Tăng cường quyền tiếp cận sử dụng đất cho đồng bào dân tộc thiểu số

BVR&MT – Ngày 3/7, tại Hà Nội, Helvetas Việt Nam, Liên minh Đất đai LANDA, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Cộng đồng Nông thôn (CCRD) đã tổ chức hội thảo khởi động dự án “Tăng cường quyền tiếp cận sử dụng đất cho đồng bào dân tộc thiểu số”.

Hội nghị Khởi động Dự án “Tăng cường quyền tiếp cận sử dụng đất cho đồng bào dân tộc thiểu số”.
Hội thảo Khởi động Dự án “Tăng cường quyền tiếp cận sử dụng đất cho đồng bào dân tộc thiểu số”.

Dự án do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ, Helvetas và LANDA)/CCRD đồng chủ trì, thực hiện trong thời gian 3 năm từ 1/06/2020 – 31/05/2023. Mục tiêu của dự án là góp phần thúc đẩy và tăng cường hiệu quả sử dụng đất và tài nguyên rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Cao Bằng, Sơn La và Nghệ An.

Ông Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp hội Việt Nam
Ông Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp hội khoa học kỹ thuật Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo Ông Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, cho biết: Từ năm 2013, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Cộng đồng Nông thôn (CCRD) và các thành viên Liên minh Đất đai LANDA đã có nhiều đóng góp cải thiện luật đất đai năm 2013. Các tổ chức này là một trong những nhân tố đóng góp tích cực đưa luật đất đai đi vào cuộc sống. Liên hiệp hội khoa học kỹ thuật việt nam đánh giá cao CCRD trong thời gian qua. Việc thông báo dự án trong ngày hôm nay, Chúng ta hi vọng việc thực hiện dự án sẽ góp phần vào cải thiện chính sách đất đai đặc biệt đối với các vùng dân tộc thiểu số.

Nhiều dân tộc có tập quán du canh du cư không quan tâm đến thâm canh và bảo vệ đất đai, không có diện tích đất sử dụng cố định và không hiểu biết về pháp luật liên quan đến quyền lợi của mình. Tập quản lý và sử dụng đất theo công đồng có khi mâu thuẫn với quy định quản lý nhà nước về quyền sử dụng đất theo hộ gia đình. Bên cạnh đó, các đặc điểm cư trú, canh tác dẫn đến sản xuất không hiệu quả, nguy cơ mất đất và đối nghèo cao. Họ cũng thường sống ở vùng nhạy cảm với thiên tai.

Giám đốc Quốc gia Helvetas Việt Nam, Ông Phạm Văn Lương
Giám đốc Quốc gia Helvetas Việt Nam, Ông Phạm Văn Lương.

Giám đốc Quốc gia Helvetas Việt Nam, Ông Phạm Văn Lương cho biết: Mục tiêu của dự án mong muốn giúp các đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng đất cũng như tài nguyên rừng hiệu quả tại 3 tỉnh: tỉnh Cao Bằng, Sơn La và Nghệ An.

Chia sẻ thực tế tại địa phương, ông Lương Bá Vin, Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An cho biết, Tương Dương là một huyện miền núi có 6 dân tộc anh em sinh sống, thời gian qua, địa phương có rất nhiều dự án được triển khai với mục tiêu giao đất, giao rừng cho bà con yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế.

Trong quá trình thực hiện, địa phương đã gặp nhiều khó khăn, trong đó vướng nhất vẫn là giải quyết hài hòa giữa quy định pháp luật và tập tục phát nương làm rẫy của bà con để hạn chế tối đa tranh chấp giữa người dân. Cùng với đó, do yếu tố lịch sử để lại mà có nhiều diện tích đất bị chồng lấn, dẫn đến những tranh chấp khó xử lý, nhất vẫn là ranh giới các thửa đất cùng huyện, cùng xã, thậm chí là khác huyện, xã.

Theo TS Nguyễn Quang Tuyến – Phó trưởng khoa Luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội cho biết: Tiếp cận và quản lý đất đai là một trong những nhân tố quan trọng tác động đến hiệu quả sử dụng đất, thu nhập của người dân tộc thiểu số. Để giúp đồng bào các DTTS ổn định đời sống và phát triển sinh kế bền vững thì các chương trình và chính sách cần có các nghiên cứu cụ thể về đặc điểm mỗi dân tộc. Trong đó, phát huy được những giá trị truyền thống, bản sắc dân tộc. Tham khảo các nghiên cứu dân tộc học đã thực hiện và ý kiến của các chuyên gia dân tộc học, đặc biệt về tập quán cư trú, canh tác và quản lý đất đai của mỗi nhóm dân tộc.

Hội thảo là khởi động một  trong chuỗi chương trình thực hiện dự án: Tăng cường quyền tiếp cận sử dụng đất cho đồng bào dân tộc thiểu số, được tổ chức nhằm giới thiệu tổng quát về mục tiêu, hoạt động, phương pháp triển khai và kết quả mong đợi của Dự án tới các bên liên quan. Qua đó  cũng sẽ thống nhất trách nhiệm và cơ chế phối kết hợp giữa các bên trong quá trình triển khai Dự án. Đây cũng là cơ hội để các bên liên quan thảo luận về thực trạng quyền tiếp cận sử dụng đất đai của đồng bào dân tộc thiểu số và vai trò của ban hòa giải cơ sở trong giải quyết các vướng mắc, đặc biệt liên quan tới quản lý sử dụng tài nguyên đất và rừng.

Văn Trì – Quỳnh Anh.