BVR&MT – Việc Trung Quốc mở lại các cửa khẩu biên giới từ ngày 8/1 để đẩy mạnh thương mại hàng hóa, trong đó có thương mại nông sản, là tin mừng cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Tuy nhiên, cơ hội cũng song hành cùng thách thức nếu doanh nghiệp muốn tập trung khai thác hiệu quả thị trường rộng lớn này.
Phó Vụ trưởng Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công thương) Tô Ngọc Sơn cho biết: Trung Quốc là thị trường quan trọng hàng đầu, là đối tác thương mại số một của Việt Nam. Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Trung Quốc năm 2022 đạt 175,5 tỷ USD. Tỷ trọng xuất nhập khẩu với Trung Quốc trong tổng xuất nhập khẩu của Việt Nam chiếm đến 24%. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của mặt hàng rau quả với tỷ trọng 53,7%; sắn và các sản phẩm từ sắn với tỷ trọng 91,47%; cao-su với tỷ trọng 71%. Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của thủy sản Việt Nam (sau Mỹ và Nhật Bản).
Thị trường quan trọng hàng đầu
Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo thực hiện triển khai Lệnh 248 về “Quy định quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu” và Lệnh 249 về “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu” của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Đến nay, Hải quan Trung Quốc đã cấp 2.492 mã sản phẩm cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản làm thực phẩm của Việt Nam; cấp hơn 2.000 mã số vùng trồng và 1.438 mã số cơ sở đóng gói sản phẩm nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc; đồng thời triển khai xây dựng vùng nguyên liệu bảo đảm đạt chuẩn phục vụ xuất khẩu. Từ ngày 8/1/2023, Trung Quốc mở cửa biên giới sau thời gian hạn chế giao thương do dịch Covid-19, hoạt động xuất khẩu nông sản giữa hai nước đã sôi động hơn.
Theo Ban quản lý cửa khẩu tỉnh Lào Cai, trong tháng 1/2023, tổng giá trị xuất nhập khẩu qua cửa khẩu tỉnh Lào Cai đạt gần 82 triệu USD. Tại Cửa khẩu quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành-Lào Cai, tháng 1/2023 có 6.713 xe nông sản được xuất nhập khẩu qua cửa khẩu này, đạt tổng giá trị gần 59 triệu USD, trong đó nông sản xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn, gần 33 triệu USD. Hàng xuất chủ yếu là nông sản tươi như: thanh long, chuối, dưa hấu, chôm chôm, mít… Trong tháng 1/2023 đã có gần 600 xe thanh long được đưa lên Lào Cai để xuất khẩu sang Trung Quốc. Còn tại Lạng Sơn hiện nay, bình quân mỗi ngày cũng có hơn 800 xe nông sản được thông quan.
Trung Quốc là thị trường quan trọng hàng đầu, là đối tác thương mại số một của Việt Nam. Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Trung Quốc năm 2022 đạt 175,5 tỷ USD. Tỷ trọng xuất nhập khẩu với Trung Quốc trong tổng xuất nhập khẩu của Việt Nam chiếm đến 24%. |
Phó Cục trưởng Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt cho biết: Những tín hiệu xuất khẩu tích cực ngay từ đầu năm nay đạt được một phần quan trọng là nhờ các nghị định thư kiểm dịch thực vật được ký giữa hai nước đối với các sản phẩm nông sản gồm: chuối, sầu riêng, măng cụt, thạch đen, cám gạo và gạo. Cục đang đàm phán để ký nghị định thư xuất khẩu chính ngạch một số quả tươi truyền thống như dưa hấu, thanh long, xoài, mít, nhãn, vải và chôm chôm; hướng dẫn xuất khẩu tạm thời ớt, chanh leo. Hai nước cũng đang đàm phán kỹ thuật để xuất khẩu chính ngạch dược liệu, bưởi và một số loại quả thuộc nhóm cây có múi và trái dừa…
Tập trung khai thác các sản phẩm chủ lực
Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) Phạm Ngọc Thành thông tin: Năm 2022, xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc của doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng 130% so với năm 2021. Nguyên nhân là nhờ tập trung vào các mặt hàng chủ lực như: chanh leo tươi, chanh leo chế biến, nước chanh leo, sản phẩm chuối… Bên cạnh mặt hàng hoa quả tươi, DOVECO tập trung vào chế biến sâu nhằm nâng giá trị gia tăng sản phẩm.
Từ kinh nghiệm xuất khẩu, ông Phạm Ngọc Thành chia sẻ: Để đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc, việc xúc tiến, quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới bạn hàng là rất quan trọng, trong đó có việc tích cực tham gia các hội chợ tại Trung Quốc. Đó là con đường nhanh nhất để người tiêu dùng Trung Quốc tiếp cận sản phẩm nông sản Việt Nam. Do đó, doanh nghiệp mong muốn các cơ quan chức năng tiếp tục tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia những chương trình quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại các sản phẩm nông sản trong thời gian tới.
Về một số vấn đề cần lưu ý khi xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, Tiến sĩ Trà My – Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc nhấn mạnh: Các doanh nghiệp cần quan tâm đến chất lượng và có kế hoạch xây dựng thương hiệu cho nông sản vì quyết định lớn đến giá bán sản phẩm. Doanh nghiệp cũng nên tập trung xuất khẩu qua đường biển do có nhiều ưu thế thay vì tập trung nhiều vào đường bộ như hiện nay.
Đối với việc quảng bá sản phẩm, hiện Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc đã đầu tư gian hàng Việt Nam ở Trung Quốc, giúp doanh nghiệp trưng bày miễn phí các mặt hàng đã qua sơ chế, thành phẩm. Thời gian tới, Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc sẽ phối hợp các đơn vị tổ chức Diễn đàn đầu tư thương mại Việt Nam-Thượng Hải lần thứ nhất, dự kiến vào tháng 4/2023 với nội dung chính về xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng, việc Trung Quốc mở cửa lại biên giới từ ngày 8/1/2023 là tin mừng đối với doanh nghiệp hai nước nhưng nếu doanh nghiệp Việt Nam không cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm và giảm chi phí thì vẫn sẽ gặp rất nhiều thách thức. Do đó, các doanh nghiệp cần thực hiện theo đúng các yêu cầu kỹ thuật; kết hợp với các đơn vị nông nghiệp địa phương để xây dựng vùng nguyên liệu; phối hợp các đơn vị thực hiện cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để đáp ứng yêu cầu từ thị trường Trung Quốc. Về thực hiện liên kết, các doanh nghiệp chủ động liên hệ các đơn vị như ban quản lý cửa khẩu để nắm bắt thông tin về tiến độ thông quan, tránh ùn tắc, bảo đảm chất lượng hàng nông sản, thời gian thông quan và chi phí vận tải.