Tăng cường phòng, chống cháy rừng tại di tích Đền Cao An Phụ

BVR&MT – Nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao khi cả nước đang bước vào thời kì nắng nóng cao độ diễn ra trên diện rộng. Đặc biệt, tại khu di tích lịch sử Đền Cao An Phụ (phường An Sinh, thị xã Kinh Môn), tục được gọi là Đền Cao, nơi thờ An Sinh Vương Trần Liễu, thân phụ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, là một trong những điểm du lịch tâm linh tham quan nổi tiếng của tỉnh  Hải Dương, được cảnh báo rất dễ xảy ra hỏa hoạn.

Làm đường băng cản lửa rộng 5 mét dài gần 1000 mét.

Với diện tích trải dài 17km, nằm trên độ cao 247m, bao bọc quanh quần thể di tích Đền Cao là dãy núi An Phụ kéo dài từ Tây sang Đông, nơi đây chủ yếu là rừng nguyên sinh và phòng hộ.  Do đền nằm ở đỉnh núi, đan xen nhiều trảng cỏ khô, lớp thực bì tương đối dày, bên cạnh yếu tố thời tiết khách quan, là sự tác động chủ quan với việc đốt nhang, giấy vàng mã của các du khách khi lễ tại đền nên được đánh giá là một trong những nơi tiềm ẩn rủi ro cháy rừng có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Đánh giá được mức độ nguy hiểm và thiệt hại nặng nề khi xảy ra hỏa hoạn, chia sẻ với Phóng viên Bảo vệ rừng & Môi trường, Trưởng ban quản lý di tích Đền Cao, ông N.V.T cho biết: “Thời gian qua, Ban quản lý đã có nhiều biện pháp thực hiện như huy động gần 100 ngày công lao động để cắt đường băng cản lửa ước tính gần 10.000m2, bố trí 9 điểm chờ nước từ dưới thấp lên trên núi nhằm hạn chế tình trạng cháy lan . Bên cạnh đó, nhà đền còn phát tâm kêu gọi công đức từ phía các phật tử và tiếp nhận được 15 bình chữa cháy đặt tại vị trí thuận lợi nhất tại các cung cửa, mỗi cửa 3-5 bình, sẵn sàng ứng cứu với tình huống xấu nhất xảy ra”.

Công tác phòng, chống cháy rừng ngoài sự nhiệt tình chưa đủ mà cần phải có nhiều kiến thức chuyên môn, chính vì thế, Ban quản lý di tích tạo điều kiện cho  tổ bảo vệ tham gia các khóa tập huấn về công tác an ninh trật tự, bảo vệ môi trường và đã được cấp chứng chỉ. Muốn người dân có ý thức tự giác chấp hành bảo vệ cảnh quan xung quanh di tích nói riêng và môi trường sống nói chung, phía Ban quản lí di tích phải là những người tiên phong đầu tiên, đặc biệt, ngày 28- 29/4 vừa qua, toàn bộ cán bộ cùng các nhân viên trong khu di tích dọn dẹp vệ sinh, phát quang quanh khu vực bìa rừng, thu gom rác thải xử lý theo đúng quy trình. Đối với các du khách đến tham quan quan, kính lễ, nhà đền đã có quy định nghiêm ngặt trong việc sử dụng lửa để hóa sớ, tránh cho các tàn lửa bay ra rừng gây nguy hiểm.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động đạt hiệu quả cao  cùng với những hành động có ý nghĩa thiết thực, vì vậy,  trong nhiều năm qua, Ban quản lý không để xảy ra tình trạng cháy rừng vào mùa lễ hội và hanh khô. Tuy nhiên, để hiệu quả hơn nữa, thời gian sắp tới, nhà đền sẽ phối hợp với lực lượng phòng cháy, chữa cháy của thị xã cùng các hộ kinh doanh quanh khu di tích, triển khai nhiều nội dung liên quan đến phương pháp sử dụng thiết bị chữa cháy, nâng cao kiến thức và  xây dựng phương án xử lý kịp  thời nếu không may xảy ra hỏa hoạn, nghiêm cấm người dân đốt rác dưới chân núi và kiên quyết xử lý những đối tượng có hành vi thiếu ý thức, phá hoại môi trường, cảnh quan thiên nhiên.

Văn Trì – Quỳnh Anh.