Tầm quan trọng của COP15 với sự sống trên Trái đất?

BVR&MT – Chỉ còn vài tháng ngắn ngủi nữa, COP15 sẽ được tổ chức ở Montreal. Trong khuôn khổ hội nghị lần này, chính phủ các nước đang chuẩn bị đưa ra các mục tiêu về đa dạng sinh học cho thập kỷ tới. Cho đến nay, thế giới đã thất bại trong việc thực hiện các mục tiêu của Liên hợp quốc về việc ngăn chặn sự suy giảm của thiên nhiên. Nhưng bù lại, nhận thức về vấn đề này đang lớn hơn bao giờ hết. Trong bài báo này, chúng tôi sẽ xem xét lý do tại sao COP15 lại quan trọng và nó có thể mở đường cho những hành động bảo vệ thiên nhiên trong tương lai như thế nào.

COP15 là gì?

Thiên nhiên đang gặp khủng hoảng, và trong ba thập kỷ qua, chính phủ các nước đã nhiều lần họp bàn để đảm bảo sự sống của các loài và hệ sinh thái, từ đó làm nền tảng cho việc bảo vệ nền văn minh nhân loại. Hội nghị thượng đỉnh Trái đất tại Rio năm 1992 chứng kiến ​​sự ra đời của ba công ước: Công ước về biến đổi khí hậu, về sa mạc hóa và đa dạng sinh học. Công ước về đa dạng sinh học (CBD) ra đời nhằm thúc đẩy các quốc gia bảo tồn thế giới tự nhiên, khai thác tự nhiên một cách bền vững và chia sẻ lợi ích từ các nguồn gen tự nhiên.

Mỗi 10 năm, chính phủ các nước sẽ họp thống nhất các mục tiêu về bảo vệ đa dạng sinh học và nỗ lực để đạt được vào cuối từng thập kỷ. Những mục tiêu được thống nhất gần nhất là tại Cop10 ở Nagoya, Nhật Bản vào năm 2010, khi các nước cam kết giảm một nửa việc mất môi trường sống tự nhiên và mở rộng các khu bảo tồn thiên nhiên chiếm 17% diện tích đất trên thế giới vào năm 2020. Và họ đã thất bại hoàn toàn.

Cứ hai năm một lần, sẽ có các cuộc họp “thường kỳ” để kiểm tra tiến độ hoạt động của các chính phủ. Cuộc họp ở Montreal, COP15 (viết tắt của hội nghị các bên lần thứ 15), là cuộc họp “bất thường”, bởi một danh sách mục tiêu mới đang trong quá trình thống nhất.

Ảnh minh họa: The Guardian

COP15 sẽ được tổ chức khi nào, ở đâu, và ai sẽ chịu trách nhiệm?

Hội nghị sẽ kéo dài hai tuần bắt đầu từ ngày 7/12 tại Montreal, Canada. Trung Quốc sẽ giữ chức chủ tịch COP15 – lần đầu tiên nước này làm chủ tịch đối với một thỏa thuận môi trường hàng đầu của Liên hợp quốc. Sở dĩ có điều là do hội nghị đã được lên kế hoạch diễn ra tại Côn Minh, Trung Quốc, nhưng sau đó bị dời đi do trì hoãn quá lâu vì đại dịch và vấp phải chính sách Zero-Covid của Bắc Kinh.

Các đại biểu sẽ đến Montreal chỉ vài tuần sau Cop27 về khí hậu ở Ai Cập. Văn bản chính thức dự kiến ​​sẽ được ký vào thứ bảy ngày 17/12, trước thềm chung kết World Cup ở Qatar, mặc dù các cuộc đàm phán thường kéo dài vượt quá dự định.

COP15 khác với các hội nghị Cop về khí hậu như thế nào?

Các hội nghị Cop về đa dạng sinh học tách biệt với Cop về khí hậu. Cop về khí hậu có trọng tâm rõ ràng là hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu xuống dưới 2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp, đồng thời hướng tới việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu xuống 1,5 độ C theo thỏa thuận Paris năm 2015.

Hội nghị Cop về đa dạng sinh học của LHQ không hoạt động theo cách như vậy. Chính phủ các nước sẽ ký kết các mục tiêu theo ba mục tiêu của công ước – bảo tồn, khai thác bền vững và chia sẻ lợi ích của các nguồn gen. Những mục tiêu này đôi khi có thể mâu thuẫn với nhau và thường có tính chuyên ngành cao, ngay cả đối với những bên tham gia đàm phán.

Văn bản cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh – được gọi là khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu sau 2020 – có khả năng sẽ bao gồm hơn 20 mục tiêu, từ loại bỏ các loài xâm lấn cho đến các quy tắc về sử dụng sinh học tổng hợp.

