BVR&MT – Có dịp ghé thăm thôn Nghĩa Vũ, xã Dục Tú, huyện Đông Anh (Hà Nội), hẳn du khách sẽ ấn tượng với vẻ đẹp thanh bình nơi đây, tách biệt khỏi không khí tấp nập, xô bồ nơi thành thị. Nghĩa Vũ gây thương nhớ nhờ những cánh đồng trải dài, những con đường phong quang, những con người dễ mến, hồn hậu. Đáng nói, đây là thôn đầu tiên trong xã Dục Tú triển khai thành công mô hình “Tái chế rác hữu cơ thành phân bón”, dần dần đi vào nếp sống của mỗi người…
Cô Lê Thị Huế – Trưởng thôn Nghĩa Vũ cho biết, thôn đã triển khai mô hình “Tái chế rác hữu cơ thành phân bón” từ tháng 2/2021. Thôn có 257 hộ thì có khoảng 80% hộ gia đình hưởng ứng. Có được những con số, những thành công đáng ghi nhận như thời điểm hiện tại là nhờ sự nhiệt huyết của nhóm nòng cốt. “Nhóm nòng cốt trong hoạt động tái chế rác hữu cơ thành phân bón trước kia gồm 10 người, giờ là 16 người. Chúng tôi được các nhà khoa học chuyển giao kỹ thuật tại nhà văn hóa thôn, được hướng dẫn cách ủ phân, kỹ thuật pha vi sinh. Sau đó, các thành viên nhóm nòng cốt áp dụng những kiến thức đã học ngay trong gia đình mình. Có tạo thành phân hữu cơ thành công thì mới tuyên truyền cho các hộ khác được”.
Quy trình “sản xuất” phân bón từ rác không quá phức tạp. Rác hữu cơ (cơm, rau củ thừa, vỏ hoa quả…) được đưa vào thùng nhựa hoặc hố đất; sau đó đổ dung dịch men vi sinh vào. Dung dịch men vi sinh được pha theo tỉ lệ 1 thìa vi sinh (mỗi nhà được cấp một gói vi sinh, dùng cho cả năm) – 5 thìa đường – 1 lít nước. Tỉ lệ trên sẽ cho ra 15-25 kg phân hữu cơ. Tùy vào khối lượng rác mà thời gian ủ sẽ khác nhau. Có khi chỉ cần 10-20 ngày, cũng có khi phải mất cả tháng. Sau khi thành phẩm “ra lò”, nước rỉ rác sẽ hòa với nước sạch để tưới rau, phân hữu cơ thì để bón trực tiếp cho cây trồng.
Khi đã quen tay, quen việc thì quy trình trên khá đơn giản. Nhưng khi thôn Nghĩa Vũ mới triển khai hoạt động ủ rác thành phân bón, cô Huế và các thành viên nhóm nòng cốt đã gặp không ít khó khăn. “Lúc đầu, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn bởi mọi người trong thôn thường có thói quen để tất cả các loại rác vào một chỗ. Giờ mình phải tuyên truyền để người ta phân loại, rồi hướng dẫn cách ủ phân hữu cơ bằng vi sinh, cách làm thùng ủ, đào hố ủ, cách pha vi sinh. Hằng ngày, chúng tôi phải đi kiểm tra, giám sát chặt chẽ xem mọi người có làm đúng cách hay không”, cô Lê Thị Huế tâm sự.
Với những hộ gia đình chưa quan tâm đến hoạt động ủ rác thành phân bón, cô Huế sẽ nhắc nhở thông qua loa phát thanh hoặc đến từng nhà để vận động tham gia. Tuy nhiên, trong quá trình “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, nữ trưởng thôn năng nổ cũng gặp không ít những câu chuyện dở khóc dở cười. “Có những hộ gia đình chúng tôi đến vận động tới 5-6 lần mà vẫn không tham gia. Lần nào tới vận động, họ cũng bảo lần sau làm nhưng mãi mà không thực hiện. Thấy vậy, chúng tôi bảo “nếu không làm thì chúng tôi sẽ đến đào hố ủ phân hộ”. Nghe thế, họ cũng nể, nói từ giờ không cần phải đến đây nữa, nhà tôi sẽ làm”.
