Tầm quan trọng của thủy lợi trong công tác xóa đói giảm nghèo 2016 – 2020

Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững (2016 -2020)

BVR&MT – Để nâng cao năng suất cây trồng và hiệu quả trong nông nghiệp, Thủy lợi đóng vai trò quan trọng để tăng năng suất cây trồng, đảm bảo và cải thiện đời sống ở nông thôn đã góp phần quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo cho người nông dân.

Để có sự đánh giá khách quan về hiệu quả của thủy lợi trong công tác xóa đói giảm nghèo, phóng viên (PV) Bảo vệ Rừng và Môi Trường điện tử đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Đức Năm, Phó Chủ tịch Hội tưới tiêu Việt Nam (Nguyên Phó Cục trưởng Cục Thủy Lợi).

PV: Xin ông cho ý kiến đánh giá về công tác thủy lợi đối với chương trình MTQG xóa đói giảm nghèo trong giai đoạn 2016 – 2020?

Ông Lê Đức Năm: Chương trình MTQG về xóa đói giảm nghèo đã trải qua nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn lại đem lại những hiệu quả nhất định. Những tiêu chí của xóa đói giảm nghèo đã có những thay đổi phù hợp và tiến bộ hơn so với các giai đoạn trước để nâng cao so với các hộ nghèo. Hội tưới tiêu Việt Nam cũng đã triển khai, thực hiện các chương trình như chương trình nước sạch ở nông thôn, xây dựng một số công trình thủy lợi, các hồ chứa nước cho đồng bào dân tộc vùng cao góp phần thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Ông Lê Đức Năm, Phó Chủ tịch Hội tưới tiêu Việt Nam (Nguyên Phó Cục trưởng Cục Thủy Lợi).

PV: Xin ông cho biết tầm quan trọng của thủy lợi trong xóa đói giảm nghèo?

Ông Lê Đức Năm: Hội tưới tiêu sau khi triển khai thực hiện một số Nghị định như: 115 về miễn giảm thủy lợi phí cho người dân, Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy lợi… của Chính phủ chính là những chính sách, mục tiêu giảm gánh nặng, phát triển cho người dân làm ruộng, làm nông nghiệp qua đó giảm nghèo, góp phần thay đổi cuộc sống của đồng bào đồng bằng, vùng sâu vùng xa. Nhờ có thủy lợi mà năng suất cây trồng tăng lên, nông nghiệp mới có thể phát triển. Đặc biệt với các hộ vùng sâu vùng sa họ được đảm bảo nguồn nước sạch, nước hợp vệ sinh trong sinh hoạt hàng ngày. Điều này làm đổi mới cuộc sống người dân, ví dụ như các vùng ở Hà Giang, như Yên Minh, Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc mỗi nhà một bể xây chứa nước hợp vệ sinh.

Đồng thời việc xây các công trình thủy lợi như các hồ chứa đã góp phần giảm gánh nặng, cải thiện đời sống cho các hộ dân tộc miền núi không còn phải đi xa gánh nước về dùng, nguồn nước chứa hợp vệ sinh, đảm bảo sức khỏe cho người dân trong cuộc sống và canh tác, nhất là trong mùa khô.

PV: Xin ông cho biết một số phương pháp tưới tiêu trong nông nghiệp?

Ông Lê Đức Năm: Hiện nay có thể kể đến một số phương pháp tưới tiêu có hiệu quả như: tưới nhỏ giọt, tưới phun, tưới mặt… Ví dụ mô hình trồng Cam Cao phong ở Hòa Bình đã được hệ thống thủy lợi áp dụng đưa phương pháp tưới nhỏ giọt, cuốn quanh gốc cho cây cam đã tiết kiệm được nước, nhân công và đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Hệ thống tưới nhỏ giọt đơn giản bao gồm bồn chứa nước, hệ thống ống dẫn và đầu tưới nhỏ giọt hay dây nhỏ giọt. Phần điều khiển tự động bao gồm van điện điều khiển khu vực tưới, bộ lọc, bộ điều khiển số lần và thời gian tưới trong ngày. Hệ thống tưới nhỏ giọt có thể kết hợp với bộ châm phân tự động, cung cấp phân bón khi tưới tiêu, cách này được gọi là tưới bón. Đến nay, hệ thống tưới nhỏ giọt là biện pháp tưới tiêu tiết kiệm nước nhất, phổ biến nhất.

