Kỳ 2: Rùa, rắn “vượt biên” vào trung tâm thương mại

Tận diệt muông thú bằng sự tàn nhẫn và tờ thông hành

BVR&MT – Không chỉ nổi danh là vùng đất trù phú với nhiều sản vật sông nước, vùng biên giáp Campuchia thuộc huyện An Phú, tỉnh An Giang còn là vựa thu mua, buôn bán các loài chim, thú hoang dã và hầu hết đều có nguồn gốc từ nước bạn. Đây cũng là nguồn cung cấp chính cho chợ chim trời ở Thạnh Hóa mà nhóm phóng viên đã phản ánh trong kỳ trước cũng như các đầu mối tiêu thụ nội địa, thậm chí xuất cả sang Trung Quốc.

Kỳ 1: Mục sở thị chợ chim trời lớn nhất Tây Nam Bộ

Kỳ cuối: Mua “giấy thông hành” với giá 20 nghìn đồng/kg hàng cấm?

Dọc lộ trình xuyên ba tỉnh Long An – Đồng Tháp – An Giang, cứ vài cây số lại xuất hiện một biển báo thu mua, buôn bán rùa, rắn, chim các loại, chỉ cần ghé một điểm nhỏ dò hỏi là chủ hàng sẵn sàng cung cấp hàng chục đến cả tạ rắn, rùa, chim, tất cả đều được săn bắt ngoài tự nhiên. Nhưng những điểm thu mua ven quốc lộ này chỉ là bề nổi và mang tính chào hàng là chính, hoạt động buôn bán chim, thú ở các tuyến tỉnh lộ và chợ trung tâm huyện, xã mới thực sự sôi động, nhất là khi vào mùa săn bắn.

Phóng viên tiếp xúc với các đầu nậu.

Sau nhiều giờ di chuyển, nhóm PV có mặt tại Trung tâm thương mại An Phú, khu vực cách vùng biên giáp với Campuchia chỉ vài kilomet. Đi sâu vào trong có thể thấy rất nhiều gian hàng/ki ốt được các ông, bà chủ thuê lại để kinh doanh chim, thú một cách công khai. Tại đây có rất nhiều các xâu chim bị treo ngược ở góc chợ, phía dưới chúng là hàng tá xô, chậu rắn cùng cảnh ngộ, khách hàng có thể vào xem và trả giá thoải mái. Theo tâm sự của một chủ hàng thì “do thời gian này không phải mùa nước nổi nên chim, thú ít chứ đúng mùa thì khu này lúc nào cũng ồn ào, nhộn nhịp”.

Cách An Phú chỉ vài cây số là Trung tâm thương mại Khánh An với nhiều điểm tương đồng như “anh em sinh đôi”: nằm sát vùng biên với Campuchia, được đầu tư xây dựng bề thế và cũng tấp nập các hoạt động mua, bán chim, thú, thậm chí sôi động hơn cả An Phú. Một chủ hàng tiết lộ: “mỗi ngày, bán hàng chục, thậm chí hàng trăm kg rắn, rùa các loại, chủ yếu là bà con mua về ăn; đối với các nhà hàng thì giao hàng tận nơi cho họ, thỉnh thoảng có đầu nậu gom nhưng không biết họ gom để đưa đi đâu… Rắn ở đây được bán với giá từ 100.000 – 300.000 đồng/kg tùy loại”.

Trung tâm thương mại Khánh An, huyện An Phú, tỉnh An Giang cách biên giới Campuchia chỉ một con sông.

Dò hỏi thêm từ một số con buôn và người dân địa phương thì hầu hết đều cho hay rùa, rắn chủ yếu được mua từ vùng đồng bằng ven sông Mê Công và vùng Biển Hồ thuộc Campuchia. Bên đó săn bắt rùa, rắn ngoài tự nhiên rồi bán cho đầu nậu vận chuyển về Việt Nam.

Để bổ sung bằng chứng cho lời xác nhận trên, nhóm tiếp tục di chuyển đến những địa điểm được cho là nơi sinh sống và sinh sản của nhiều loài chim, thú nhất trong vùng như Rừng tràm Trà Sư (An Giang), Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (Long An), Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp)… và quả thực các khu vực tuy còn tình trạng săn bắt chim, thú ở vùng ven nhưng không nhiều. Để có nguồn hàng dồi dào và ổn định cung cấp cho các điểm tiêu thụ nội địa và xuất sang cả thị trường Trung Quốc thì chỉ có thể xuất phát từ các đầu nậu gom hàng tại Campuchia.

Vẫn băn khoăn với câu hỏi tại sao nhóm con buôn có thể dễ dàng vận chuyển các loài động vật quý hiếm như mớ rau ngoài chợ, nhóm tìm cách bắt mối với một số chủ hàng để dò hỏi sâu hơn. H., con buôn mới vào nghề được một năm, trước từng theo gia đình đi buôn lậu gỗ ở Campuchia, nay giải nghệ chuyển sang buôn rùa, rắn. Do được người quen giới thiệu trước nên H. rất thẳng thắn: “Ngoài rắn, em còn có khỉ, cu li, bên Campuchia họ bẫy được, họ nuôi nhưng em chỉ để cho anh mỗi lần một con thôi. Nếu anh lấy nhiều, em cũng có nhưng dính đến bắt bớ là em không liên quan… Hổ thì hiếm lắm anh ơi, có nhưng mình không biết đường… Mỗi ngày, em mua được khoảng 100 kg nhưng không có giấy, nếu chở cả xe phải có giấy tờ, muốn mua giấy thì tìm gặp các trang trại, chỉ có cách đưa hàng vào trang trại rồi họ làm phiếu xuất kho thì mới chuyển được”.

Thấy nhóm cậy nhờ làm ăn lớn, H. sốt sắng: “Về cái giấy, các anh cứ từ từ để em tìm cách. Làm ăn lớn thì phải đàng hoàng, kiếm cái giấy cho chắc chứ buôn bán nhỏ thì có bị bắt đi nữa, họ (cán bộ kiểm lâm, biên phòng) cũng chỉ xin 2 -3 triệu để đi nhậu, anh lấy trăm ký thì chỉ gom một ngày, chậm lắm là hai ngày”.

Nhiều loài rắn được bày bán một cách công khai.

Tiếp cận thêm một con buôn tên C., C. cũng nói ý chang H., tức bằng mọi giá phải nhập hàng vào các trang trại để có được tờ thông hành chính cống, nhưng C. giờ không dám lo lót mấy vụ giấy tờ nữa vì thấy đồng bọn nhiều người đã bị bắt. C. gợi ý địa chỉ của một “bà trùm” trong nghề và bảo chúng tôi tự liên hệ kèm lời căn dặn: “Nếu có làm ăn cũng đừng qua mặt nó (“bà trùm”), qua mặt là nó… giết, giờ nó có nhiều mối lớn rồi, khó ai mà nhảy vào được, nhưng chỉ nó mới có hàng lớn và lo được giấy cho các anh”.

Lời cảnh báo của C. càng khiến nhóm quyết tâm gặp H., bà chủ trang trại gây nuôi động thực vật hoang dã “nức tiếng” vùng biên.

(Còn nữa)

Văn Hoàng