Hiện nay, bên cạnh thùng phân bón ở từng nhà, thôn Nghĩa Vũ còn có các thùng ủ rác công cộng. Với các thùng ủ rác này, trưởng thôn sẽ giao cho các hộ gia đình ở gần đó quản lý. Ba gia đình sẽ quản lý một thùng để đảm bảo việc phân loại rác, xử lý bằng vi sinh được thực hiện quy củ, bài bản. Cuối ngày, nhóm trưởng từng khu sẽ kiểm tra độ ẩm của thùng phân bón, nếu thiếu độ ẩm thì sẽ cho thêm bột đất hoặc mùn cưa.
Theo cô Huế, mô hình “Tái chế rác hữu cơ thành phân bón” mang lại lợi ích kép, do vậy, thôn đặt mục tiêu vận động 100% hộ gia đình tham gia. “Thực hiện ủ rác thành phân bón sẽ bảo vệ môi trường trong mỗi gia đình, bảo vệ môi trường sống ở thôn xóm. Bên cạnh đó, dùng rác hữu cơ cho cây trồng sẽ đảm bảo an toàn hơn”, nữ trưởng thôn cho biết.
Để thấy hiệu quả của hoạt động ủ rác thành phân bón, chúng tôi đã tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Hanh – một trong những người đầu tiên hưởng ứng hoạt động này. Nổi bật giữa khu vườn nhỏ là những luống rau xanh mơn mởn. Ông Hanh “khoe” rau tốt là nhờ “phân rác”, vừa tiết kiệm lại an toàn. Ông Hanh cho biết, ban đầu ông cũng lo sợ việc ủ rác sẽ gây mùi, ruồi nhặng, nhưng khi áp dụng đúng lý thuyết, việc đó đã không còn đáng lo ngại. Ông Hanh chia sẻ: “Mới đầu tôi cũng bỡ ngỡ nhiều thứ. Sau cũng quen, thuần thục pha chế chai vi sinh, ủ phân bón. Tôi thấy phân bón hữu cơ có nhiều lợi ích hơn phân bón vô cơ. Nước chất của phân bón từ rác tốt hơn phân đạm. Nhờ vậy mà rau xanh hơn, ngon hơn”. Nói xong, ông cho chúng tôi xem thùng ủ rác của gia đình, giọng đầy tự hào: “Đấy, biết cách làm là có ủ bao nhiêu rác cũng không khó chịu. Ở đây chỉ có mùi hăng hăng của men vi sinh thôi”.
Gần nhà ông Hanh là gia đình ông Nguyễn Văn Phong với những luống rau xanh mướt khiến chúng tôi tấm tắc khen mãi. Vườn rau ấy cũng lớn lên nhờ “phân rác”, được ông Phong chăm bón từng ngày. “Tôi cảm thấy việc ủ rác thành phân bón hữu cơ rất ý nghĩa, thân thiện với môi trường. Nếu so sánh với phân đạm, phân Kali, phân bón từ rác có thể không thúc đẩy cây trồng sinh trưởng nhanh, nhưng lại có thể đảm bảo an toàn bền vững”, ông Phong nói.
Bà Minh – vợ ông Phong đồng quan điểm với chồng: “Ủ phân thế này vừa giảm thiểu được rác thải, đỡ ô nhiễm môi trường, lại có phân bón an toàn, không độc hại, đất nhờ vậy mà tơi xốp hơn”.
Là vùng thuộc khu vực châu thổ sông Hồng, đất đai màu mỡ, giàu nguồn nước, thôn Nghĩa Vũ nhờ vậy mà thuận lợi canh tác nông nghiệp, đẩy mạnh trồng trọt. Được trưởng thôn tuyên truyền, hướng dẫn ủ rác thành phân bón, người dân đã nhiệt tình hưởng ứng, thay thế phân vô cơ thành phân hữu cơ giúp nhà nông tiết kiệm chi phí nhưng cây trồng vẫn phát triển cân đối. Họ đã biến rác thành sản phẩm có giá trị!
Thực hiện: Trà Giang – Hồng Nhung