PV: Xin ông cho biết về một số mô hình kinh tế có hiệu quả trong công tác thủy lợi?

Ông Lê Đức Năm: Thực hiện tái cơ cấu trong việc Áp dụng các biện pháp thâm canh bền vững, thực hiện tốt các quy định về môi trường trong sử dụng phân bón, hóa chất và xử lý chất thải nông nghiệp; áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, theo Quyết định số 899 của Thủ tướng Chính phủ về Quyết định phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bên vững. Thủy lợi là một trong những mục tiêu thực hiện của Đề án, trong đó Bộ NN&PTNT đã cho rà soát quy hoạch thủy lợi phục vụ tái cơ cấu. Nhằm giúp các địa phương tìm ra lợi thế của mình để đầu tư phát triển nông nghiệp, tăng thu nhập, tìm ra giống cây trồng thủy sản phù hợp để phát triển. Mỗi địa phương đã có chương trình hành động để phục vụ tái cơ cấu của địa phượng. Thấy được tầm quan trọng của thủy lợi trong việc cấp nước, ví dụ như ở Tây Nguyên, phát triển cây hồ tiêu, cây ca cao, cà phê, cao su… hay trồng hoa ở Lâm đồng. Thủy lợi đóng góp nguồn nước để tưới với phương pháp tưới tiêu ngày càng được nâng cao như tưới phun, tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước và mang lại hiệu quả cao.

Hay như ở Đồng bằng Sông Cửu long chuyển từ mô hình trồng từ lúa sang tôm, hoặc kết hợp trồng lúa và nuôi tôm đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với chỉ trồng lúa nước, tận dụng nguồn nước lạnh ở Sapa để nuôi cá Hồi… để xóa đói giảm nghèo.

Thủy lợi góp phần quan trọng trong phát triển nông nghiệp, đảm bảo đời sống của người dân trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.

PV: Xin ông cho biết thêm về một số các khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện chương trình MTQG?

Ông Lê Đức Năm: Trên thực tế trong quá trình triển khai, bất cập lớn nhất đó là việc xét duyệt hộ nghèo, cũng như phân bố chỉ tiêu hộ nghèo được hưởng. Tuy nhiên theo tôi, không nên đưa ra “chỉ tiêu” cho từng vùng mà nên căn cứ vào hoàn cảnh xem họ có thực sự khó khăn hay không, bởi có những gia đình ở vùng đồng bằng theo tôi được biết mặc dù không phải là hộ nghèo, hoặc không quá khó khăn, trong khi đó có những hộ, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa, biên giới Hải đảo có rất nhiều nhưng lại không được hưởng chính sách của nhà nước vì nguồn ngân sách Nhà nước có hạn. Do đó, Nhà nước, các Cấp chính quyền cần kiểm tra, rà soát các hộ “nghèo thực sự” và cần ưu tiên cho các vùng sâu vùng xa được hưởng các chính sách nhiều hơn, hỗ trợ nhiều hơn.

PV: Xin ông cho biết các phương hướng, mục tiêu sắp tới của Hội để tăng cường phát triển thủy lợi trong công tác xóa đói giảm nghèo?

Ông Lê Đức Năm: Phương hướng sắp tới của Hội là Tăng cường giao lưu và trao đổi với Bộ NN&PTNT về các chủ trương, chính sách và các vấn đề trọng tâm mà Hội có thế mạnh và có thể tham gia như: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nông thôn mới, quản lý công trình thủy lợi, xây dựng quy trình vận hành công trình thủy lợi hay quản lý tưới tiêu. Bên cạnh đó Hội sẽ tiến hành mở rộng các mạng lưới ở các địa phương, nhất là tăng cường liên hệ với các tổ chức quản lý hệ thống khai thác công trình thủy lợi và các tổ chức dùng nước của các tỉnh cũng như các tổ chức quản lý tưới, tiêu ở một số nước để làm đầu mối trao đổi học tập, chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý, điều hành nhằm phát huy hiệu quả của công trình thủy lợi.

PV: Rất cảm ơn ông đã có những đánh giá khách quan về hiệu quả của thủy lợi trong công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững.

Thạch Thảo