Tăng cường giáo dục nhận thức cho học sinh về bảo vệ động vật hoang dã

BVR&MT Ngày 2/4, tại Vườn Quốc gia Pù Mát đã diễn ra Hội thảo “Chương trình Giáo dục nâng cao nhận thức bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã Vườn quốc gia Pù Mát”.

Đây là hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của học sinh các trường tiểu học và trung học cơ sở trong việc bảo vệ các động vật hoang dã, do Vườn Quốc gia Pù Mát cùng Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (Save Vietnam’s Wildlife) phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Con Cuông, Huyện đoàn Con Cuông tổ chức.

Thầy Lê Thanh An – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Con Cuông phát biểu khai mạc Hội thảo.

Nằm ở sườn phía Đông của dãy Trường Sơn và  trải rộng trên 3 huyện Tương Dương, Con Cuông và Anh Sơn của tỉnh Nghệ An, Vườn Quốc gia (VQG) Pù Mát có diện tích vùng lõi rộng 94.804 ha và vùng đệm rộng 86.000 ha. Với tính đa dạng sinh học cao, vườn có nhiều loài động vật rừng, thực vật mới được khám phá trong thời gian gần đây: 2.500 loài thực vật thuộc 160 họ và gần 1.000 loài động vật. Do địa hình đa dạng và phức tạp, VQG Pù Mát có nhiều động, thực vật hoang dã thuộc diện cần bảo tồn đa dạng sinh học. Trong thời gian vùa qua, cán bộ chiến sĩ cùng lưc lượng cơ quan chức năng đã tích cực trong việc quản lý, giám sát và bảo vệ hệ sinh thái. Đặc biệt luôn đi đầu, thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền giáo dục cho học sinh. Ngày 2/4/2021, hội thảo khai mạc “Chương trình Giáo dục nâng cao nhận thức bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã Vườn quốc gia Pù Mát” được tổ chức nhằm khơi dậy lòng tự hào và tình yêu thiên nhiên của các em học sinh, từ đó thúc đẩy các em cùng gia đình hành động bảo vệ rừng Pù Mát, hướng đến loại bỏ hoàn toàn tình trạng săn bắt khai thác tài nguyên rừng bất hợp pháp. Đây là một hoạt động chủ chốt của VQG Pù Mát, Phòng GDĐT huyện Con Cuông và trung tâm SVW được thực hiện từ tháng 3/2021 – 5/2022 cho hơn 4,500 học sinh vùng đệm của Vườn.

Được biết, Vườn Quốc gia Pù Mát  là một trong những đơn vị đi đầu trong việc xây dựng kế hoạch triển khai và tổ chức thực hiện Chỉ thị 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, trong thời gian qua, Vườn Quốc gia Pù Mát đã tăng cường công tác tuần tra thực thi pháp luật, giảm thiểu việc săn bắt, sử dụng động vật hoang dã trái phép, hỗ trợ phát triển sinh kế, đồng thời đẩy mạnh hoạt động giáo dục tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cộng đồng. Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW) cho biết: “Giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt là trẻ em tại vùng đệm Vườn Quốc gia Pù Mát là một trong những chiến lược dài hạn của Trung tâm nhằm xây dựng một thế hệ tương lai có thái độ và hành vi tích cực đối với động vật hoang dã, đồng thời giảm áp lực khai thác tài nguyên thiên nhiên rừng Pù Mát”. Đây chính là cơ hội, là hoạt động thiết thực trong công tác giáo dục môi trường mà Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện trong các trường học, cũng như các chủ trương chung của Chính phủ trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và công tác quản lý động vật hoang dã. Đây sẽ  là sân chơi bổ ích cho hơn 4,500 học sinh vùng đệm để được nâng cao kiến thức, rèn luyện kỹ năng mềm và tự hào góp sức mình để bảo vệ thiên nhiên Pù Mát.

Ban giám hiệu các trường THCS, Tiểu học thuộc vùng đệm VQG Pù Mát xem tranh ảnh về thế giới động vật hoang dã tại Việt Nam.

Hội thảo đã diễn ra tốt đẹp với sự quan tâm và ủng hộ của gần 40 đại biểu tham dự là đại diện của Vườn Quốc gia Pù Mát, Trung tâm Save Vietnam’s Wildlife, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Con Cuông, Huyện đoàn Con Cuông, cùng đại diện Ban Giám hiệu và Giáo viên Tổng phụ trách của 13 trường tiểu học và trung học cơ sở thuộc 4 xã Yên Khê, Châu Khê, Môn Sơn, Thị trấn Con Cuông. Kế hoạch triển khai chương trình giáo dục nâng cao nhận thức đã được thống nhất cao với 5 hợp phần được thực hiện từ tháng 03 năm 2021 đến tháng 05 năm 2022, bao gồm: Nghiên cứu xã hội về nhận thức, thái độ và hành vi của học sinh đối với bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã; Sự kiện bảo tồn thiên nhiên – Hoạt động ngoài giờ lên lớp; Câu lạc bộ “Cùng em bảo vệ rừng Pù Mát”; Giáo dục trải nghiệm thiên nhiên; và Chuyên mục Tuyên truyền viên nhí. Các đại biểu đã đóng góp ý kiến một cách tích cực để hoàn thiện kế hoạch phối hợp hiệu quả giữa các đơn vị trong việc triển khai chương trình tại các trường. Trong buổi chiều cùng ngày, các đại biểu đã được tham quan Bảo tàng Thiên nhiên Văn hóa mở, Trung tâm Cứu hộ Động vật hoang dã, Vườn thực vật ngoại vi nhằm tìm hiểu rõ hơn về nỗ lực bảo tồn của Vườn Quốc gia Pù Mát cùng Trung tâm Save Vietnam’s Wildlife, và những địa điểm dự kiến tổ chức hợp phần trải nghiệm thuộc chương trình. 

Hà Linh