Tác động của đập thủy điện Trung Quốc tới sông Mê Kông

Hàng loạt đập thủy điện dọc sông Lan Thương (sông Mê Kông chảy qua địa phận Trung Quốc) đã làm thay đổi chế độ dòng chảy sông Mê Kông, ảnh hưởng nghiêm trọng tới các quốc gia Thái Lan, Lào, Myanmar và Việt Nam phía hạ nguồn. Đây là kết quả từ nghiên cứu mới đây của Trường Đại học Aalto, Phần Lan.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, các đập thủy điện của Trung Quốc xây dựng trên sông Mê Kông đã làm thay đổi chế độ dòng chảy, ảnh hướng tới hệ sinh thái, sinh kế của cộng đồng ven sông và an ninh lương thực trong khu vực.
Những tác động này đã được nhìn thấy từ năm 2011, khi các đập thủy điện của Trung Quốc góp phần làm tăng dòng chảy vào mùa khô và giảm dòng chảy vào mùa mưa. Trong khi đó, chính nhịp lũ hàng năm đã hỗ trợ cho các hệ sinh thái trên sông Mê Kông, một hệ thống lưu vực đang duy trì một trong những nguồn cá nội địa lớn nhất thế giới.
Dòng chảy theo mùa bị tác động lớn nhất vào năm 2014, sau khi Trung Quốc xây dựng thủy điện Nọa Trát Độ. Đập thủy điện lớn nhất trên lưu vực sông Mê Kông này đã làm thay đổi chế độ dòng chảy của 1.200 dặm xuống phía hạ nguồn trên lưu vực Campuchia.
Theo ông Timo Rasanen, trưởng nhóm nghiên cứu, sự thay đổi chế độ dòng chảy dẫn đến thay đổi các hệ sinh thái dưới nước và trên bờ sông, làm suy giảm năng suất của hệ sinh thái. Ngoài ra, thay đổi chế độ dòng chảy còn ảnh hưởng đến cuộc sống của những người dân sống phụ thuộc vào nguồn tài nguyên của con sông.
Cần nhiều nghiên cứu hơn nữa
Ông Rasanen cho rằng cần phải thực hiện thêm nhiều nghiên cứu nữa nhằm hiểu rõ các tác động của đập thủy điện đến các cộng đồng hạ nguồn.
Tại các quốc gia lưu vực Mê Kông, khoảng 40 đến 70% chất đạm con người tiêu thụ hàng ngày có nguồn gốc từ cá và các thủy sản khác từ sông Mê Kông. Thế nhưng, các đập thủy điện đã làm suy giảm đáng kể sản lượng cá của con sông. Hơn nữa, sự thay đổi mực nước sông liên tục gây thiệt hại nghiêm trọng của cải, hoa màu, thậm chí cả mạng sống của con người. Nhiều người dân phải di cư đến sinh sống ở những khu vực khác.
Hiện tại, Trung Quốc đã có 7 đập thủy điện đang hoạt động và nước này đang lên kế hoạch xây thêm 20 đập nữa trên lưu vực sông Mê Kông. Tại phía nam Trung Quốc, có đến 50 nhà máy thủy điện đang hoạt động và gần 80 nhà máy đang trong kế hoạch xây dựng.
Thêm đập thủy điện trên sông Mê Kông và nhu cầu minh bạch thông tin
Mới đây, Lào đã thông báo với Uỷ hội Sông Mê Kông về kế hoạch xây dựng đập Pak Beng – đập thủy điện lớn thứ ba trên dòng chính sông Mê Kông.[BD1] Dự án thủy điện Pak Beng sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân Thái Lan và toàn lưu vực sông Mê Kông, theo nhận định của Tổ chức Sông ngòi Quốc tế (International Rivers).
Sau đợt hạn hán nghiêm trọng trên diện rộng mà các quốc gia Tiểu vùng sông Mê Kông phải hứng chịu hồi đầu năm 2016, Việt Nam đã đề nghị Trung Quốc xả nước từ các đập thủy điện phía thượng nguồn sông. Không phải là thành viên Uỷ hội Sông Mê Kông nhưng Trung Quốc cũng tham gia Cơ chế Hợp tác Lan Thương – Mê Kông, vốn được thiết lập năm 2016 với thành viên là các quốc gia có chung dòng Mê Kông.
Để hiểu rõ tác động của các đập thủy điện, các quốc gia cần minh bạch thông tin về lưu lượng nước cũng như quy trình hoạt động của các dự án đã hoàn thành và đang trong quá trình xây dựng.
Ông Rasanen khẳng định nếu thất bại trong việc thành lập một tổ chức hợp tác xuyên quốc gia và chỉ tập trung phát triển đơn phương sẽ gây ra chia rẽ và suy giảm tính bền vững trong phát triển của cả khu vực.
Nguồn nước và năng lượng dồi dào sẽ là tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế. Đó là những khía cạnh quan trọng trong phát triển xã hội mà mọi cư dân trên khu vực đều mong muốn.
Ông Rasanen nhấn mạnh, nghiên cứu này không nhằm mục đích hạn chế sự phát triển mà muốn nhấn mạnh rằng nếu vẫn tiếp tục đứng ngoài hay làm ngơ trước tác động của đập thủy điện thì chúng ta sẽ phải hối tiếc trong tương lai.
Dương Kim (Theo bna.com)
Tags:
CHIA SẺ