Tái chế pin thiếu kiểm soát đe dọa sức khỏe toàn cầu

BVR&MT – Từ những khu ổ chuột ở châu Phi đến những khu dân cư ở các thành phố của Trung Quốc, số doanh nghiệp nhỏ tái chế chì từ ắc quy ô tô đang gia tăng. Giới chuyên gia khẳng định ô nhiễm từ các hoạt động không được kiểm soát này là một mối đe dọa chết người và trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm độc nhất.

Phyllis Omido nghĩ rằng con trai mình mắc bệnh sốt rét cho đến khi các bác sĩ phát hiện cậu bé bị ngộ độc từ sữa mẹ có chứa hàm lượng chì nguy hiểm do một nhà máy tái chế ắc quy gần nhà cô ở Mombasa, Kenya thải ra. Cô bỏ việc và phát động một chiến dịch khiến nhà máy phải đóng cửa.

Công nhân dỡ ắc quy ô tô để chuẩn bị tái chế chì ở Patna, Ấn Độ. (Ảnh: Pure Earth)

Ở phía bên kia của châu Phi, tại Senegal, ít nhất 18 trẻ em đã chết chỉ trong ba tháng vì bệnh não và chính ô nhiễm chì độc hại từ một nhà máy tái chế ắc quy ở ngoại ô Dakar hủy hoại não các em. Đất quanh nhà máy ô nhiễm đến mức người dân có thể lọc chì từ đất quanh nhà để bán. Thêm hàng trăm trẻ em quanh đó bị ngộ độc.

Ở California, kiểm toán tiểu bang cho biết hàng nghìn ngôi nhà cùng trường học và công viên trong vòng 3,4 dặm xung quanh một nhà máy tái chế ắc quy cũ gần Los Angeles vẫn bị ô nhiễm do dự án làm sạch trị giá 650 triệu đô la bị chậm trễ vì Exide Technologies (chủ sở hữu nhà máy) phá sản và không thể chi tiền.

Và khi Hoa Kỳ thắt chặt quy định về môi trường với các nhà máy tái chế chì, hàng năm gần nửa triệu tấn ắc quy ô tô được chở về phía nam để tái chế trong các lò luyện nguy hiểm và ít được kiểm soát ở Mexico.

Từ làng quê Việt Nam đến những ngõ phố thuộc các siêu đô thị Trung Quốc, từ các khu trại Roma ở Kosovo đến những xưởng sản xuất ở khu ổ chuột châu Phi, từ các khoảng rừng ở Bangladesh đến những lò luyện khổng lồ ở Ấn Độ, việc tái chế không an toàn ắc quy chì, chủ yếu là từ ô tô, là vết sẹo đang gây chết người và ngày càng lam khắp hành tinh. Perry Gottesfeld thuộc tổ chức chuyên vận động chống ô nhiễm công nghiệp trên toàn thế giới Occupational Knowledge International gọi đây là “mối đe dọa sức khỏe môi trường nghiêm trọng nhất với trẻ em”.

Nhưng đại dịch nhiễm độc từ hoạt động kinh doanh siêu lợi nhuận này hiếm khi được coi là một vụ bê bối toàn cầu. Hầu hết mọi người chưa bao giờ nghe nói về nó.

Trong những thập kỷ gần đây, ngành công nghiệp ô tô loại bỏ gần như toàn bộ các chất phụ gia chì trong xăng. Kết quả là nồng độ chì trong máu hàng trăm triệu người trên thế giới đã giảm mạnh.

Nhưng giờ đây, theo Giám đốc điều hành tổ chức phi lợi nhuận Pure Earth Richard Fuller, nồng độ chì trong máu đang tăng trở lại, phần lớn là do không ai nghĩ đến chì trong ắc quy của 1,4 tỷ xe ô tô vẫn chạy trên đường.

Chúng ta có xu hướng coi tái chế là điều gì đó tốt đẹp thuần túy. Nhưng không phải theo cách tái chế chì trong ắc quy. Chì, một trong những kim loại độc và phổ biến nhất cũng nằm trong số những kim loại được tái chế nhiều nhất với hơn 6 triệu tấn được thu gom để tái sử dụng mỗi năm. Theo Hiệp hội chì quốc tế, ắc quy chì là “sản phẩm tiêu dùng được tái chế nhiều nhất trên thế giới”. Nhờ tái chế, chúng ta hầu như không khai thác chì nữa.