Đa dạng sinh học là gì?

Đa dạng sinh học là sự đa dạng của sự sống trên Trái đất – không khí chúng ta hít thở, nước chúng ta uống và thực phẩm chúng ta ăn, tất cả đều dựa vào đa dạng sinh học. Các nhà khoa học vẫn đang cố gắng tìm hiểu về mạng lưới sự sống. Mặc dù có những tiến bộ trong công nghệ hỗ trợ, chúng ta vẫn chỉ có thể suy đoán số lượng của các loài sinh sống trên hành tinh này mà thôi.

Nhưng chúng ta cũng biết rằng sự sống không được phân bổ đồng đều: các quốc gia như Brazil, Colombia, Indonesia và Trung Quốc có sự tập trung thực vật, động vật có vú, nấm và động vật lưỡng cư cao hơn. Một vài héc ta rừng nhiệt đới Borneo hoặc một rạn san hô có thể là nơi sinh sống của nhiều loài hơn số lượng loài đang sinh sống trên toàn Vương quốc Anh. Loài người chỉ có thể tồn tại khi các hệ sinh thái lớn hoạt động bình thường.

Đa dạng sinh học cũng là nền tảng của kinh tế toàn cầu. Theo tập đoàn tái bảo hiểm Swiss Re, hơn một nửa GDP toàn cầu – tương đương 41,7 tỷ đô la – phụ thuộc vào hoạt động bình thường của thế giới tự nhiên .

Tại sao chúng ta phải lo lắng?

Trái đất đang chứng kiến sự biến mất của các sự sống với quy mô lớn nhất kể từ thời khủng long, và con người là nguyên nhân cho vấn đề này. Theo các nhà khoa học, cách chúng ta khai thác, gây ô nhiễm, săn bắn, trồng trọt chăn nuôi, xây dựng và du lịch đang khiến ít nhất một triệu loài có nguy cơ tuyệt chủng. Một số nhà khoa học khẳng định rằng cuộc đại tuyệt chủng lần thứ sáu trong lịch sử địa chất đã bắt đầu với sự biến mất của hàng tỷ quần thể cá.

Biến đổi khí hậu vẫn có thể đảo ngược ngay cả khi phải mất hàng nghìn năm. Nhưng tuyệt chủng và sự xóa sổ của các hệ sinh thái là vĩnh viễn.

Đa dạng sinh học củng cố chất lượng của các hệ sinh thái, đồng thời cung cấp cho con người các nhu cầu cơ bản. Con người chỉ có thể tồn tại khi có không khí sạch, thức ăn và môi trường có thể sinh sống được, và tất cả những điều này đều được điều chỉnh bởi thế giới tự nhiên. Ví dụ, 95% thực phẩm chúng ta ăn được sinh ra từ đất, một hệ sinh thái mà chúng ta biết rất ít về nó. Tuy nhiên, có tới 40% diện tích đất trên thế giới đang bị suy thoái nghiêm trọng do các hoạt động nông nghiệp không bền vững.

Tương tự như vậy, sự tuyệt chủng của động vật, côn trùng, thực vật và tất cả các sinh vật sống có tác động mạnh mẽ. Các loài cần chung sống hài hòa với nhau để phát triển và cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho sự tồn tại của con người. Đây là lý do tại sao đa dạng sinh học rất quan trọng. Sự sống trên Trái Đất giống như một mạng lưới khổng lồ và hành động của chúng ta đang phá vỡ mạng lưới này. Chúng ta không thể gánh chịu nổi hậu quả khi mạng lưới sự sống tan vỡ.

Những loài nào đang gặp nguy hiểm?

Chúng ta đang chứng kiến ​​sự sụt giảm động vật hoang dã trên diện rộng. Theo các nhà khoa học, số lượng côn trùng trên thế giới đang giảm mạnh. Một số người còn nói rằng chúng ta đang sống trong “thời tận thế côn trùng”; hơn 500 loài động vật trên cạn đang trên đà tuyệt chủng và có khả năng biến mất trong vòng 20 năm tới; 1/5 loài bò sát đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng; cứ 8 loài chim thì có 1 loài đang bị đe dọa; và 40% các loài thực vật trên thế giới đang gặp nguy hiểm.

Năm mối đe dọa lớn nhất đối với đa dạng sinh học là sự thay đổi trong cách khai thác đất và biển; khai thác trực tiếp tài nguyên thiên nhiên; cuộc khủng hoảng khí hậu; ô nhiễm và các loài xâm lấn.

