Tam Nông – Đồng Tháp: Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường

BVR&MT – Sau hơn 3 năm thực hiện, Chương trình “Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015 – 2020″ do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh cùng các tổ chức tôn giáo đã tạo nên những hiệu ứng tích cực lan tỏa trong cộng đồng dân cư huyện Tam Nông.

Tam Nông là địa bàn huyện nông nghiệp, đồng bào có tín ngưỡng tôn giáo chiếm gần 40% dân số, có 08 tổ chức tôn giáo và 25 cơ sở thờ tự trên địa bàn, gồm: Phật giáo Việt Nam, Công giáo, Tin lành, Cao Đài Tây Ninh, Phật giáo Hòa Hảo, Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam. Trong đó, Phật giáo Hòa Hảo chiếm tỷ lệ trên 50% số lượng đồng bào có tín ngưỡng tôn giáo trên địa bàn huyện.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Tam Nông đã đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân cũng như đồng bào có tín ngưỡng tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hầu hết đồng bào có tín ngưỡng tôn giáo là người lao động, có niềm tin tôn giáo sâu sắc và có nhu cầu sinh hoạt tôn giáo bình thường. Đại đa số chức sắc, chức việc tôn giáo trên địa bàn huyện yên tâm làm việc đạo, có ý thức đồng hành cùng dân tộc, đoàn kết tôn giáo. Đồng bào các tôn giáo ngày càng nhận thức rõ lợi ích của quốc gia dân tộc và lợi ích của công cuộc đổi mới, gắn bó mật thiết với lợi ích của bản thân và lợi ích của tôn giáo mình. Từ đó, việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương nói chung có nhiều thuận lợi được đông đảo đồng bào có tín ngưỡng tôn giáo, các vị chức sắc, chức việc tích cực hưởng ứng, đã mang lại hiệu quả thiết thực góp phần quan trọng trong công tác phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương; xây dựng quê hương Tam Nông ngày càng đổi mới, văn minh.

Nắm bắt được những đặc trưng trên, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Tam Nông đã đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân cũng như đồng bào có tín ngưỡng tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua các buổi sinh hoạt của các chi, tổ hội, mô hình, câu lạc bộ, các buổi sinh hoạt, học giáo lý của các tôn giáo, kể cả các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp để lồng ghép chiếu phim tư liệu tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường; Phối hợp với các đơn vị, ngành chuyên môn tổ chức các đợt phát động, nhất là việc phát động toàn dân thông qua lễ mít-tinh hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6. Qua đó, đã từng bước nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường trong cộng đồng nói chung và đồng bào có tín ngưỡng tôn giáo nói riêng tích cực tham gia.

Người dân khu vực khai thông cống rãnh, không để ao tù nước đọng xung quanh nhà ở, tạo môi trường sống xanh – sạch – đẹp.

Tất cả 8/8 tổ chức tôn giáo trên địa bàn huyện đã xây dựng 16 câu lạc bộ về phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, với từng phần việc cụ thể, thiết thực phù hợp với từng địa bàn, khu dân cư và của từng tổ chức tôn giáo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con tín đồ thực hiện tốt việc sử dụng nước hợp vệ sinh, chặt mé cây xanh, phát quang bụi rậm, trồng hoa kiểng trước cửa nhà, khai thông cống rãnh, không để ao tù nước đọng xung quanh nhà ở, tạo môi trường sống xanh – sạch – đẹp; Tích cực tuyên truyền nhân dân thực hiện tốt việc thu gom rác và xử lý rác thải, nhất là việc tham gia đóng góp thu gom rác thải tập trung; không vào Vườn Quốc gia Tràm Chim săn bắt động vật hoang dã, chặt phá rừng; sử dụng vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, tiết kiệm, hợp vệ sinh; tham gia thực hiện việc thu gom bao bì, võ chai nhựa thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp về xử lý tránh sự ô nhiễm môi trường…

Thông qua hoạt động của các câu lạc bộ đã tác động nhận thức của đồng bào có tín ngưỡng tôn giáo có sự chuyển biến tích cực và sự đồng thuận cao thể hiện qua những việc làm cụ thể, thiết thực và ý nghĩa. Điển hình tiêu biểu là Câu lạc bộ “Tín đồ tôn giáo Phật giáo Hòa Hảo xã Phú Đức tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”, có 451 hộ thành viên đăng ký thực hiện, được tặng Bằng khen và báo cáo điển hình cấp tỉnh; Câu lạc bộ “Tín đồ họ đạo Cao đài xã Phú Cường sử dụng nước hợp vệ sinh, không có ao tù nước đọng, thực hiện tốt việc thu gom rác và xử lý rác thải hợp vệ sinh”, có 299/299 hộ thành viên đăng ký thực hiện, tỷ lệ 100%, thực hiện tốt việc sử dụng nguồn nước qua lắng lọc, họp vệ sinh và tham gia đóng phí thu gom rác thải hàng tháng; chủ động hơn trong công tác vệ sinh môi trường xung quanh nhà ở…

Ngoài ra, còn có các Câu lạc bộ “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường” của Giáo xứ Thánh Tâm xã Tân Công Sính; Câu lạc bộ “Vệ sinh môi trường và trật tự đô thị” của Giáo xứ Thiên Phước, Họ đạo Cao đài thị trấn Tràm Chim và nhiều Câu lạc bộ khác của tất cả các tôn giáo trên địa bàn được xây dựng để vận động tín đồ của tôn giáo mình tích cực hưởng ứng và đi vào hoạt động hiệu quả. Đáng nêu là đông đảo người dân và đồng bào có tín ngưỡng tôn giáo đồng thuận cao việc xây dựng đoạn đường xanh – sạch – đẹp được triển khai thực hiện mỗi xã ít nhất 1 đoạn đường (toàn huyện hiện xây dựng được 16 đoạn đường điểm của Huyện); mô hình “3 sạch”; tuyến đường trồng hoa kiểng,…tạo cảnh quang môi trường, góp phần giúp các xã nông thôn mới (An Hòa, Phú Cường, Hòa Bình) nâng chất tiêu chí môi trường. Qua đó, không chỉ góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, BVMT, mà còn chung sức cộng đồng trách nhiệm xây dựng đường làng xanh-sạch-đẹp, khắc phục ô nhiễm môi trường, xây dựng nông thôn mới. 

Tuyến đường trồng hoa kiển tạo cảnh quan môi trường Nông thôn mới tại ấp An Hòa – huyện Tam Nông.

Kết quả trên đã mang lại hiệu ứng tích cực. Từ việc trước đây người dân chưa có nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, theo số liệu thống kê của Huyện vào cuối năm 2016 tỷ lệ hộ dân thực hiện các biện pháp xử lý rác thải sinh hoạt chưa đến 30%; vai trò tự quản của từng hộ gia đình trong bảo vệ môi trường sống xung quanh, cũng như trong sản xuất, chăn nuôi được phát huy và được quan tâm hơn. Đến nay, tỷ lệ người dân trong huyện đăng ký thực hiện thu gom rác thải tập trung và thực hiện các phương pháp tự hủy tại gia đình đạt trên 80%. 

Nhằm tiếp tục phát huy những phương thức, cách làm hiệu quả những năm qua, Ủy ban MTTQ huyện Tam Nông tiếp tục phối hợp tăng cường công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng trong nội bộ tổ chức và tín đồ tôn giáo về ý nghĩa, tầm quan trọng, hiểm họa nghiêm trọng của ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đối với đời sống con người; Từng bước nâng cao nhận thức, tích cực chấp hành, thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Chương trình hành động của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trong thời gian tới.

Trần Thắng