dụng lao động tăng lương cho NLĐ để họ có động lực sản xuất; và hiệu quả công việc cũng tương đối so với thời gian NLĐ tăng ca.

Phó Trưởng Ban Chính sách – Pháp luật Lê Đình Quảng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay đang thiếu hụt nguồn lao động, nếu các DN không thay đổi cách quản trị, áp dụng công nghệ, tăng lương cho NLĐ thì buộc phải đóng cửa, đây là quy luât tất yếu đào thải. Cũng giống như xã hội có những DN ốm yếu phải dời khỏi thị trường để các đơn vị khác phát triển. “Nếu kéo dài việc không tăng LTTV sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của NLĐ cũng như có thể gây ra những nguy cơ bất ổn trong thời gian tới. 6 tháng vừa rồi, chúng ta chứng kiến nhiều vụ ngừng việc tập thể với mong muốn đề xuất tăng lương…” – ông Vũ Minh Tiến cảnh báo.

Vì một thời gian dài không được tăng lương nên đời sống của NLĐ rất khó khăn. Từ quan điểm này, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ LĐTB&XH Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, không thể kéo dài lâu quá việc không tăng LTTV. Ông Hữu Dũng đồng tình với Hội đồng Tiền lương quốc gia chốt tăng LTTV từ 1/7/2022 vì việc này không phụ thuộc nhiều vào chu kỳ sản xuất của DN. Hơn nữa, tăng lương là cần thiết để cuộc sống của NLĐ giảm bớt khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Hơn một năm qua NLĐ không được tăng lương trong khi lạm phát vẫn tăng làm giảm tiền lương thực tế. Mức tăng 6% từ 1/7/2022 đối với các DN phát triển tốt có thể thực hiện được nhưng với những công ty kém do ảnh hưởng Covid-19 thì khó thực hiện, cần gói hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ hoặc cho vay không lãi suất thông qua ngân hàng chính sách xã hội.