Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng năm 2023

BVR&MT – Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT đã ban hành Chỉ thị về tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp Xuân Quý Mão và tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng năm 2023.

Theo đó, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, đồng thời động viên các cấp, ngành và Nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng, thực hiện các quy định của pháp luật về lâm nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cán bộ, người dân huyện Đông Anh tham gia Tết trồng cây Xuân Nhâm Dần 2022.

Cùng với đó, chỉ đạo tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách trong lâm nghiệp. Xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai hiệu quả, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2023 về bảo vệ và phát triển rừng, trồng cây phân tán, phát triển lâm sản ngoài gỗ… theo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025 của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ NN&PTNT đề nghị, việc tổ chức phát động“Tết trồng cây” cần thiết thực, trở thành nét đẹp văn hóa, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, không phô trương, hình thức. Thời điểm tổ chức phát động “Tết trồng cây”, đối với các tỉnh phía Bắc tiến hành vào đầu Xuân năm mới, đối với các tỉnh phía Nam tiến hành vào dịp kỷ niệm sinh nhật Bác (ngày 19/5) hoặc các dịp kỷ niệm, ngày lễ lớn, phù hợp với mùa vụ trồng cây, trồng rừng của từng địa phương ở từng thời điểm, địa điểm cụ thể.

Sau khi thực hiện “Tết trồng cây”, các địa phương tổ chức kiểm tra đánh giá, rút kinh nghiệm, biểu dương khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân điển hình có cách làm hay, mô hình tốt, sáng tạo.

Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các địa phương giám sát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, nhất là chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên. Thực hiện phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp; đấu tranh, truy quét các “đầu nậu” mua bán, vận chuyển, tàng trữ gỗ, động vật rừng, các loại lâm sản trái pháp luật và xử lý nghiêm theo quy định.

Đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, hiện đại trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phát hiện sớm mất rừng, cháy rừng đảm bảo hiệu quả. Đẩy mạnh quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng, phát triển cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu dưới tán rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển dịch vụ môi trường rừng theo đúng quy định của pháp luật, nhằm phát huy giá trị đa dụng của rừng.

Theo Bộ NN&PTNT, thực hiện phong trào “Tết trồng cây” do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng, trong những năm qua, các bộ, ngành, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và Nhân dân cả nước đã hưởng ứng, tham gia tích cực phong trào trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, thiết thực góp phần phát triển kinh tế – xã hội, môi trường và quốc phòng, an ninh.

Năm 2022, các địa phương trong cả nước đã trồng được 245.000ha rừng trồng tập trung và 122 triệu cây xanh phân tán. Qua đó đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến với sản lượng 31,5 triệu mét khối gỗ; giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt trên 16,5 tỷ USD, đạt 102% so với kế hoạch năm và tăng 5% so với năm 2021. Tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%, nâng cao chất lượng rừng.

Bên cạnh đó, công tác bảo vệ rừng có nhiều chuyển biến tích cực, vi phạm pháp luật về lâm nghiệp và diện tích rừng bị thiệt hại giảm đáng kể; thu dịch vụ môi trường rừng đạt trên 3.600 tỷ đồng. Đây là nguồn tài chính quan trọng và bền vững của ngành, đóng vai trò đáng kể trong thành tích chung của toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Hậu Thạch