Tăng cường thanh tra đột xuất về đất đai

BVR&MT –  Theo Tổng cục Quản lý đất đai, năm 2020, Tổng cục sẽ tổ chức, phối hợp thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch được duyệt, trong đó, tập trung thực hiện và chỉ đạo các địa phương, thực hiện tăng cường thanh tra đột xuất để giải quyết tình trạng nhũng nhiễu gây bức xúc trong dư luận.

Ảnh minh họa

Tổng cục Quản lý đất đai cho biết, thời gian qua, tình hình đơn thư khiếu nại về đất đai có xu hướng giảm so với giai đoạn trước (từ 2009 đến năm 2013) nhưng vẫn chiếm tỷ lệ cao trong tổng số đơn thư khiếu nại (trên 60%). Số đơn khiếu nại so với giai đoạn trước giảm 38%; số vụ việc thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính Nhà nước giảm 58%.

Nội dung chủ yếu khiếu nại về giá đất, phương án bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất; khiếu nại đòi lại đất cũ đã qua các thời kỳ thực hiện chính sách cải tạo nông nghiệp, cho thuê, cho mượn…

Gần đây, phát sinh một số khiếu nại liên quan đến cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, chuyển đổi tài sản công, cải tạo chung cư cũ, quy hoạch đất ở nhưng không thành đơn vị ở.

Về công tác thanh, kiểm tra, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1675/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai giai đoạn đến năm 2020”. Theo đó, mỗi năm Bộ TN&MT và UBND các địa phương phải tổ chức thanh tra theo từng chuyên đề và giao rõ số lượng các đối tượng phải thực hiện thanh tra cho từng đơn vị.

Trong năm 2019, Tổng cục đã thực hiện thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngoài Khu, cụm công nghiệp trên địa bàn 5 tỉnh: Hải Dương, Hà Nam, Nghệ An, Bình Dương và Tây Ninh; thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai đối với các dự án FDI sử dụng nhiều diện tích đất, mặt nước ven biển nhưng chậm triển khai, hoạt động kém hiệu quả tại 2 tỉnh Bình Thuận, Khánh Hòa, các địa phương còn lại được điều chỉnh kế hoạch sang năm 2020 và đang tiếp tục triển khai.

Bên cạnh đó, tổ chức kiểm tra việc thực hiện các kết luận thanh tra do Tổng cục ban hành tại các tỉnh, thành phố gồm: Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hà Nội, Đồng Nai và TP. Cần Thơ. Tham gia Đoàn thanh tra Chính phủ tại huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội.

Đối với tiếp nhận xử lý thông tin phản ánh thông qua đường dây nóng, hiện nay, Tổng cục đã tiếp nhận 4.291 ý kiến qua đường dây nóng phản ánh tình hình sai phạm về quản lý, sử dụng đất đai, qua đơn thư, đường dây nóng, email và qua báo chí.

Trong đó, đã ban hành 1.552 văn bản chuyển địa phương yêu cầu xem xét, xử lý, đồng thời hàng năm thành lập các đoàn công tác để kiểm tra, xác minh đơn tại các tỉnh có nhiều vụ việc và ban hành 307 văn bản hướng dẫn công dân gửi đơn thư đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định.

Trong năm 2020, Tổng cục sẽ tổ chức, phối hợp thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch được duyệt, trong đó, tập trung thực hiện và chỉ đạo các địa phương thực hiện: Tăng cường thanh tra đột xuất để giải quyết tình trạng nhũng nhiễu gây bức xúc trong dư luận. Tập trung thanh tra đối với các dự án đầu tư để lãng phí, hoang hóa đất đai, quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường, việc thực hiện các quy định về điều kiện khi thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng từ đất trồng lúa sang mục đích khác.

Bên cạnh đó, phối hợp với Thanh tra Bộ thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở từng cấp; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc Thủ tướng Chính phủ giao và các vụ việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ. Chủ động phối hợp với Thanh tra Chính phủ, các Bộ, ngành khác và các địa phương trong giải quyết các vụ việc khiếu kiện tồn đọng, kéo dài.

Ngoài ra, duy trì và tăng cường công tác tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh qua đường dây nóng các vi phạm về lĩnh vực đất đai; nắm bắt, xử lý kịp thời các thông tin mà báo chí và dư luận quan tâm.

Hoàng Tôn (tổng hợp)

 

Tags: ,
CHIA SẺ