Một người đàn ông nung chảy chì tái chế “không chính quy” từ ắc quy ở Pesarean, Indonesia. (Ảnh: Pure Earth)

Ước tính khoảng 85% lượng chì được sử dụng ngày nay là để làm ắc quy, chủ yếu cho ô tô. Khi ắc quy cạn kiệt, 99% lượng chì được tái chế để sản xuất ắc quy mới. Ngành này rất phổ biến vì lợi nhuận cao. Nhưng vấn đề cũng nằm ở chính điểm này. Hàng chục nghìn doanh nghiệp trên khắp thế giới thu gom ắc quy đã qua sử dụng để biến thành sản phẩm mới. Không bị chế tài nên kết quả của việc này là thường gây chết người.

Ở nhiều quốc gia, các doanh nghiệp nhỏ có vẻ chiếm ưu thế so với các doanh nghiệp hợp pháp vì chi phí đầu tư thấp – điều này đồng nghĩa với việc họ có thể trả nhiều hơn để mua ắc quy đã qua sử dụng. 1/2 tổng số ắc quy chảy về khu vực kinh tế phi chính thức – “nơi các hoạt động tái chế không được kiểm soát và thường là bất hợp pháp khi đập vỡ ắc quy, làm đổ axit và bụi chì xuống đất, nấu chảy chì trong các lò ngoài trời thải ra khói và bụi độc hại làm ô nhiễm các khu dân cư xung quanh”, theo một báo cáo được Pure Earth và UNICEF mới công bố.

Ô nhiễm không khí, đất và nước từ lâu đã được ghi nhận xung quanh các cơ sở tái chế và nấu chảy chì. Chì rất dễ dàng bị hít vào hoặc tiêu thụ, theo mạch máu đến các cơ quan từ hệ tiêu hóa đến não.

“Chì thể hiện sự tàn phá một cách âm thầm và ngấm ngầm”, báo cáo của UNICEF lưu ý. Theo đó, 1/3 trẻ em trên thế giới đang bị nhiễm độc chì, từ ắc quy tái chế và các nguồn khác. Nói cách khác, khoảng 800 triệu trẻ em sống với mức độ chì trong máu cao hơn 5 microgam trên mỗi decilit chiếu theo tiêu chuẩn an toàn do CDC Hoa Kỳ đặt ra.

Một số chuyên gia nói rằng ước tính của UNICEF không có cơ sở nhưng thừa nhận các con số đó “phù hợp với dữ liệu về chì trong máu mà chúng ta thấy trên khắp thế giới”.

Gottesfeld nhận thấy một ngành công nghiệp toàn cầu đang phát triển nhanh chóng và phần lớn không được kiểm soát. “Tôi đã bắt đầu điều tra cách đây nhiều năm ở Ấn Độ. Nhưng khi chúng tôi cố gắng làm sạch ở đó, chính những công ty Ấn Độ này nhanh chóng chuyển đến châu Phi”. Các nền kinh tế châu Phi đang phát triển mạnh, mỗi năm lục địa này tách hơn 800.000 tấn chì khỏi ắc quy.

Hệ lụy với sức khỏe con người và môi trường đang bắt đầu xuất hiện. Một nghiên cứu ở 7 quốc gia châu Phi cho thấy ô nhiễm chì trên diện rộng xung quanh các cơ sở tái chế trong những khu ổ chuột đô thị đông đúc và gần trường học ở các thành phố như Dar es Salaam ở Tanzania, Lagos ở Nigeria và cảng Tema ở Ghana.

Mức độ chì trong đất là 23,2 phần triệu – gấp 1.000 lần mức trong tự nhiên và khoảng 100 lần mức an toàn của Hoa Kỳ. Diện tích đất có chì là 2%, với mức cao nhất tới 14%.

Châu Phi đang phải đối mặt với vấn đề nhiễm độc chì đặc biệt nghiêm trọng. “Nhưng cho đến nay”, Faridah Were từ Đại học Nairobi, đồng tác giả nghiên cứu với Gottesfeld chỉ rõ “mặc dù nhu cầu cấp thiết… nhưng các chính phủ châu Phi không mấy nỗ lực giải quyết vấn đề này”.

Đông Nam Á đối mặt với cuộc khủng hoảng tương tự. Bill Daniell thuộc Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Washington và là tác giả chính một nghiên cứu công bố năm 2015 về phơi nhiễm chì trẻ em ở làng Đông Mai chuyên tái chế ắc quy chì gần Hà Nội, Việt Nam. Có hơn 100 trẻ em ở Đông Mai đã được xét nghiệm với kết quả tất cả đều có mức độ chì trong máu cao: hơn 1/4 đạt mức trên 45 microgam mỗi decilit – gấp chín lần giới hạn an toàn của Hoa Kỳ.

