Tăng cường khả chống chịu và phục hồi của các đô thị Việt Nam trước tác động của biến đổi khí hậu

BVR&MT – Nhằm đạt được các mục tiêu tăng cường khả năng chống chịu của các tỉnh, thành phố trước tác động của biến đổi khí hậu và cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường, ngày 7/3, Ban Kinh tế Trung ương (CEC) Đảng Cộng sản Việt Nam, Bộ Xây dựng và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo đầu tiên trong chuỗi hội thảo cấp quốc gia về chủ đề tăng cường khả chống chịu và phục hồi của các đô thị Việt Nam trước tác động của biến đổi khí hậu. Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ Quỹ Quản lý Nước và Tài nguyên Thiên nhiên (WARM Facility) do Liên minh Châu Âu tài trợ.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: “Về phát triển đô thị, Nghị quyết 06 đã xác định định hướng phát triển hệ thống đô thị bền vững theo mạng lưới, phân bổ hợp lý, phù hợp với từng vùng, miền, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền; phát triển các đô thị có chức năng tổng hợp với quy mô và dân số ở mức hợp lý theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và dịch bệnh; bảo đảm tính kết nối cao giữa các đô thị; tập trung xây dựng và triển khai hiệu quả các đề án, chương trình quốc gia về phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu.”

Tiến sĩ Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội nghị.

Theo đó, sau 35 năm đổi mới và phát triển, Việt Nam đã đạt được những thành quả quan trọng trong quy hoạch đô thị với tốc độ đô thị hóa ở mức cao (40% năm 2022 so với 30,5% năm 2010), đóng góp khoảng 70% GDP cả nước, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ở đô thị. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa vẫn bộc lộ nhiều hạn chế: tốc độ phát triển nhanh song lại thiếu chiến lược tổng thể và bền vững, kết cấu hạ tầng đô thị chưa đồng bộ với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường, lãng phí tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực đất đai và con người, năng lực quản lý còn hạn chế. Do đó, cần xây dựng một chiến lược quy hoạch đô thị tổng thể đảm bảo hài hòa các vấn đề nêu trên nhằm hướng tới các mục tiêu tăng trưởng xanh chống chịu với biến đổi khí hậu và giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Ông Nguyễn Tường Văn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh: “Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Xây dựng trong những năm tới là triển khai hiệu quả Nghị quyết 148/NQ-CP. Nghị quyết này được kỳ vọng sẽ tạo sự chuyển biến quan trọng về lượng và chất trong công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị. Thực hiện vai trò thường trực trong hợp tác quốc tế lĩnh vực phát triển đô thị, Bộ Xây”.

Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị ban hành ngày 24 tháng 1 năm 2022 về Quy hoạch, Xây dựng, Quản lý và Phát triển đô thị Việt Nam bền vững đến năm 2030, và Nghị quyết 148/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ nhằm thực hiện Nghị quyết số 06. Nghị quyết đặt ra những mục tiêu kỳ vọng về phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, theo đó, cần đạt được sự tăng trưởng nhanh chóng của các tỉnh, thành phố. Đây vốn là một trong những yếu tố tạo động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam từ những năm 1990, góp phần giảm tình trạng dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai, và cải thiện không gian sống cho người dân tại các khu vực đô thị.

Do điều kiện địa lý tự nhiên nằm ở khu vực hợp lưu của hai con song là sông Rhône và sông Saône, TP.Lyon, giống như nhiều thành phố của Việt Nam, hiện nay đang phải đối mặt với nguy cơ ngập lụt nghiêm trọng. TP. Lyon đã áp dụng nhiều giải pháp cụ thể nhằm giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương trước các hiểm họa môi trường và tăng cường khả năng phục hồi khí hậu. Với lịch sử hợp tác lâu dài 20 năm giữa TP. Hồ Chí Minh và TP. Lyon (Pháp) trong lĩnh vực quy hoạch và quản lý đô thị, các chuyên gia đến từ Lyon mang đến hội thảo những kinh nghiệm đã được áp dụng thành công trong quá trình phát triển đô thị bền vững tại Lyon. “Nước Pháp luôn sẵn sàng tăng cường hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong các hoạt động giảm thiểu và thích ứng với BĐKH. Tất cả chúng ta đều đang phải đối mặt với BĐKH, và vì vậy tôi tin tưởng rằng kinh nghiệm của các chuyên gia Pháp đến từ Lyon sẽ góp phần làm sáng tỏ các vấn đề đang đặt ra trong chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu mà hiện nay các tỉnh, thành của Việt Nam đang phải đối mặt”, Ngài Nicolas WARNERY, Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam cho biết.

Ngài Giorgio ALIBERTI, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam nhấn mạnh.

Cũng theo, Ngài Giorgio ALIBERTI, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam đã nhấn mạnh: “Liên minh Châu Âu luôn cam kết mạnh mẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Đó là lý do tại sao chúng tôi xây dựng quỹ WARM, mục đích là để tài trợ cho việc chuẩn bị và thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng chiến lược nhằm tăng cường khả năng thích ứng với BĐKH của Việt Nam. Kinh nghiệm thực tế có được từ các dự án này góp phần thúc đẩy đối thoại chính sách theo lĩnh vực với Chính phủ Việt Nam”.

Hội thảo tập trung trao đổi các giải pháp giúp Việt Nam chuyển đổi từ quy hoạch tập trung sang quy hoạch chiến lược, xác định quy mô của mô hình quản lý và quy hoạch phù hợp, kiểm soát chuyển đổi đất từ nông thôn sang thành thị và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Đây là cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm về các công cụ, giải pháp của Pháp trong đối thoại và đàm phán giữa chính quyền địa phương và các doanh nghiệp tư nhân trong các lĩnh vực phát triển đô thị.

Tiếp theo hội thảo đầu tiên lần này được tổ chức tại Hà Nội, ba hội thảo với thời lượng nửa ngày sẽ được tổ chức tại các tỉnh Sơn La, Quảng Trị và Hậu Giang về quản lý rủi ro thiên tai và khí hậu mà người dân ở ba khu vực miền núi, ven biển và đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt.

Hà Linh