Tân Yên – Bắc Giang: Hiệu quả mô hình trồng vú sữa Hợp Đức

BVR&MT – Phát triển các mô hình giảm nghèo là giải pháp quan trọng để thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo. Xã Hợp Đức là một xã miền núi thuộc huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang đã thực hiện có hiệu quả mô hình phát triển sản xuất cây vú sữa đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận.

Ngọt ngào vú sữa Hợp Đức.

Trong những năm qua, bằng nguồn vốn lồng ghép phát triển sản xuất của Đảng và Nhà nước trong phát triển kinh tế cho các vùng miền núi đã đạt được kết quả cao, giúp người dân giảm nghèo bền vững. Trong đó, chúng tôi về với xã miền núi Hợp Đức tìm hiểu mô hình trồng cây vú sữa đang trên đường xây dựng thương hiệu, giúp nhiều hộ gia đình phát triển kinh tế góp phần quan trọng vào công tác xóa nghèo bền vững.

Phóng viên Tạp chí bảo vệ Rừng và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Hội – Chủ tịch UBND xã Hợp Đức, ông cho biết: Trong những qua, UBND xã Hợp Đức đã nhiều chính sách tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế. Trong đó, phát triển kinh tế nông nghiệp là trọng tâm với các lĩnh vực: Chăn nuôi, thủy sản với diện tích hơn 130 ha, diện tích cây ăn quả là hơn 280 ha, ngoài ra là các loại cây hoa màu lạc, lúa, rau quả khác.

Trước đây tại xã Hợp Đức kinh tế còn khó khăn, bằng tinh thần học hỏi vươn lên làm giàu từ mảnh đất quê hương. Cách đây khoảng 30 năm, cây vú sữa đã được trồng tại đây, đến nay ngày càng phát triển, chất lượng quả ngày càng được nâng cao, được thương lái săn tìm, giúp nhiều gia đình ở đây thoát nghèo, nhiều hộ dân trong xã đã đưa cây vú sữa vào trồng tạo nên một vùng trồng vú sữa lớn tại tỉnh Bắc Giang. Đến nay, diện tích trồng vú sữa tại xã Hợp Đức tập trung chủ yếu ở thôn Cửa còn lại ở các thôn như: Lò Nồi, Hòa An, Lục Liễu trên, Lục Liễu dưới.

UBND xã Hợp Đức, Tân Yên, Bắc Giang.

Để xây dựng thương hiệu vú sữa, Hợp Đức đã hình thành Hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ sản phẩm Vú sữa Hợp Đức, hợp tác xã có khoảng 40 thành viên tham gia, ông Nguyễn Văn Cường được bầu làm Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc. Xác định được vai trò vị trí của mình nên bên cạnh việc giúp đỡ cây con giống cho các hội viên, ông còn giúp đỡ các hội viên những kinh nghiệm, kỹ thuật mới trong việc chăm sóc cây vú sữa.

Trao đổi với Phóng viên, ông Nguyễn Văn Cường chia sẻ mong muốn xây dựng thương hiệu vú sữa Hợp Đức để người tiêu dùng biết đến, nâng cao giá trị kinh tế đời sống cho người dân quê hương. Để làm được điều đó, chúng tôi đang chú trọng đến sản xuất những sản phẩm vú sữa sạch, quy trình sản xuất đảm bảo vệ môi trường.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, giá trị thu từ cây ăn quả ước đạt 35.865 tỉ đồng bằng 149% so với cùng kỳ năm trước. Tiêu biểu trong đó là mô hình trồng cây vú sữa trở thành đặc sản của địa phương.  Mô hình trồng cây vú sữa , năm 2020, diện tích cây vú sữa đã là hơn 20 ha thu hoạch năng xuất 12,5 tấn/ha, sản lượng đạt 175 tấn.

Nhằm khai thác tiềm năng của loại cây này, chính quyền cấp xã tích cực vận động nông dân chuyển đổi cây trồng; xây dựng quy hoạch vùng sản xuất tập trung; khuyến cáo người dân không nóng vội mở rộng ồ ạt, không trồng vú sữa xuống chân ruộng trũng chuyên cấy lúa, ảnh hưởng tới chất lượng quả.

Việc chuyển đổi cây trồng trên những vùng đất sang trồng cây vú sữa là hướng đi phù hợp, mở ra hướng sản xuất mới cho nông dân mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cao hơn cho người dân. Đối với diện tích trồng cây ăn quả của địa phương cũng tương đối lớn, địa phương cũng đang xây dựng để có một thương hiệu riêng về sản phẩm của mình để bà con phát triển thương hiệu bền vững.

Văn Trì