Tản Lĩnh (Ba Vì – Hà Nội): Dân dựng lán chặn xe vào bãi rác Xuân Sơn

BVR&MT – Nhiều ngày nay, khoảng 40 hộ dân thôn Hiệu Lực, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì ngăn chặn việc vận chuyển rác vào khu xử lý chất thải Xuân Sơn nằm trên xã Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) và xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì).

Theo tìm hiểu được biết, Khu xử lý rác thải Xuân Sơn (bãi rác Xuân Sơn) tạm dừng tiếp nhận, xử lý rác từ ngày 07/02/2023, do một số hộ dân tập trung dựng lán ngay trước cổng vào bãi rác, để kiến nghị một số chính sách liên quan đền bù giải phóng mặt bằng, di dời vùng ảnh hưởng bán kính 500m. Tuy nhiên, sau 10 ngày xảy ra vụ việc cùng các cuộc gặp gỡ đối thoại giữa người dân và đại diện lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân xã Tản Lĩnh và các bên liên quan, đến nay tình trạng trên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Người dân xóm Hiệu Lực, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì lập lán chặn xe vào bãi rác Xuân Sơn.

Tại thời điểm trưa và chiều 18/2, nhiều người dân xóm Hiệu Lực, xã Tản Lĩnh vẫn tụ tập tại lán trại dựng trước cổng bãi rác Xuân Sơn để ngăn xe chở rác vào bãi. Bên trong lán được các hộ dân bố trí chiếc dường với đủ chăn, màn và đồ ăn, nước uống.

Chia sẻ với phóng viên, ông Chu Văn Chương (xóm Hiệu Lực) cho biết lý do ông và hàng chục người dân trong xóm lập lán trại chặn xe chở rác vào bãi rác Xuân Sơn là bởi số tiền đền bù, hỗ trợ cho các hộ dân trong bán kính 500m dự án mở rộng của bãi rác lần thứ ba này chưa tương xứng so với 2 dự án trước. Khi bãi rác Xuân Sơn triển khai dự án mở rộng lần thứ nhất và lần thứ hai, những hộ dân ở ổn định trước năm 1993 mà chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì được công nhận 300m đất ở và tài sản hợp pháp như các hộ dân có sổ đỏ, nhưng dự án lần này lại không công nhận.

Việc rác không thể chở tới khu xử lý trong khoảng thời gian qua đã khiến hơn 43.000 tấn rác đang bị ùn ứ lại tại 13 huyện, thị xã ngoại thành của thành phố.

Trao đổi cùng phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường, ông Phạm Đình Hùng, Chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh cho biết: Dự án mở rộng bãi rác Xuân Sơn lần này có 41 hộ nằm trong vùng ảnh hưởng bán kính 500m cần phải di dời, nhưng chỉ 14 hộ dân có đất ở đã được cấp sổ đỏ. Các trường hợp còn lại có nhà trên đất chưa có sổ đỏ, một số hộ có đất nông nghiệp nằm trong vùng ảnh hưởng. Xét theo quy định pháp luật thì đất chưa có sổ đỏ được xác định là đất nông nghiệp, đất đồi, đất trồng cây lâu năm và các công trình nhà ở của người dân trên phần đất này là công trình trái phép, sẽ không được đền bù khi có dự án.

Gần khu vực quanh bãi xử lý rác thải Xuân Sơn do không được chở rác vào khu xử lý, rác thải chất thành “núi”.

Tuy nhiên, trên cơ sở kiến nghị của người dân và đề xuất của Ủy ban Nhân dân xã Tản Lĩnh, Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì, ngày 17/1/2023, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã đồng ý phương án hỗ trợ 30% đơn giá đất ở đối với những hộ dân đã ở trước năm 1993; hỗ trợ 20% giá đất ở với các hộ dân đã ở sau năm 1993. Dù vậy, nhiều hộ dân xóm Hiệu Lực vẫn không đồng tình với phương án hiện tại.

Để không ảnh hưởng đến việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải của các huyện được phân luồng vận chuyển rác lên khu xử lý rác thải Xuân Sơn, sở Tài nguyên và Môi trường đã có thông báo phân luồng tạm thời rác thải sinh hoạt trên địa bàn các huyện vận chuyển về khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) và tại nhà máy xử lý chất thải Xuân Sơn của Hợp tác xã Thành Công.

Theo Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội có 17 khu xử lý chất thải rắn. Nhưng hiện thành phố mới có hai khu (Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn và Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn) hoạt động. Trong khi đó mỗi ngày Hà Nội phát sinh hơn 6.500 tấn rác sinh hoạt, được xử lý chủ yếu bằng chôn lấp tại hai bãi Nam Sơn (khoảng 5.000 tấn) và bãi Xuân Sơn (khoảng 1.500 tấn), còn lại đốt tại một số lò.

Những năm qua, hai bãi rác lớn nhất Thủ đô là Nam Sơn và Xuân Sơn thường xuyên bị người dân chặn xe vào do gây ảnh hưởng môi trường, hay không đồng thuận với chính sách hỗ trợ đền bù.

 Hậu Thạch