Tại Trung Quốc, Occupational Knowledge International ghi nhận một loạt các vụ bê bối xung quanh các nhà máy tái chế và nấu chảy chì trong hai thập kỷ qua. Năm 2010, hơn 100 trẻ em phải điều trị tại các bệnh viện ở Trùng Khánh vì nhiễm độc chì từ nhà máy luyện chì lớn của thành phố. Người dân bao vây nhà máy, lục soát các văn phòng và phá hủy máy móc, buộc nhà máy phải đóng cửa.

Gottesfeld cho biết Trung Quốc hiện đang sạch dần khi “hàng trăm nhà máy đã bị đóng cửa”. Nhưng Ấn Độ thì không, trong bối cảnh chế tài còn yếu và việc thực thi kém: “các công ty phải lấy lại 80% lượng pin nhưng không có khuyến khích tài chính nào nên điều đó sẽ không xảy ra”.

Thay vào đó, giới buôn bán phế liệu chiếm ưu thế. Một nghiên cứu được tổ chức phi chính phủ Toxics Link công bố năm 2019 cho thấy khoảng 90% ắc quy chì ở Ấn Độ được tái chế ở khu vực phi chính thức. Nghiên cứu đã lập bản đồ các khu vực lân cận ở các thành phố lớn, chẳng hạn như Delhi, nơi các xưởng tái chế ắc quy chì hoạt động mà không bị giám sát chính thức.

Daniell giải thích nhu cầu toàn cầu về chì tăng gấp 10 lần trong một thập kỷ “chủ yếu liên quan đến ngành sản xuất ắc quy” hay nói cách khác do sự gia tăng nhanh chóng của số lượng ô tô trên khắp thế giới. Nhưng một vấn đề mới đáng lo ngại nảy sinh do sự phát triển nhanh chóng của năng lượng tái tạo.

Gạt bỏ đất nhiễm chì ở làng Đông Mai, Việt Nam. (Ảnh: Pure Earth)

Tấm pin mặt trời ở các vùng nông thôn hẻo lánh có thể là một vấn đề cụ thể. Gottesfeld nói: “Hầu hết những người sử dụng năng lượng mặt trời tại nhà đều có ắc quy chì”. Ắc quy tích trữ năng lượng vào ban ngày để phục vụ việc mở ti vi và thắp đèn điện vào ban đêm. “Các cơ quan của Liên hợp quốc và giới hoạt động về biến đổi khí hậu thúc đẩy điều này, nhưng không ai cung cấp cách thu thập pin để tái chế an toàn”.

Vậy thì nên làm gì? Gottesfeld cho biết các cơ quan như UNICEF và UNEP chỉ nêu bật vấn đề mà không giải quyết một cách hiệu quả. Daniell đồng ý cho rằng có “có không ít nghiên cứu được xuất bản và vô vàn các cuộc thảo luận nhưng điều đó chưa chuyển thành hành động dứt khoát hoặc chính sách hiệu quả”.

Fuller thì nhấn mạnh thuyết phục các nhà hoạch định chính sách sẽ là “một quá trình chậm chạp” và muốn thành lập một quỹ toàn cầu để hỗ trợ các chính phủ trả tiền mặt cho việc thu gom ắc quy từ khu vực chính thức.

Nhưng ngay cả với việc thắt chặt các tiêu chuẩn hoạt động thì sẽ vẫn còn rất nhiều điểm bị ô nhiễm. Fuller tin rằng trên toàn thế giới có thể có tới 90.000 nhà máy tái chế không chính thức hiện đang hoạt động, hầu hết đầu độc môi trường và con người. “Nhưng chúng tôi không biết con số chính xác. Càng tìm, càng thấy nhiều”.

Ngay cả khi khoản đầu tư đổ vào khâu làm sạch, kết quả vẫn là bất định. Rất nhiều tiền được chi ra để tẩy rửa đất nhiễm độc khỏi khu vực xung quanh địa điểm Senegal, nơi 18 trẻ em bị cướp đi mạng sống. “Chúng tôi đổ hết đất xuống một mỏ bỏ hoang. Nhưng một chính trị gia địa phương nói rằng như thế sẽ đầu độc người dân và đào lên rồi bỏ bên vệ đường. Bây giờ chúng ta phải tái xử lý tất cả”.

Tuy nhiên, vẫn có hy vọng. Tháng 7/2020, nhóm của Omido chiến thắng lớn trong các vụ kiện chống lại chính phủ Kenya và 2 công ty luyện kim loại hoạt động ở Mombasa. Các thẩm phán tuyên phạt 12 triệu đô la tiền bồi thường cho các ca tử vong và ảnh hưởng đến sức khỏe từ nhà máy tái chế ắc quy Mombasa và yêu cầu làm sạch. Đó là một sự khởi đầu.

Nhật Anh (Theo Yale Environment 360)