Tất cả các loài động vật hoang dã đều bị ảnh hưởng bởi sự tàn phá của con người. Một báo cáo năm 2018 cho thấy con người đã xóa sổ 60% động vật có vú, chim, cá và bò sát kể từ năm 1970, đồng thời cảnh báo rằng chúng ta đang “mơ màng tự sát.” Các nhà nghiên cứu cho biết, ngay cả khi làn sóng tuyệt chủng kết thúc ngay lúc này, thế giới tự nhiên cũng sẽ phải mất từ ​​năm đến bảy triệu năm phục hồi.

Điều gì đã xảy ra tại Hội nghị Cop về tự nhiên gần đây nhất?

Chính phủ các nước chưa bao giờ đạt được bất kỳ mục tiêu nào mà họ đã đặt ra trong lịch sử của công ước LHQ về đa dạng sinh học. Từ việc giải quyết ô nhiễm đến bảo vệ các rạn san hô, cộng đồng quốc tế đã không đạt được bất kỳ mục tiêu nào trong số 20 mục tiêu đa dạng sinh học đã được thống nhất tại Cop10, Nhật Bản năm 2010. Thập kỷ trước đó cũng xảy ra điều tương tự.

Tuy nhiên, nhiều thứ đã thay đổi kể từ năm 2010. Thỏa thuận Paris, tuy có nhiều sai sót, nhưng đã khôi phục phần nào niềm tin vào các quy trình của Liên hợp quốc về bảo vệ môi trường. Chúng ta vẫn có thể hy vọng rằng COP15 là một “khoảnh khắc Paris” mới khi bàn đến bảo vệ thiên nhiên.

COP15 có thể ngăn chặn vấn đề suy giảm đa dạng sinh học như thế nào?

21 mục tiêu dự thảo sẽ được đàm phán ở Montreal bao gồm các đề xuất loại bỏ ô nhiễm nhựa, giảm 2/3 việc sử dụng thuốc trừ sâu, giảm một nửa tỷ lệ du nhập các loài xâm lấn và loại bỏ các khoản trợ cấp chính phủ có hại cho môi trường. Các mục tiêu cũng bao gồm giảm 90% tỷ lệ tuyệt chủng hiện nay, tăng tính toàn vẹn của tất cả các hệ sinh thái, đánh giá vai trò của thiên nhiên đối với nhân loại và cung cấp các nguồn tài chính để đạt được tầm nhìn này.

Những vấn đề lớn 

Cũng như các cuộc đàm phán về khí hậu, có sự khác biệt đáng kể giữa phía bắc và nam bán cầu dẫn đến COP15, tập trung vào 4 vấn đề lớn: kinh phí, 30×30 (mục tiêu bảo vệ 30% đất và biển vào năm 2030), giám sát mục tiêu và tranh luận về trình tự thông tin liên quan đến độ chính xác sinh học.

Mục tiêu bảo vệ 30% đất liền và biển vào cuối thập kỷ đang trên đà thực hiện, nhưng vẫn còn một số lo ngại rằng quyền lợi của người bản địa sẽ không được bảo vệ.

Các nhà lãnh đạo thế giới như Emmanuel Macron, Justin Trudeau và Ursula von der Leyen đã đánh giá cao tầm quan trọng của COP15 trong việc ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học, nhưng nhiều nước đang phát triển nói rằng họ cần nhiều tiền hơn nếu muốn mở rộng các khu bảo tồn và phát triển nền kinh tế của họ một cách bền vững hơn so với các nước giàu có khác. Do đó, phía nam bán cầu không muốn đồng ý với các yêu cầu giám sát nghiêm ngặt do những mục tiêu như 30×30 đặt ra, trong khi đổi lại, họ không nhận được bất cứ điều gì.

Một điểm mấu chốt nữa là tranh cãi về việc các quốc gia sẽ được gì khi phát minh ra thuốc và các dự án thương mại khác sử dụng phiên bản kỹ thuật số. Nhóm Châu Phi cảnh báo họ sẽ không ký bất cứ cái gì trừ khi có thỏa thuận về trình tự kỹ thuật số thông tin (DSI) trong bản thỏa thuận cuối cùng.

Chúng ta đang hy vọng điều gì?

Một thỏa thuận đủ tham vọng để ngăn chặn sự suy tàn của thiên nhiên, nhưng cũng đủ khiêm tốn để đặt ra các mục tiêu thiết thực. Hiện tại đã có rất nhiều thành công chóng vánh – diệt trừ các loài xâm lấn trên các đảo, giảm ô nhiễm, cung cấp tiền cho các nỗ lực khôi phục tự nhiên – nhưng cuối cùng nó sẽ phụ thuộc vào ý chí của các nguyên thủ quốc gia. COP15 sẽ là thời điểm biến lời nói thành hành động và trở thành một phần quan trọng trong tham vọng lớn hơn của Liên hợp quốc về thúc đẩy sự chung sống hài hòa giữa con người và thiên nhiên vào năm 2050.

CHIA SẺ